Với mô hình nuôi gà xương đen, lợn cắp nách, bò sinh sản, anh Hà Ngọc Dân (sinh năm 1990, dân tộc Tày) - Bí thư Đoàn thôn Bảo An, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ, Hà Giang) là một trong những điển hình nông dân trẻ ở địa phương.
Anh Hà Ngọc Dân cho biết: "Trước khi làm Bí thư Đoàn thôn, tôi từng có 6 năm liền (2011 – 2017) giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tam Sơn. Quãng thời gian là Phó Chủ tịch Hội ND có ý nghĩa vô cùng đối với tôi. Tôi được đi cơ sở, sâu sát với nhân dân và tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế. Năm 2017, tôi mạnh dạn vay 200 triệu đồng từ Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, để xây chuồng trại đầu tư nuôi gà xương đen và bò vỗ béo ".
Anh Dân cho biết: Gà xương đen là giống gà đặc sản ở cao nguyên đá Hà Giang. Anh Dân nuôi gà xương đen chủ yếu cho ăn thóc, ngô và thả vườn nên được nhiều khách hàng, lái buôn ưa chuộng. Trung bình, một năm anh xuất bán trên 800 con gà xương đen.
Về mô hình nuôi bò vỗ béo, trong chuồng bò của anh Dân luôn duy trì có khoảng 10 con bò, trong đó có 5 con cái. Sau khi bò sinh sản, anh vỗ béo và nuôi khoảng 7 đến 8 tháng là xuất chuồng. Trung bình một năm anh xuất bán trên 6 con, mỗi con trị giá trên 15 triệu đồng.
Ngoài ra, anh Dân còn nuôi thêm 8 con lợn thịt và trên 60 lợn "cắp nách"…
Trung bình một năm, trừ các khoản chi phí anh thu nhập trên 100 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi gà xương đen, nuôi bò vỗ béo, lợn cắp nách...
Gia đình anh Nguyễn Văn Đắc, thôn Chang, xã Phương Độ, TP.Hà Giang cũng là hội viên điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Hiện nay, gia đình anh Đắc vừa kinh doanh tạp hóa, vừa chăn nuôi tổng hợp. Anh Đắc nuôi đàn lợn đen giống địa phương có 11 con nái, gần 60 lợn thịt, hơn 1.000 con chim cút lấy thịt, lấy trứng và đàn gà, vịt gần 100 con.
Đồng thời, anh nuôi thêm giun quế và sâu canxi (ruồi lính đen) để đảm bảo nguồn thức ăn dinh dưỡng cho đàn vật nuôi. Gia đình anh thu nhập khoảng 150 triệu mỗi năm, là một trong những hộ khá, giàu của của xã.
Ông Nguyễn Thành Đang- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phương Độ cho biết: Hội Nông dân xã Phương Độ hiện có 10 chi hội với 721 hội viên. Trên địa bàn xã có 32 mô hình kinh tế trang trại, gia trại.
Đó là mô hình nuôi vịt bầu cổ ngắn thôn Tân Tiến với 7 hộ nuôi 1.300 con; tổ hợp tác nuôi cá rô đồng thôn Lúp và Hạ Thành với 10 hộ, thả gần 14.000 con giống.
Đồng thời, Hội Nông dân xã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên trồng hoa cải, hoa tam giác mạch thu hút khách du lịch.
Nhiều hội viên, nông dân xã Phương Độ có thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng/năm như anh Nguyễn Văn Mạo, thôn Tân Tiến; Nguyễn Văn Thăng, thôn Tân Thành; Nguyễn Văn Quốc, thôn Hạ Thành…".
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Trần Xuân Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang cho biết: Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh số, có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang luôn xác định thực hiện hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là động lực để nâng cao thu nhập cho hội viên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Ngay từ đầu năm, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở Hội cấp huyện, thành phố ký giao ước thi đua, xây dựng chỉ tiêu SXKD giỏi tổ và chức cho hội viên nông dân đăng ký thi đua.
Cùng với đó, Hội đã phát huy hiệu quả của các nguồn vốn hỗ trợ nông dân. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND do Hội ND tỉnh quản lý trên 23,5 tỷ đồng. Hàng năm, Hội ND đã hỗ trợ hàng trăm hội viên xây dựng và nhân rộng các mô hình, thúc đẩy sản xuất, phát triển các cây, con chủ lực theo định hướng của tỉnh, huyện.
Một số mô hình tiêu biểu như: Thâm canh cam tại các xã Vĩnh Phúc, Đồng Yên, Tiên Kiều, Vĩnh Hảo (Bắc Quang); Yên Hà, Hương Sơn (Quang Bình). Chăn nuôi trâu xã Vĩ Thượng (Quang Bình), xã Quang Minh (Bắc Quang); chăn nuôi lợn tại phường Ngọc Hà, Minh Khai, xã Ngọc Đường (TP.Hà Giang); trồng dặm và chăm sóc cây thảo quả tại xã Tân Thành (Bắc Quang)… qua đó đã góp phần xây dựng, phát triển kinh tế tập thể ở nông thôn.
Cùng với các nguồn lực đầu tư, Hội ND tỉnh Hà Giang đã mở các lớp dạy nghề, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ hội viên tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ. Trong những năm qua, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh và Hội ND các tỉnh để giới thiệu, quảng bá tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực của nông dân.