Thái Nguyên: Đây là lý do để một người chỉ học hết cấp 2 trở thành 1 trong 63 "Nông dân xuất sắc 2021"

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ sáu, ngày 10/09/2021 06:14 AM (GMT+7)
Miến dong Việt Cường hiện là sản phẩm nức tiếng khắp vùng miền. Để miến dong Việt Cường có chổ đứng như ngày hôm nay, phải kể đến anh Nguyễn Văn Ba (xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên). Anh Ba được bình chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021"
Bình luận 0

Học hết cấp 2, anh Nguyễn Văn Ba (xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) ra đời lập nghiệp sớm hơn nhiều bạn cùng trang lứa. Bôn ba đủ thứ nghề, cuối cùng anh quyết định tiếp nối nghiệp làm miến dong truyền thống của gia đình. 

Clip: Cận cảnh mô hình chế biến miến dong của gia đình anh Nguyễn Văn Ba, xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên).

Nối nghiệp làm miến dong truyền thống

Nghề làm miến dong là nghề truyền thống ở xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Do đó ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Văn Ba đã quen thuộc với những khó khăn, vất vả của nghề làm miến.

"Gia đình tôi có truyền thống làm miến, từ thời ông bà nội, đến đời bố tôi và giờ thì truyền lại cho tôi. Ngày tôi còn bé, miến làm ra không được khách hàng ưa chuộng và đón nhận như bây giờ. Bố tôi phải đi xe đạp chở miến rao bán khắp Đồng Hỷ, Phú Bình, TP.Thái Nguyên... Trầy trật vậy mà mỗi ngày cũng chỉ bán được đôi chục cân", anh Ba kể.

Thái Nguyên: Nối nghiệp cha ông, thanh niên trẻ đưa sản phẩm truyền thống đi khắp các vùng miền - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Văn Ba (xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), Giám đốc HTX Miến Việt Cường. (Ảnh: Hà Thanh).

Theo anh Ba, trước đây, các công đoạn làm miến hoàn toàn đều bằng thủ công nên thời gian và công sức bỏ ra rất lớn. Năng suất làm miến cũng không cao, mỗi hộ chỉ làm ra khoảng 15 - 20kg/ngày.

Hơn nữa, do điều kiện sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết nên miến chỉ được sản xuất theo thời vụ. Mỗi năm, miến chỉ sản xuất vào thời điểm từ tháng 5 đến gần Tết Nguyên Đán, tập trung vào khoảng 1 - 2 tháng trước Tết âm lịch.

Đến khi tiếp quản công việc của gia đình, anh Ba mới dần đổi mới dây chuyền sản xuất và ứng dụng công nghệ hiện đại. Nhờ đó, sức lao động giảm đi và sản lượng miến làm ra tăng cao.

Thái Nguyên: Nối nghiệp cha ông, thanh niên trẻ đưa sản phẩm truyền thống đi khắp các vùng miền - Ảnh 3.

HTX Miến Việt Cường đang tạo công ăn việc làm cho 30 thành viên với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng (Ảnh: Hà Thanh)

Anh Ba cho biết, ban đầu anh cũng gặp phải không ít khó khăn, chủ yếu là khó khăn về vốn để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại và xây dựng nhà xưởng.

Tuy nhiên những khó khăn trước mắt không làm anh nản chí. Anh vay mượn ngân hàng cùng anh em, bạn bè được 180 triệu đồng làm nguồn vốn ban đầu. Anh còn tận dụng khu nhà mái che để làm nơi sản xuất và chế biến.

Hướng đi mà anh lựa chọn để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận là phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Do đó tháng 4/2007, anh thành lập HTX Miến Việt Cường nhằm gây dựng tên tuổi, thương hiệu cho miến dong, đáp ứng yêu cầu xuất xứ.

Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay HTX Miến Việt Cường đã có 30 thành viên tham gia. Để mở rộng sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX đã đầu tư hệ thống nhà xưởng và giàn phơi lên tới 26 tỷ đồng với quy mô 2ha.

Nhờ đó, xưởng sản xuất đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.

Thái Nguyên: Nối nghiệp cha ông, thanh niên trẻ đưa sản phẩm truyền thống đi khắp các vùng miền - Ảnh 4.

Miến Việt Cường hiện được sản xuất bằng dây chuyền hiện đại. (Ảnh: Hà Thanh)

Nâng tầm thương hiệu miến dong Việt Cường

Theo anh Ba, bắt đầu từ năm 2008, HTX Miến Việt Cường đã chú trọng hơn đến cải tiến bao bì sản phẩm, dây chuyền sản xuất hiện đại.

