Những ngày vừa qua, tranh thủ lúc thủy triều xuống, bà Nguyễn Thị Gái (50 tuổi, thôn Yên Lộc, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) lại tất bật cho công việc đi "săn" con khều ven rừng ngập mặn.
Theo bà, trước kia, người dân chủ yếu đi bắt khều về nấu canh. Những năm trở lại đây, do được nhiều thực khách trong và ngoài tỉnh yêu thích nên nó dần trở thành món đặc sản. "Săn" khều cũng trở thành món nghề giúp người dân có thu nhập khá.
Con khều là cách gọi riêng của người dân vùng biển nơi đây, nó có hình thù khá giống con cua, cáy. Chúng thường sinh sống ven các cánh rừng ngập mặn và chỉ xuất hiện khi thủy triều xuống. Mùa khều thường bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 9 âm lịch.
Khác với con cua, loài giáp xác này di chuyển rất nhanh (giống con cáy). Khi phát hiện động tĩnh chúng thường chạy thẳng về hang để ẩn náu. Vì vậy, những "thợ săn" thường đi dọc các vùng đầm lầy ven rừng ngập mặn để bắt khều từ trong hang. Số ít những người đàn ông thì dùng cần câu để câu.
"Việc lội qua các cánh rừng ngập mặn để bắt khều rất cực nhọc. Hang khều ẩn nấp dưới lớp bùn sâu 40-50cm, có những con đào nhiều hang nối liền với nhau. Vì vậy, khi móc vào hang phải thật nhanh và chính xác, nếu không chúng sẽ chạy đến hang khác", bà Nguyễn Thị Gái chia sẻ.
Trung bình một người có thể bắt được từ 6-8 kg/ngày. Với giá bán 40.000-50.000 đồng/kg, họ kiếm thu nhập từ 250.000-400.000 đồng/ngày. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá bán cũng giảm xuống còn 25.000-30.000 đồng/kg.
Cũng là một trong số những thợ săn khều lâu năm, theo bà Bùi Thị Hồng (46 tuổi, xã Đa Lộc), công việc này có nguồn thu nhập nhưng đa số là phụ nữ và người già làm.
"Săn khều không mất nhiều sức nhưng cần chịu khó vì phải lội bùn rất lâu. Có hôm chúng tôi đi khắp các xã ven biển, lội từ 6-12h mới nghỉ. Nếu để thanh niên như bây giờ thì không ai muốn làm công việc này cả", bà Bùi Thị Hồng cho hay.
Cũng theo bà, việc đi dưới lớp bùn lầy không chỉ vất vả mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro: "Mặc dù chúng tôi đã đi 2 lớp tất để bảo vệ nhưng bị hàu cứa chân hay dẫm phải mảnh thủy tinh là chuyện xảy ra như cơm bữa".
Từ xa xưa, con khều đã trở nên rất đỗi quen thuộc với người dân vùng biển huyện Hậu Lộc. Việc chế biến khều cũng được người dân lưu giữ như món ăn đặc sản nơi đây.
"Việc chế biến khều giống hệt với cua. Thông thường, nhiều người thường dùng khều để nấu canh lá chua, hoặc hấp. Với vị thơm, ngọt và mát, canh khều là món ăn quê dân dã mà mỗi người con vùng biển nơi đây khi xa quê không thể nào quên được", bà Nguyễn Thị Hiền, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc tâm sự.
Một số hình ảnh phóng viên Dân trí ghi lại việc đi săn khều của người dân ven biển Hậu Lộc, Thanh Hóa: