Bắc Kạn: Ở đây nông dân nuôi thứ vịt đặc sản gì mà giá bán khá "chát" nhưng nhiều người vẫn đòi mua?

Thứ ba, ngày 30/11/2021 13:04 PM (GMT+7)
Với điều kiện thuận lợi như trên địa bàn có nhiều ao, hồ rộng, khe, suối nhỏ và người dân có kinh nghiệm chăn nuôi vịt, xã Thanh Mai (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) đã lựa chọn giống vịt bầu cổ xanh để phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Bình luận 0

Anh Nông Đình Kiểm- Giám đốc Hợp tác xã Thanh Mai cho biết: Vịt bầu cổ xanh là giống vịt đã có từ lâu tại xã Thanh Mai. Mỗi con trọng lượng trung bình từ 1,7 - 2,2kg; thân bầu, chân, cổ ngắn, con đực thì cổ xanh biếc; tỷ lệ mỡ dưới da thấp, chất lượng thịt thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao. 

Bắc Kạn: Ở đây nông dân nuôi thứ vịt đặc sản gì mà giá bán khá "chát" nhưng nhiều người vẫn đòi mua? - Ảnh 1.

Nuôi vịt bầu cổ xanh đã giúp gia đình chị Hà Thị Xuân thôn Bản Pá, xã Thanh Mai, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn có thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, hiện giống vịt này trên địa bàn xã còn rất ít, các hộ chỉ nuôi vài con đến vài chục con chỉ để phục vụ nhu cầu gia đình, trong khi đó loại vịt này ngoài thị trường rất khó tìm, giá thành cao.

Để phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết và tiêu thụ sản phẩm vịt bầu cổ xanh, đầu năm nay, Hợp tác xã Thanh Mai có 3 thành viên tham gia thực hiện mô hình chăn nuôi vịt bầu cổ xanh thương phẩm.

Mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh thuộc Dự án "Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống, xây dựng mô hình chăn nuôi trong thương phẩm và xây dựng chỉ dẫn địa lý vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn" do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai, với quy mô 300 con.

Là một trong 3 hộ tham gia dự án, chị Hà Thị Xuân, thôn Bản Pá cho biết: Gia đình tôi nuôi 100 con vịt bầu cổ xanh theo dự án. Do nuôi theo hình thức bán chăn thả tại các ao, suối nên chất lượng thịt rất thơm ngon và được khách hàng ưa chuộng, giá bán ổn định từ 80.000 - 100.000 đồng/kg. 

Tuy nhiên, sản phẩm không đủ đáp ứng nhu cầu khách hàng. Thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục nhân rộng và phát triển loại gia cầm này để tăng thu nhập.

Từ mô hình thí điểm nuôi vịt bầu cổ xanh bản địa thành công, Hợp tác xã Thanh Mai đã đề xuất thực hiện Dự án "Liên kết chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm vịt bầu cổ xanh bản địa” với tổng kinh phí thực hiện hơn 1,4 tỷ đồng. Theo đó, trong 3 năm (2021 - 2023), toàn xã sẽ nuôi 15.000 con vịt bầu cổ xanh bản địa và xuất bán tại các trung tâm, siêu thị.

Đồng chí Nguyễn Bá Việt- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết: Bên cạnh thủy sản là thế mạnh, tận dụng mặt nước ao hồ, sông suối, chúng tôi tập trung đề xuất với các cấp, ngành liên quan để hỗ trợ nông dân đưa giống vịt bầu cổ xanh vào diện bảo tồn và nhân rộng.

Sau đó xã Thanh Mai sẽ phát triển trở thành hàng hóa để sản xuất theo chuỗi. Với quy mô trên, dự kiến hằng tháng xã Thanh Mai sẽ có khoảng 300 - 500 con vịt bầu cổ xanh xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh Bắc Kạn.

Với lợi thế về mặt nước với hơn 20ha ao, hồ và nhiều suối nhỏ, xã Thanh Mai có tiềm năng phát triển thủy cầm, đặc biệt là vịt bầu cổ xanh bản địa, đây cũng là sản phẩm được xã xác định là sản phẩm OCOP của địa phương. 

Tuy nhiên, để thành công, bên cạnh sự quyết tâm của người dân và hợp tác xã thì chính quyền và ngành chức năng cần có thêm cơ chế hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm tiềm năng này. 

Mô hình chăn nuôi vịt không phải là mới đối với người dân Thanh Mai nhưng phương thức chăn nuôi theo chuỗi liên kết sẽ giúp người chăn nuôi phát triển sản xuất theo quy mô lớn. 

Từ đó, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập và giúp địa phương thực hiện hiệu quả tiêu chí giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Lý Dũng (Báo Bắc Kạn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem