Mặc tác động của dịch Covid-19, Trung Quốc vẫn mua lượng lớn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam giúp xuất khẩu sắn tăng trưởng khả quan.
Đáng chú ý, sau khi giá sắn giảm nhẹ trong tháng 8/2021, từ đầu tháng 9/2021 đến nay, giá sắn nguyên liệu tại một số tỉnh Tây Nguyên có xu hướng tăng trở lại, do nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp tăng.
Tại Phú Yên, hầu hết các nhà máy tinh bột đã hoạt động trở lại, giá sắn nhà máy thu mua cho nông dân cao nhất đạt 2.600 đồng/kg đối với sắn 30 độ bột.
Tại Kon Tum, hiện có khoảng 90-95% nhà máy tinh bột sắn đang hoạt động, giúp giá sắn có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh gặp khó khăn, tiêu thụ tinh bột sắn nội địa vẫn thấp. Hạn hán kéo dài khiến nhiều diện tích sắn tại các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai bị ảnh hưởng nặng, nhiều diện tích mất trắng.
Giá sắn luôn giữ ở mức cao từ đầu năm đến nay là do xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn khá thuận lợi, nhất là ở thị trường Trung Quốc.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tinh bột sắn đạt gần 1,12 triệu tấn, trị giá 518,73 triệu USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 15,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95,3% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, với 1,06 triệu tấn, trị giá 492,34 triệu USD, giảm 0,3% về lượng, nhưng tăng 18,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn lát khô đạt gần 657.550 tấn, trị giá 169,05 triệu USD, tăng 57,2% về lượng và tăng 77,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc chiếm 90,7% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của cả nước với 596.550 tấn, trị giá 148,76 triệu USD, tăng 66,1% về lượng và tăng 87,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trung Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu nhiều sắn và các sản phẩm từ sắn. Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc đạt 989,73 triệu USD, tăng 99,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn lát cho Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2021 với 116,36 triệu USD, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 11,8% trong tổng trị giá nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, giảm so với mức 15,1% của 7 tháng đầu năm 2020.
Trong khi đó, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu sắn lát của Thái Lan trong 7 tháng đầu năm 2021 với 865,4 triệu USD, tăng tới 120,9% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần sắn lát của Thái Lan chiếm 87,4% trong tổng trị giá nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc.
Với mặt hàng tinh bột sắn, trong 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc đạt 1,95 triệu tấn, trị giá 923,25 triệu USD, tăng 20,9% về lượng và tăng 40,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc (sau Thái Lan). Trong 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 289.870 tấn tinh bột sắn, trị giá 123,53 triệu USD, giảm 55,4% về lượng và giảm 47,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2021 chiếm 14,9%, giảm mạnh so với mức 40,3% của cùng kỳ năm 2020; trong khi thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm 74,2%, tăng mạnh so với mức 56,5% của cùng kỳ năm 2020.
Thống kê cho thấy, trong mấy tháng gần đây Trung Quốc có xu hướng giảm nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam, trong khi tăng nhập khẩu từ Thái Lan, mặc dù giá nhập khẩu tinh bột sắn từ Thái Lan cao hơn của Việt Nam.