Thực hiện thỏa thuận trong Chương trình phái cử điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Việt Nam tiếp tục đưa điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản làm việc.
Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, dù diễn biến dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Việt Nam và Nhật Bản, nhưng với sự nỗ lực của các bên, trong 2 ngày 9 và 10/9, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và đơn vị đào tạo phía Nhật Bản Arc Academy tổ chức xuất cảnh cho hơn 200 ứng viên điều dưỡng, hộ lý khóa 8 sang làm việc tại Nhật Bản. Đợt xuất cảnh lần này được thực hiện sau khi các ứng viên này hoàn thành khóa học tiếng Nhật và đáp ứng được các yêu cầu của chương trình.
Tính từ năm 2012 đến nay, Chương trình đã tuyển chọn, đào tạo và đưa được gần 1.900 ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt nam sang làm việc tại Nhật Bản. Khi các ứng viên khóa 8 xuất cảnh thì các ứng viên điều dưỡng hộ lý khoá 9 (trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 không thể đào tạo tập trung), những người được tuyển chọn năm 2020 vẫn đang được đào tạo tiếng Nhật bằng hình thức trực tuyến và dự kiến hoàn thành khóa đào tạo vào tháng 12/2021 và xuất cảnh vào giữa năm 2022.
Hiện tại, đối với khoá 10 năm 2021, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang tiếp tục nhận hồ sơ tham gia tuyển chọn đến hết ngày 30/10/2021. Các ứng viên có nguyện vọng tham gia chương trình tuyển chọn khóa 10 có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc gửi qua bưu điện theo địa chỉ sau: 41B Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội (hồ sơ được hướng dẫn trên website www.dolab.gov.vn).
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, tháng 7/2021, cả nước đưa được 781 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bằng 40,44% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 7/2020, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 1.931 lao động), gồm các thị trường: Nhật Bản: 220 lao động (29 lao động nữ), Trung Quốc: 170 lao động nam, Rumani: 80 lao động (7 lao động nữ); Singapore: 75, Hàn Quốc: 65 lao động nam, Serbia: 59 lao động nam và các thị trường khác.
Như vậy, trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 41.383 lao động, đạt 45,98% kế hoạch năm 2021.
Dự tính, năm 2021 Việt Nam sẽ đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản EPA có quy mô tuyển dụng hàng năm với số lượng chưa nhiều, nhưng đây là một chương trình chất lượng cao được cơ quan Nhà nước hai bên trực tiếp phối hợp thực hiện trong tất cả các khâu, các ứng viên được 2 chính phủ hỗ trợ toàn bộ chi phí từ đào tạo 1 năm tiếng Nhật tới ăn ở và sinh hoạt phí trong quá trình đào tạo, với mục tiêu cao nhất là trong thời gian làm việc, các ứng viên sẽ tham gia thi và đạt được chứng chỉ điều dưỡng, hộ lý quốc gia của Nhật Bản để có thể làm việc lâu dài tại Nhật Bản.
Ứng viên còn được đài thọ chi phí vé máy bay, lệ phí visa sang Nhật Bản, vé máy bay về Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình.
Khi tới Nhật, ứng viên được tham gia khóa đào tạo nâng cao miễn phí tại Nhật Bản trong thời gian 2 tháng trước khi đến cơ sở tiếp nhận.
Ứng viên có thể vừa học vừa làm với thời gian tối đa 3 năm đối với ứng viên điều dưỡng (mỗi năm gia hạn một lần) và tối đa 4 năm đối với ứng viên hộ lý (mỗi năm gia hạn một lần) tại các cơ sở dưỡng lão, bệnh viện của Nhật Bản. Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được hưởng mức lương theo quy định của pháp luật Nhật Bản. Tuy nhiên, mức lương của ứng viên điều dưỡng và hộ lý thông thường là: 160.000 - 180.000 yên/tháng (khoảng 33 -35 triệu đồng).
Ngoài mức lương trên, thông thường ứng viên sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc.
Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được phép dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi mỗi năm một lần, ứng viên hộ lý được dự thi một lần vào năm thứ 4. Nếu đỗ, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn tại Nhật Bản.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hợp tác phát triển sử dụng nguồn nhân lực từ Việt Nam và Nhật Bản là một lĩnh vực rất quan trọng trong quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước. Với sự hợp tác chặt chẽ của của các cơ quan liên quan phía Nhật Bản và Việt Nam và sự nỗ lực của các ứng viên, Chương trình này sẽ tiếp tục là điểm sáng trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam- Nhật Bản.