Theo Sohu, nói đến thần đồng thời Tam Quốc, người đầu tiên nhiều người nhớ đến chắc hẳn là Tào Xung. Tào Xung này là con trai cưng của Tào Tháo, sinh ra vốn đã rất thông minh, có thể cùng cha luận bàn việc quân sự từ khi còn rất nhỏ.
Một lần sau khi bị ám sát, Tào Tháo đã hỏi tất cả các con trai của mình rằng giờ phải làm thế nào? Trong khi các anh em khác của Tào Xung nói rằng, họ muốn bắt sát thủ, thì Tào Xung liền khuyên cha hãy mở cửa và để cho sát thủ đi.
Cậu bé nói rằng, làm như vậy, kẻ chủ mưu ám sát sẽ trở nên sợ hãi, nghi kỵ lẫn nhau mà tự lộ mặt đồng thời chứng tỏ rằng Tào Tháo không e sợ chúng. Tào Tháo nghe xong liền cho rằng con trai của mình rất thông minh.
Ngoài ra, còn có một câu chuyện nổi tiếng khác phản ánh sự thông minh xuất chúng của Tào Xung. Theo đó, Tào Tháo từng được Đông Ngô tặng cho một con voi làm quà. Vào thời ấy, ở phương Bắc, voi là loài vật hiếm cho nên khi con voi được gửi tới Kinh đô Hứa Xương, Tào Tháo liền dẫn văn võ bá quan cùng con trai Tào Xung tới xem nó.
Con voi rất cao và to, chân của nó như chiếc cột nhà. Tào Tháo bèn hiếu kỳ và muốn biết voi nặng bao nhiêu nên bảo quần thần tìm cách tính trọng lượng của voi. Điều này khiến mọi người ai cũng bối rối vì không thể tìm được một cái cân đủ lớn để cân voi. Tào Xung lúc này mới 6 tuổi đã đề nghị được cân voi. Tào Tháo liền chấp thuận.
Tào Xung sau đó yêu cầu lính gác dẫn con voi lên một chiếc thuyền rồi vạch một vạch đánh dấu mức nước lên thân chiếc thuyền. Rồi cậu hạ lệnh đưa con voi ra khỏi chiếc thuyền. Tiếp đó, Tào Xung yêu cầu lính gác khuân những khối đá với nhiều kích cỡ lên trên thuyền cho đến khi mực nước chạm vạch được đánh dấu trên thân thuyền. Khi đó, Tào Xung sai lính lần lượt cân số gạch đá này.
Đến lúc này thì mọi người đều hiểu ra cách Tào Xung tính trọng lượng của voi và vô cùng khâm phục cậu. Còn Tào Tháo đương nhiên cảm thấy vô cùng hãnh diện vì người con "thần đồng" của mình.
Đáng tiếc, năm 208, Tào Xung bệnh nặng rồi qua đời khi mới 12 tuổi, khiến Tào Tháo vô cùng đau đớn. Tuy nhiên, cũng có giả thuyết cho rằng, Tào Xung bị đầu độc mà chết bởi cuộc tranh đấu quyền lực giữa các con của Tào Tháo. Các sử gia đến nay vẫn tranh cãi về cái chết của Tào Xung và cho rằng, thần đồng nhí này là nạn nhân của người anh trai Tào Phi.
Một thần đồng khác thời Tam Quốc có quan hệ mật thiết với Tào Xung là Chu Bất Nghi. Chu Bất Nghi là cháu của quan Biệt giá Lưu Tiên dưới trướng nhà quân phiệt Lưu Biểu trấn giữ Kinh Châu. Năm 208, Lưu Biểu mắc bệnh qua đời, Tào Tháo sau khi chiếm Kinh Châu liền thu nạp Lưu Tiên và Chu Bất Nghi.
Tài năng của Chu Bất Nghi được thể hiện khi Tào Tháo bế tắc trong việc tấn công Liễu Thành năm 206, Chu Bất Nghi khi đó mới 14 tuổi đã hiến lên 10 kế, ngay lập tức giúp Tào Ngụy vượt trở ngại, khiến Tào Táo rất vừa ý.
Vì quý mến người tài, nên Tào Tháo bèn tạo điều kiện để Chu Bất Nghi thân thiết, trở thành bằng hữu của Tào Xung. Điều đáng tiếc là Tào Xung lại chết sớm, khiến Tào Tháo đau khổ khôn nguôi, mỗi lần nhìn thấy Chu Bất Nghi trong lòng càng thêm khó chịu. Vì thế, cuối cùng năm 209, Tào Tháo ra lệnh ám sát Chu Bất Nghi khi thần đồng này chỉ vừa 17 tuổi.
Theo các sử gia, việc Tào Tháo giết Chu Bất Nghi còn xuất phát từ việc cậu thần đồng này dám từ chối kết hôn với con gái nhà họ Tào, chống đối lại Tào Tháo - điều vị ghét nhất. Ngoài ra, Tào Tháo cũng e ngại con trai ông - Tào Phi không thể kiểm soát được một "thần đồng" như Chu Bất Nghi. Do đó, kết cục bi thảm của Chu Bất Nghi là điều khó tránh.
Thần đồng thứ 3 là Tôn Quyền - người sáng lập ra Đông Ngô. Tôn Quyền là người mọi người đều quen thuộc nhưng ít ai biết ông là một thần đồng. Sau khi người anh trai Tôn Sách bị ám sát, Tôn Quyền mới chỉ 18 tuổi tiếp quản quyền lực, kiểm soát Giang Đông. Mặc dù nhỏ tuổi nhưng nhờ thông minh, sáng suốt, quyết đoán, Tôn Quyền đã nhanh chóng làm nên nghiệp lớn, trở thành hoàng đế của Đông Ngô, lưu danh muôn đời, được người người ca tụng.
Vị thần đồng cuối cùng là Lưu Thiện - con trai của Lưu Bị. Mặc dù Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung mô tả sai lệch về Lưu Thiện khiến nhiều người đời sau cho rằng ông không có tài năng gì nổi bật, chỉ dựa dẫm vào Gia Cát Lượng, nhưng vị Hậu chủ nhà Thục Hán trong lịch sử thực chất là người tài giỏi, khôn ngoan có tầm nhìn chiến lược. Ông cũng là vị hoàng đế có thời kỳ trị vì lâu nhất khi nắm quyền cai quản Thục Hán tới 41 năm.
Lưu Thiện rõ ràng là một thần đồng được thể hiện ở việc Lưu Bị từng hỏi Gia Cát Lượng về tư chất của con mình. Khi đó, Gia Cát Lượng đã trả lời rằng, Lưu Thiện tài hoa, thông minh khiến Lưu Bị rất vui. Sau này, khi Thục Hán bị Tào Ngụy đánh bại, nếu không phải Hậu chủ Lưu Thiện thông minh, hiểu được nhân tình thế thái, thì làm sao ông bảo toàn được mạng sống cho mình lẫn gia quyến? Là một vị quân chủ mất nước, bị người ta giam lỏng, ngày đêm giám sát nhất cử nhất động nhưng Lưu Thiện vẫn sống thọ đến 64 tuổi mới mất - điều đó rõ ràng chứng tỏ trí tuệ của ông không hề tầm thường.