Điều kiện để lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động Nhật Bản
Điều kiện để lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động Nhật Bản
Thùy Anh
Thứ hai, ngày 02/11/2020 19:00 PM (GMT+7)
Dịch Covid -19 vẫn đang xảy ra trên khắp thế giới, thị trường xuất khẩu lao động ở một số nước bị đóng băng. Tuy nhiên, chỉ cần đáp ứng được một số điều kiện sau đây thì lao động Việt Nam có thể đi xuất khẩu lao động Nhật Bản.
Đáp ứng điều kiện phòng chống dịch khi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản
Sau một thời gian bị "đóng băng", từ cuối tháng 9 tới nay, xuất khẩu lao động Nhật Bản bắt đầu được mở cửa trở lại. Một số công ty xuất khẩu lao động đã khởi động lại việc đưa lao động đi làm việc tại Nhật Bản. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lao động đầu tiên trong số 40 quốc gia, vùng lãnh thổ mở cửa lại.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước thì lao động cần đáp ứng được đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Tức là lao động phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về phòng, chống dịch.
Cụ thể, phía Nhật quy định, thực tập sinh trước lúc sang Nhật Bản thực hành theo dõi tình hình sức khỏe trước 14 ngày. Đồng thời phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 tiếng đồng hồ trước khi xuất cảnh. Sau khi nhập cảnh vào Nhật Bản phải tiếp tục cách ly và theo dõi 14 ngày. Cục Quản lý lao động cũng đã thông tin và yêu cầu các doanh nghiệp phái cử cùng phối hợp với các nghiệp đoàn quản lý, các tổ chức tiếp nhận theo dõi, giám sát.
Tuy nhiên, ông Hương cũng cho biết, trên đây chỉ là những điều kiện "đủ". Ngoài ra lao động vẫn cần đáp ứng những điều kiện "cần" trong luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ví dụ như: Điều kiện về sức khỏe, độ tuổi, về quy định không có tiền án, tiền sự... Đồng thời lao động phải học tiếng, có tay nghề và được học định hướng trước khi đi xuất cảnh. Ngoài ra, lao động cũng phải ký quỹ chống trốn lên tới 100 triệu đồng trước khi xuất cảnh.
Xuất khẩu lao động Nhật Bản tiếp nhận thêm lao động kỹ năng đặc định
Đầu tháng 11/2020, Nhật Bản cũng nới rộng việc nhập cảnh với công dân của một số quốc gia đã kiểm soát được dịch Covid-19 (trong đó có Việt Nam). Ngoài ra, nước này cũng thông báo chính thức về việc bổ sung 7 loại hình công việc trong lĩnh vực xây dựng được tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định của nước ngoài.
Cụ thể, các loại hình công việc trong lĩnh vực xây dựng được bổ sung gồm: Giàn giáo, nghề mộc, thi công hệ thống nước, gia công kim loại tấm, giữ nhiệt và làm mát, phun vật liệu cách nhiệt Urethane, xây dựng dân dụng ngoài khơi. Trong ngành xây dựng, dự kiến Nhật Bản sẽ tiếp nhận 40.000 lao động đặc định.
Chương trình phái cử lao động kỹ năng đặc định sang Nhật Bản bắt đầu từ năm 2019. Khác với chương trình người lao động sang Nhật Bản với tư cách thực tập sinh kỹ năng trong thời gian 1-3 năm, lao động kỹ năng đặc định là người lao động sang Nhật với tư cách đi lao động có thời hạn, kéo dài 5 năm. Lương của lao động kỹ năng đặc định cũng cao hơn thực tập sinh kỹ năng và tương đương với người Nhật Bản cùng một trình độ trong ngành nghề đó. Lao động kỹ năng đặc định còn có thể thay đổi công ty làm việc nếu có lý do chính đáng.
Hiện nay, Nhật Bản đã tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc trong 14 ngành nghề: Điều dưỡng; quản lý vệ sinh tòa nhà; phụ tùng máy móc và công cụ; máy móc công nghiệp; điện, điện tử và thông tin; xây dựng; đóng tàu và máy tàu thủy; sửa chữa và bảo dưỡng ô tô; hàng không; lưu trú (khách sạn); nông nghiệp; thủy sản và nuôi trồng thủy sản; sản xuất ôtô và đồ uống; dịch vụ ăn uống.
Theo tính toán, từ tháng 4/2019 tới tháng 3/3024, Nhật Bản sẽ tiếp nhận lao động đặc định ở 80 công việc, trong 14 ngành nghề. Chỉ tiêu tuyển dụng là hơn 345.000 người. Nhu cầu tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định của Nhật Bản nhiều nhất là ngành điều dưỡng với khoảng 60.000 người, tiếp đến là ngành dịch vụ ăn uống với 53.000 người, ngành xây dựng 40.000 người, ngành quản lý vệ sinh tòa nhà 37.000 người, ngành nông nghiệp 36.500 người, ngành sản xuất đồ ăn và đồ uống 34.000 người…
Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, trong 9 tháng từ đầu năm 2020 tới nay, Việt Nam đã đưa trên 40.850 người đi làm việc ở nước ngoài, chỉ bằng 41% cùng kỳ năm 2019.
Trước đó, trong năm 2019 Việt Nam đã đưa được 82.700 lao động sang Nhật Bản làm việc. Đây là thị trường xuất khẩu lao động đứng thứ 2 trong tất cả các thị trường XKLĐ của Việt Nam (chỉ sau Đài Loan, Trung Quốc).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.