Nghệ thuật quân sự người Việt (Kỳ 8): Khoan thư sức dân là thượng sách giữ nước

Thứ sáu, ngày 10/09/2021 12:33 PM (GMT+7)
Tháng 6/1300, Hưng Đạo Vương ốm nặng, vua Trần Anh Tông tới thăm và hỏi rằng: “Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?”. Trần Quốc Tuấn sau khi tổng kết cuộc kháng chiến đã nói rằng: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”.
Bình luận 0
Nghệ thuật quân sự người Việt (Kỳ 8): Khoan thư sức dân là thượng sách giữ nước - Ảnh 1.

Tượng đài Trần Hưng Đạo. Ảnh: Pháp luật Việt Nam

Hư hư thực thực, nắm thế chủ động

Trần Quốc Tuấn là một bậc tướng cột đá chống trời. Ông đã soạn hai bộ binh thư: Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư để dạy bảo các tướng cách cầm quân đánh giặc. Hịch tướng sĩ viết bằng giọng văn thống thiết hùng hồn, mang tầm tư tưởng của một bậc "đại bút".

Trần Khánh Dư, một tướng giỏi cùng thời đã hết lời ca ngợi ông :... "Lấy ngũ hành cảm ứng với nhau, cân nhắc cửu cung, không lẫn âm dương...". Biết dĩ đoản binh chế trường trận, có nghĩa là lấy ngắn chống dài. Khi giặc lộ rõ ý định gây hấn, Trần Quốc Tuấn truyền lệnh cho các tướng, răn dạy chỉ bảo lẽ thắng bại tiến lui: Tới lui đánh giữ đều do nơi ta, đó là có cơ đánh thắng. Do ta thì ta chế ngự được địch, do địch thì bị địch chế ngự. Ta muốn chế ngự địch mà dầu địch không muốn cũng không cưỡng lại được, đó là do ta sắp đặt khiến cho phải được như thế.

Ông viết trong Binh thư yếu lược: Kẻ thắng trước thì trước hết tỏ rằng mình yếu hơn địch cho nên sĩ số chỉ bằng nửa mà sức đánh gấp bội địch. Cho nên chưa thấy thắng mà đã đánh, dầu đông quân cũng sẽ thất bại. Kẻ đánh giỏi ở yên thì không lộn xộn, thấy thắng được thì dấy binh đánh, thấy không thắng được thì dừng lại.

Ngày xưa, kẻ giỏi dùng binh trong lòng muốn như thế nhưng tỏ ra ngoài rằng mình không muốn như thế, khiến cho địch ngờ rằng mình không muốn như thế, để thi hành ý muốn của mình đúng như thế, đó là phép vi diệu, để phá quân, bắt tướng, hàng thành, phục ấp.

"Cho nên việc bày ra ngoài là ảnh. Cho nên làm ra cho người thấy, nhưng không có ý ấy, thì trong ảnh lại có ảnh hiện ra. Hai gương cùng treo soi nhau, đã sâu kín lại càng sâu kín. Địch sắp đặt mưu kế mà ta phá hoại được, địch toan đoạt lợi mà ta ngăn chặt được, ắt cơ trí của địch phải thất bại. Chúng giả vờ khêu chọc ta để đánh úp ta, ta phá được. Chúng giả phô trương, ta phá được. Chúng giả đánh, ta phá lực lượng của chúng. Chúng dẫn dụ lừa dối ta, ta phá hỏng mưu mô của chúng… hư thì không thực…thực thì không hư… đó là sự thần diệu của cách biến hóa hư không vậy".

Đề cao nhân nghĩa

Trần Quốc Tuấn là một bậc tướng tài có đủ tài đức. Là tướng nhân, ông thương dân, thương quân, chỉ cho quân dân con đường sáng. Là tướng nghĩa, ông coi việc phải hơn điều lợi. Là tướng chí, ông biết lẽ đời sẽ dẫn đến đâu.

Là tướng dũng, ông sẵn sàng xông pha vào nơi nguy hiểm để đánh giặc, lập công, cho nên trận Bạch Đằng oanh liệt nghìn đời là đại công của ông. Là tướng tín, ông bày tỏ trước cho quân lính biết theo ông thì sẽ được gì, trái lời ông thì sẽ bị gì. Cho nên cả ba lần đánh giặc Nguyên Mông, Trần Quốc Tuấn đều lập công lớn.

Ông viết: Dùng mưu trí để hàng phục thiên hạ mà thiên hạ chịu khuất phục mưu trí của mình thì mưu trí ấy cũng chưa phải tối thắng. Dùng hình pháp để chế ngự thiên hạ mà thiên hạ chịu theo hình pháp thì hình pháp ấy cũng chẳng có gì hay. Dùng mưu trí hay hình pháp đều chẳng phải là điều hay nhất trong những điều hay.

