Tại huyện Thủ Thừa, "thủ phủ" trồng nếp của Long An, các trà nếp đang chín rộ. Thương lái mua với giá 4.200 – 4.300 đồng/kg, trong khi cùng thời điểm năm ngoái là 6.100 đồng/kg.
Nếp Long An nổi tiếng thơm, dẻo. Đặc sản nếp Long An được chọn lựa hàng đầu khi làm bánh tét trong dịp lễ, tết ở miền Nam.
Việc giá nếp mất 2.000 đồng/kg khiến nông dân trồng nếp tại Long An ngao ngán.
Anh Huỳnh Du, một nông dân đang thu hoạch 2ha nếp cho biết, giá nếp đang rớt thê thảm, nhưng anh buộc phải bán để trang trải chi phí sản xuất.
"Vụ hè thu này nếp mất giá khoảng 2.000 đồng/kg. Không chỉ mất giá, năng suất lúa cũng khá thấp, chỉ khoảng 5 tấn/ha", anh Du chia sẻ.
Tại huyện Mộc Hóa, gia đình ông Nguyễn Văn Be (thị trấn Bình Phong Thạnh) cũng đã thu hoạch xong 70ha nếp.
Tại Đồng Tháp Mười, hộ ông Be là một trong những hộ trồng nếp với diện tích nhiều nhất vùng.
Chính vì trồng nếp diện tích quá lớn, nên gia đình ông Be lỗ nặng.
Theo ông Be, lấy cớ giãn cách xã hội do dịch Covid-19, thương lái không xuống ruộng xem nếp, đặt giá. Thay vào đó, "cò lúa" lượn lờ ép giá nếp của nông dân.
"Với giá nếp như hiện nay, tôi tính mỗi ha lỗ 5 triệu đồng", ông Be thổ lộ.
"Neo" nếp chờ giá tốt
Theo Phòng NNPTNT huyện Thủ Thừa, nông dân ở huyện chủ yếu gieo sạ 2 giống nếp: OM84 và IR4625.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nông dân bắt đầu chuyển sang trồng nếp OM84.
Được biết, OM84 là loại giống cao sản, có nguồn gốc từ xã Hòa Phú, huyện Châu Thành (Long An).
Hiện diện tích nếp đã thu hoạch 8.700ha, còn lại 8.000ha đang thu hoạch. Năng suất nếp (tươi) 5 - 6 tấn/ha. Giá nếp IR46-25 là 4.200 - 4.300đ/kg; nếp OM84 là 5.200đ/kg.
Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, hàng năm diện tích trồng nếp của tỉnh chiếm 30 - 32% diện tích trồng lúa (khoảng 65.000ha).
Những năm qua, đặc sản nếp Long An chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo anh Nguyễn Thanh Phong, một thương lái thu mua lúa ở Long An, việc giá nếp đang thấp kỷ lục một phần do giãn cách xã hội chống dịch Covid-19, một phần do không xuất khẩu được.
Ông Be thổ lộ, với giá nếp rẻ mạt như hiện nay ông sẽ mua bao, cất kho trữ nếp, chờ giá tốt sẽ bán.
"Gia đình tôi không thể vất vả làm cả vụ rồi bán lỗ vốn", ông Be dứt khoát.