Sự gắn kết ấy dựa trên cơ sở 5 tiêu chí: "Cùng lĩnh vực sản xuất, cùng mối quan tâm, cùng sẻ chia, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi".
Điểm sáng trong xây dựng tổ chức Hội
Chi hội nông dân nghề nghiệp Tiến Nông là Chi hội nông dân đầu tiên trong tỉnh được thành lập trong doanh nghiệp, gồm 20 thành viên, hoạt động trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật. Chi hội ra đời là cầu nối giữa doanh nghiệp Tiến Nông với các cấp Hội ND trên địa bàn toàn tỉnh.
Đánh giá cao hiệu quả hoạt động của chi hội Tiến Nông, lãnh đạo Hội ND tỉnh Thanh Hoá khẳng định: Hoạt động này góp phần thúc đẩy các hình thức hỗ trợ nông dân trong ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Đây là điều kiện để nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Với sức trẻ, nhiệt huyết và có nền tảng trí thức, Chi hội nông dân nghề nghiệp Tiến Nông là điểm sáng trong xây dựng tổ chức Hội ND, góp phần vào chiến lược phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Bằng các hình thức tư vấn, hỗ trợ, tiếp sức, đến nay, Hội ND tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp, đóng góp thành lập 342 THT và 57 HTX.
Xã Thạch Sơn, huyện Thạch Thành hiện có 47ha trồng cây ăn quả, trong đó, cây mít Thái có diện tích 20ha. Cây mít Thái được đánh giá là cây trồng rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và cho hiệu quả kinh tế cao. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, Tổ hợp tác trồng cây mít Thái xã Thạch Sơn, đã thành lập gồm 10 thành viên.
Ông Bùi Văn Hiển - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng cây mít Thái (THT) cho biết: Trước đây, khi chưa tham gia vào THT, các hộ gia đình sản xuất đơn lẻ, sản phẩm không đạt mong muốn như yêu cầu, sản phẩm tuy nhiều nhưng chưa gắn kết để tạo thành sản phẩm hàng hóa, vì vậy thị trường tiêu thụ không ổn định.
Sau khi tham gia vào THT, các hội viên được chuyển giao khoa học kỹ thuật, được hỗ trợ vay 500 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư cây giống, phân bón, cải tạo đất… sản xuất chuyên canh. Cũng trên diện tích ấy, nhưng khi đã có chung một nguồn cung, sản phẩm mít Thái của THT trở thành hàng hóa có tính cạnh tranh cao với đầu ra ổn định.
Hiện tại, với tổng diện tích đã trồng, có trên 90% cây sống và phát triển tốt, thu nhập bình quân 1ha/năm đạt trên 100 triệu đồng. Thành công bước đầu là nền móng cơ bản giúp THT tiến tới xây dựng thương hiệu riêng và phát triển thành HTX.
Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ
Cùng với chỉ đạo, hướng dẫn thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, Hội ND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung khai thác các nguồn vốn và ưu tiên cho các tổ hội nghề nghiệp. Trong đó, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đang là một trong những nguồn vốn quan trọng. Hiện các cấp Hội đang quản lý và đầu tư có hiệu quả 58,7 tỷ đồng tại nhiều dự án khắp cả tỉnh.
Cùng với đó, Hội tổ chức tín chấp và ủy thác với các ngân hàng cho 184.527 hộ nông dân vay với tổng dư nợ trên 12.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn dưới mức cho phép, cho thấy việc đầu tư đang đem lại hiệu quả.
Song song hỗ trợ các nguồn vốn, Hội ND tỉnh Thanh Hóa còn mở rộng các chương trình phối hợp, liên doanh, liên kết. 6 tháng đầu năm 2021, Hội ND Thanh Hóa tổ chức ký kết chương trình phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp và Trường Cao đẳng Nông lâm Thanh Hóa về đào tạo, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn.
Đồng thời, phối hợp tổ chức dạy nghề cho 2.729 hội viên, nông dân; tổ chức chuyển giao KHKT cho 110.975 lượt người; xây dựng được 27 chuỗi sản xuất, cung ứng lúa gạo, rau, củ, quả an toàn; phối hợp cung ứng 11.713 tấn phân bón trả chậm cho hội viên nông dân…
Những nguồn lực này đã giúp xây dựng được 9 chi hội nông dân nghề nghiệp với 244 hội viên tham gia, 92 tổ Hội ND nghề nghiệp với 697 hội viên tham gia; trực tiếp vận động, hướng dẫn xây dựng, thành lập mới 42 tổ hợp tác THT, 9 HTX và thành lập được 68 doanh nghiệp mới.
Nhiều chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp đang là tâm điểm của việc gắn kết, đem lại thu nhập đáng kể cho người nông dân, tiêu biểu như các tổ hội nông dân: "Trồng rau an toàn" tại phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa; "Khai thác đánh bắt thủy hải sản" tại xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn; "Nuôi cá lồng" tại Thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân; "Nuôi ốc nhồi" tại xã Hà Sơn, huyện Hà Trung; "Trồng dưa vàng trong nhà màng" tại thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa...
Các chi hội tiêu biểu như: "Nuôi trồng thủy sản đồng quê" tại xã An Nông, huyện Triệu Sơn; "Nuôi ong lấy mật" tại xã Thành Kim và Kim Tân, huyện Thạch Thành; "Trồng cây đào cảnh" tại xã Xuân Du, huyện Như Thanh; "Nuôi tôm" tại xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa; "Chi hội VAC" ở thị trấn Rừng thông, huyện Đông Sơn…