Trước đây do ngân sách hạn hẹp, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí nguồn kinh phí làm đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước...
Nhưng 2-3 năm trở lại đây, bên cạnh việc tranh thủ các nguồn lực đầu tư, huyện Yên Bình cũng đã huy động sự ủng hộ từ các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp để bê tông hóa các tuyến đường. Đặc biệt, huyện đã tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nguồn lực trong người dân.
Năm 2021, thôn Ngòi Khương (xã Yên Thành, huyện Yên Bình) có kế hoạch bê tông hóa 780m đường giao thông, với tổng kinh phí 140 triệu đồng. Trong đó, huyện Yên Bình hỗ trợ 60 tấn xi măng, số còn lại do 10 hộ dân nơi tuyến đường đi qua đóng góp.
Kế hoạch là vậy, song việc triển khai thi công phải tạm hoãn nhiều lần do các hộ dân chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo, không có đủ tiền đóng góp.
Không mảy may suy tính, ông Đặng Hữu Tiên (thôn Ngòi Khương) đã tự nguyện ứng ra 80 triệu đồng cho các hộ trong xóm vay không tính lãi để tuyến đường được khởi công. Và chỉ sau đúng 1 tuần, con đường bê tông thẳng tắp đã được hoàn thành.
Ông Tiên cho biết, số tiền ứng ra để làm đường là toàn bộ số tiền ông tích cóp gần 3 năm để sang sửa lại ngôi nhà đã xuống cấp.
"Cứ hy sinh lợi ích trước đã, làm được con đường đi lại cho dễ và phát triển kinh tế. Nếu đợi bà con trong này thì có khi đến 10 năm nữa cũng chưa góp đủ số tiến ấy, mình ứng trước rồi để bà con trả dần dần cũng được", ông Tiên chia sẻ.
Noi gương ông Tiên, bà con đồng bào dân tộc Dao ở các thôn khác của xã Yên Thành cũng đóng góp công sức, tiền của, hiến đất làm đường.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, bà con đã hiến gần 1.000m2 đất và đóng góp được hơn 2 tỷ đồng. Nhờ đó, 5km đường giao thông nông thôn ở xã Yên Thành đã được bê tông hóa.
Chị Nguyễn Thị Nhiên (xã Yên Thành) bày tỏ: "Chúng tôi ai có tiền thì đóng tiền, không có tiền thì đóng góp công lao động, hiến thêm chút đất để thôn, xã mở đường. Có đường bê tông rồi đi lại thuận tiện lắm, các cháu đi học cũng dễ dàng hơn".
Còn ông Nguyễn Quang Liệu (thôn Lem, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) năm nay đã gần 80 tuổi, cuộc sống của hai vợ chồng già trông cả vào đồng lương hưu chưa đầy 5 triệu của ông.
Nhưng khi thôn có chủ trương bê tông hóa tuyến đường ngõ xóm, vợ chồng ông Liệu đã rút hết số tiền 30 triệu đồng tiết kiệm để ủng hộ thôn làm đường.
"Bà con và cá nhân tôi thấy rất phấn khởi vì mình được đi trên con đường này. Tôi nghĩ việc này là quá nhỏ bé so với mọi người làm, không có gì cả," ông Liệu nói.
Dù con đường bê tông không chạy qua nhà mình, nhưng có nhiều cá nhân ở huyện Yên Bình vẫn ủng hộ tiền để làm đường. Trong đó, anh Hà Văn Khẩn (thôn Tân Lương, xã Cảm Ân) là một ví dụ.
Mỗi khi thăm nom đồi cây của gia đình, anh Khẩn lại chứng kiến cảnh bà con xóm Đồn Tung, xã Cảm Ân vất vả đi lại trên con đường đất lầy lội. Khi huyện có chủ trương bê tông hóa đường nông thôn, anh Khẩn đã bỏ ra 31 triệu đồng từ tiền khai thác đồi cây để ủng hộ bà con.
Còn ông Nguyễn Vũ Lợi (thôn Tân Lương, xã Cảm Ân) cũng gom góp toàn bộ 10 triệu đồng số tiền bán đàn lợn con và vay thêm 20 triệu đồng nữa để hỗ trợ bà con làm đường. Bên cạnh đó, 10 hộ dân khác cũng tự nguyện đóng góp trên 20 triệu đồng để làm đường.
"Làm được cái gì, làm sớm ngày nào mình được hưởng ngày ấy, chứ không phải vì mình già mà mình không đóng góp, xây dựng đâu", ông Lợi vui vẻ nói.
Nhờ những tấm lòng thơm thảo ấy, tuyến đường bê tông dài 400m của xóm Đồn Tung đã được hoàn thành.
Ông Lã Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, huyện tiếp tục bê tông hóa được gần 70km đường giao thông nông thôn. Nhờ đó, nâng tỷ lệ đường giao thông nông thôn của huyện được kiên cố hóa đạt gần 70%.