Ngày xưa Thánh Võ giữ thế mà chẳng vây thành, chẳng đánh lũy, chẳng bày trận, đó là nhờ nương náu ở chỗ hư không và dựa vào chỗ ít ỏi. Hun đúc trong thế "không tranh" mà được vậy".

Cái thánh đạo trong tư tưởng của Trần Quốc Tuấn chính là đề cao nhân nghĩa, lấy dân làm gốc: "Khi dùng binh, không được đánh thành không lỗi, không được giết người vô tội. Giết cha mẹ, anh em của người, bắt con cái của người làm tôi tớ hầu thếp, đó là cướp bóc.

Cho nên việc binh chỉ là trừa bạo dẹp loạn, ngăn chặt điều bất nghĩa. Tại nơi dùng binh, nhà nông không bỏ ruộng, kẻ mua bán không rời chợ, kẻ sĩ đại phu không rời nơi quan phủ. Sở dĩ các điều ấy được thực hiện, đó là nhờ việc điều binh chỉ do tay một người. Nhớ đó dùng binh không đổ máu mà lại được thiên hạ thương yêu".

"Người xưa đuổi giặc không quá trăm bước, treo cờ xí không quá hai xá (hai mươi dặm), đó là bày tỏ đức lễ. Không dồn kẻ yếu vào thế cùng và thương xót những kẻ bị thương tích và bệnh tật, đó là bày tỏ đức nhân. Thành thực tỏ bày ra, đó là làm sáng tỏ đức tín.

Giành nhau điều nghĩa mà chẳng giành nhau điều lợi, đó là bày tỏ đức nghĩa. Lại có thể cởi áo ra, đó là tỏ bày lòng dũng cảm. Biết đầu biết đuôi, đó là bày tỏ trí tuệ. Đem sáu đức ra mà khuyên dạy cho hợp thời để làm giềng mối cho dân chúng, đó là phép chánh trị của người xưa".

Hội nghị Diên Hồng là đỉnh cao của việc phát huy trí tuệ toàn dân, thể hiện sâu sắc quan điểm "chúng chí thành thành" mà nhà Trần đã dày công xây dựng, vun đắp ngay từ những ngày đầu kế tục triều Lý trong vai trò lãnh đạo đất nước và phát huy tới tầm cao trong cả ba cuộc kháng chiến. Những tiếng hô "quyết đánh" của các bô lão đã vang lên ở Điện Diên Hồng vào mùa Đông Giáp Thân (1285) là tiếng nói của cả dân tộc. Hội nghị lịch sử đó đã thể hiện quyết tâm kháng chiến sắt đá của toàn dân trước kẻ thù xâm lược.

Trần Quốc Tuấn căn dặn tướng sỹ: "Các vương hầu và các tướng sỹ, ai nấy phải cẩn giữ phép tắc, đi đến đâu không được quấy nhiễu dân". Năm 1289, trong niềm vui toàn thắng, đô thành bị đổ nát, đất nước hoang tàn, vua Nhân Tông hạ chỉ gấp rút tu sửa thành Thăng Long. Trần Quốc Tuấn can rằng: "Việc sửa lại thành trì không cần kíp lắm. Việc cần kíp triều đình cần phải làm ngay không thể chậm trễ được là việc úy lạo nhân dân.

Hơn bốn năm, quân giặc hai lần tràn sang đánh phá, từ nơi núi rừng đến nơi đồng ruộng đều bị tàn phá hầu hết. Vậy mà dân chúng vẫn một lòng hướng về triều đình, xuất tài, xuất lực, đi lính, đóng thuế làm nên một lực lượng mạnh cho triều đình chống nhau với giặc. Nay nhà vua đã được trở về yên ổn, việc cần làm trước hết là chú ý đến ngay dân. Những nơi nào bị tàn phá, tùy tình trạng nặng nhẹ mà cứu tế. Nơi nào bị tàn phá quá nặng có thể miễn tô thuế mấy năm. Có như thế dân mới nức lòng càng quy hướng về triều đình hơn nữa.

Người xưa đã nói: "Chúng chí thành thành". Đó mới là cái thành cần sửa chữa ngay. Xin nhà vua xét kỹ". Vua Trần Nhân Tông đã nghe theo lời khuyên.

Trong bối cảnh đó, quân Nguyên - Mông không chỉ đọ sức với quân đội nhà Trần mà phải đương đầu với toàn thể nhân dân Đại Việt. Khi tiến vào nước ta, quân địch đã rất bất ngờ khi thấy ở khắp nơi đều treo những tấm biển hiệu lệnh ghi rõ: tất cả các quận, huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến, phải liều chết mà đánh, nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được phép đầu hàng. Với một lòng yêu nước nồng nàn, nhân dân cả nước đã thực hiện triệt để mệnh lệnh kháng chiến của triều đình.

Gia Hà (Theo Pháp luật Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem