Dân Việt

Doanh thu đặt hàng gói combo nông sản hơn 1 tỷ đồng/ngày nhưng chỉ giao được 30%

Nguyên Vỹ 11/09/2021 11:55 GMT+7
Gói combo nông sản được người dân TP.HCM đánh giá cao và chấp nhận. Doanh thu đặt hàng gói combo nông sản hơn 1 tỷ đồng mỗi ngày nhưng chỉ giao được 30%.

Chỉ giao được 30% đơn đặt hàng

TS. Trần Minh Hải, thành viên Tổ công tác 970 cho biết như thế tại diễn đàn kết nối nông sản và thực phẩm tươi sống cho TP.HCM do Bộ NNPTNT tổ chức trực tuyến ngày 11/9.

Theo TS. Hải, sáng kiến về gói combo nông sản của Tổ công tác 970 đã được người dân đánh giá cao và chấp nhận.

Gói combo nông sản tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Tổ công tác 970

Gói combo nông sản tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Tổ công tác 970.

Hiện Tổ công tác 970 đã kết nối được hơn 1.400 đầu mối từ rất nhiều tỉnh thành cung cấp nông sản về TP.HCM.

Gói combo nông sản này có nhiều loại, mức trọng lượng 10kg. Người dân chỉ cần mua 1 lần có thể sử dụng được 3-5 ngày nên hạn chế việc tiếp xúc với nhiều người.

TS. Hải cho biết, mỗi ngày, doanh thu đặt hàng từ gói combo đạt 1-1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, khả năng giao hàng gói combo nông sản chỉ đạt 20-30% do việc đi lại còn khó khăn.

Ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Dương, cho biết, thông qua gói combo nông sản, tình hình tiêu thụ ở Bình Dương đã được cải thiện nhưng số lượng tiêu thụ chưa lớn.

Do sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản, nhiều mặt hàng ở Bình Dương đã rơi vào tình trạng dư thừa.

Hiện mỗi ngày, tỉnh bị tồn hơn 2 triệu quả trứng gà, 200.000 quả trứng cút; khoảng 80 tấn dưa lưới, 70 tấn chuối và 30 tấn chanh không hạt. Đặc biệt, các sản phẩm rau ăn lá đang dư thừa nhiều và gặp khó khăn trong tiêu thụ.

Đàn gà lông trắng của Đồng Nai đang dư thừa 200.000 con. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi gà lông trắng ở tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Trần Khánh

Đàn gà lông trắng của Đồng Nai đang dư thừa 200.000 con. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi gà lông trắng ở tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Trần Khánh.

Tương tự, Đồng Nai cũng có 3 nhóm nông sản có nguy cơ khó tiêu thụ. Ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai cho biết, trái cây của tỉnh đang còn dư khoảng 50 tấn bưởi, 200 tấn cam, quýt, 800 tấn củ đậu. Rau củ quả thì dư khoảng 1.000 tấn.

Các sản phẩm chăn nuôi, nhứ gà lông trắng dư thừa 200.000 con, vịt dư 80.000 con, dê dư 6.000 con, chim cút dư 300.000 con. Riêng thủy sản dư khoảng 1.000 tấn, trong đó có 800 tấn cá nước ngọt, 200 tấn tôm.

Ông Sinh đề nghị các tỉnh và TP.HCM tạo điều kiện để Đồng Nai sớm đưa những sản phẩm dư thừa trên vào chuỗi tiêu thụ.

Theo TS. Hải, không chỉ Đồng Nai, Bình Dương mà nhiều tỉnh thành khác cũng phản ánh tình trạng nông sản ùn ứ, dư thừa. Tuy nhiên, khi Tổ 970 đưa đơn hàng về thì các đơn vị ở địa phương lại không có đủ khả năng cung cấp.

"Một trong những nguyên nhân là do cách thống kê sản lượng không đúng với thực tế. Ngay cả khâu đóng gói, sơ chế, các đơn vị cũng làm không được", TS. Hải phân tích.

Hội nông dân Bình Phước hỗ trợ thu gom vận chuyển nông sản của bà con xuống thị trường TP.HCM. Ảnh: Yến Linh.

Hội Nông dân Bình Phước hỗ trợ thu gom vận chuyển nông sản của bà con xuống thị trường TP.HCM. Ảnh: Yến Linh.

Nhận xét chung về hàng hóa từ địa phương vào TP.HCM, ông Hải cho biết, lượng hàng hầu như không tăng cao hay tăng đột biến nữa vì bước đầu, khâu kết nối tiêu thụ đã thông suốt, ổn định.

Trong hơn 1.400 đầu mối tham gia kết nối với Tổ 970, một số đơn vị đã rút khỏi chuỗi cung ứng do hết mùa vụ, hàng hóa đã tiêu thụ hết.

Sang giai đoạn tiếp theo, Tổ 970 sẽ tổ chức để các đơn vị thu mua tại TP.HCM kết nối trực tiếp với các HTX nông nghiệp ở các tỉnh.

Sáng kiến khác mà Tổ 970 đang triển khai là xe bán hàng lưu động từ tỉnh lên TP.HCM.

Tổ 970 đã liên kết với UBND các quận, phường lên kế hoạch, chọn ra 3-4 địa điểm để các địa phương giao hàng trực tiếp. 

"Việc này giúp tiết giảm khâu trung gian nên giảm được giá bán. Tổ 970 sẽ tiếp tục mở rộng mô hình này", TS. Hải cho biết.