Thay bằng việc ép miến bằng tay như trước kia, nay đã có hệ thống máy ép thủy lực với công suất lên tới 2 tấn sản phẩm/ngày. Việc khuấy bột không còn bằng tay mà sử dụng máy khuấy bột. Miến cũng được cắt bằng máy thay vì dùng tay như trước.

Thái Nguyên: Nối nghiệp cha ông, thanh niên trẻ đưa sản phẩm truyền thống đi khắp các vùng miền - Ảnh 5.

Hiện các sản phẩm miến của HTX Miến Việt Cường đều có mẫu mã và bao bì đẹp mắt. (Ảnh: Hà Thanh)

Tuy nhiên, việc phơi miến vẫn chủ yếu bằng thủ công nên phụ thuộc vào thời tiết. Nhiều khi trời mưa, miến hỏng nên không có hàng để giao cho khách.

Sau khoảng thời gian dài trăn trở, năm 2017, anh Ba cùng một số thành viên đã sáng chế ra dây chuyền phơi miến bán tự động chạy bằng ròng rọc. Nhờ đó, không chỉ khắc phục được nhiều nhược điểm, mà còn góp phần tăng năng suất lên khoảng 1.000kg miến/ngày.

Thời gian tới, anh Ba còn dự định đầu tư hệ thống lò sấy để sấy miến tự động vừa đảm bảo sản lượng và chất lượng sản phẩm, vừa chủ động về mặt thời gian.

Thái Nguyên: Nối nghiệp cha ông, thanh niên trẻ đưa sản phẩm truyền thống đi khắp các vùng miền - Ảnh 6.

Dây chuyền phơi miến dong bán tự động giúp giảm thiểu đáng kể sức lao động, tăng năng suất. (Ảnh: Hà Thanh)

Giám đốc HTX Miến Việt Cường cho biết thêm, hiện HTX có tất cả 4 sản phẩm chính là miến dong, miến khoai lang, miến sắn dây và miến tỏi đen. Nhờ áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại nên các sản phẩm của HTX ngày càng được nâng cao về chất lượng cũng như mẫu mã, bao bì sản phẩm bắt mắt.

Năm 2020, sản phẩm miến dong Việt Cường đã được chứng nhận OCOP 5 sao cấp Quốc gia và sản phẩm miến khoai lang được chứng nhận OCOP 4 sao. 

Các sản phẩm đều đã được phân phối rộng rãi tại hầu khắp các siêu thị lớn như Big C, VinMart, CoopMart. Đặc biệt, một số sản phẩm đã xuất khẩu sang các nước như: Châu Âu, Thái Lan, Lào...

Từ khi có sản phẩm đạt chuẩn OCOP, sản lượng miến của HTX bán ra ngày càng tăng. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, HTX Miến Việt Cường xuất bán khoảng 50 tấn miến các loại với doanh thu lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Thái Nguyên: Nối nghiệp cha ông, thanh niên trẻ đưa sản phẩm truyền thống đi khắp các vùng miền - Ảnh 7.

Miến Việt Cường đã đạt chứng nhận OCOP, có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn trên cả nước. (Ảnh: Hà Thanh)

Cũng theo anh Ba, nguồn nguyên liệu sản xuất miến hiện nay vẫn chủ yếu được nhập từ các tỉnh phía Bắc nên không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất. Bởi vậy, HTX đang khảo sát vùng nguyên liệu trồng rong tại Phú Bình, Võ Nhai với diện tích 50ha. Sau khi tiến hành khảo sát, HTX sẽ liên kết với bà con để trồng và chế biến nguồn nguyên liệu tại chỗ trên cơ sở cung cấp giống và giám sát quy trình sản xuất.

Trong tương lai, anh Ba sẽ mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, anh sẽ tiếp tục thu mua, hỗ trợ bà con tại làng nghề trong việc tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở giám sát quy trình chế biến và sản xuất. Từ đó, đưa miến Việt Cường lan tỏa đến khắp mọi vùng miền của đất nước, nâng tầm thương hiệu và giá trị cho miến dong truyền thống của địa phương.

Với những cống hiến đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương, anh Nguyễn Văn Ba đã nhận được nhiều Bằng khen danh giá của các cấp, ngành tỉnh Thái Nguyên.

Nhiều năm liền, anh nhận bằng khen của UBND tỉnh Thái Nguyên vì đã có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất và phát triển kinh tế tập thể.

Năm 2020, anh Nguyễn Văn Ba được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước của Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020.

Đặc biệt vừa qua, anh Nguyễn Văn Ba vinh dự được Hội đồng chung khảo Trung ương bình chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem