Dân Việt

Napoleon đã dạy cậu con câm điếc trở thành người thành đạt ra sao?

Tống Hoa 15/09/2021 19:30 GMT+7
Câu chuyện Napoleon dạy đứa con câm điếc khát khao mãnh liệt nghe thấy âm thanh trở thành bài học lớn về sự kiên trì và giữ vững niềm tin cho mỗi người nếu muốn thành công.

Napoleon Hill (1883 - 1970) là tác giả người Mỹ, một trong những người sáng lập thể loại văn học hiện đại, môn "thành công học" (khoa học về sự thành công của cá nhân).

Tuy nhiên, trong tất cả thành công hay triết lý mà ông đưa ra, có lẽ không câu chuyện nào có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ hơn câu chuyện về cách ông dạy đứa con trai bị khuyết tật tai bẩm sinh Napoleon Hill Blair.

Blair sinh năm 1912 tại Fairmont, nơi hai con sông Tygart Valley và West Fork hòa vào làm một, tạo thành sông Monongahela ở Tây Virginia, Mỹ. Ngay từ khi chào đời, Blair bị thiếu đôi tai. Chuẩn đoán về trường hợp này, các bác sĩ cho biết, đứa trẻ có thể bị câm điếc suốt đời.

Napoleon đã dạy cậu con câm điếc trở thành người thành đạt ra sao? - Ảnh 1.

Napoleon Hill. Ảnh: Wikipedia

Nghe những điều đó, Napoleon như chết lặng, nhưng sâu trong thâm tâm, ông đang cố tìm mọi cách để Blair có thể học nghe và nói. Tất cả niềm tin của ông rằng con trai sẽ nghe nói được bắt nguồn từ câu nói của nhà văn, nhà thơ Ralph Waldo Emerson: “Tiến trình của vạn vật trong thế giới này dạy chúng ta bài học lớn về niềm tin. Tất cả những gì ta cần làm là tuân theo. Sẽ luôn có những chỉ dẫn thích hợp cho mỗi chúng ta và bằng cách khiêm tốn lắng nghe, chúng ta sẽ nghe thấy”.

Điều mà Napoleon nghe thấy được là sự khát khao. Hơn ai hết, ông mong muốn rằng Blair không phải sống câm điếc suốt đời. Ông muốn truyền vào tâm trí con niềm khát khao mãnh liệt được nghe thấy và có thể nói ra các suy nghĩ của mình như bao người bình thường khác.

Một ngày, Napoleon mang về chiếc máy hát. Ngay khi tiếng nhạc vang lên, Blair lập tức phản ứng, cắn chặt răng vào cạnh chiếc máy. Lúc đầu Napoleon không hiểu nhưng mãi sau đó ông nhận ra rằng, bằng cách đó, Blair có thể nghe được tiếng nhạc khi nó truyền qua xương và vào não. Lần khác, ông nhận thấy con trai nghe đi nghe lại một bài hát trong suốt 2 giờ đồng hồ.

Không lâu sau đó, người cha còn khám phá ra rằng, ngoài âm nhạc, Blair có thể nghe rõ nếu như ông nói mà kề môi chạm vào xương chũm ở sau tai của cậu bé.

Sau những phát hiện ấy, Napoleon lập tức truyền cho con khát vọng cháy bỏng rằng một ngày nào đó có thể nghe nói được. Ông không dạy con ngôn ngữ ký hiệu hay gửi Blair vào trường khiếm thính mà muốn cậu bé phát triển trong môi trường bình thường.

Napoleon đã dạy cậu con câm điếc trở thành người thành đạt ra sao? - Ảnh 2.

Âm thanh truyền qua xương. Ảnh minh họa: Facebook Jasjit Singh

Blair thích nghe kể chuyện trước khi đi ngủ. Vì vậy, ông thường tự nghĩ ra những câu chuyện có ý nghĩa giúp con trai phát triển tinh thần tự chủ, óc tưởng tượng và khát khao mãnh liệt được nghe như những người khác trong tâm hồn non nớt của con. Ông cũng muốn con trai hiểu rằng, vấn đề của con không những không phải là bất lợi mà còn là một lợi thế, một tài sản giá trị lớn.

Thật không may, nhiều ngôi trường không đồng ý nhận Blair vào học, bởi họ cho rằng rất khó để cậu bé tiếp thu được bài giảng của giáo viên. Napoleon cùng vợ vẫn kiên trì, thậm chí tranh cãi quyết liệt với cán bộ quản lý nhà trường để con trai có cuộc sống bình thường dù phải trả chi phí cao hơn.

Ở trường, Blair chỉ có thể nghe giáo viên khi họ nói thật lớn và ở khoảng cách rất gần. Cậu từng thử nhiều loại máy trợ thính nhưng không hiệu quả. Vào năm cuối cùng ở đại học, một chuyện xảy ra đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời cậu khi ai đó gửi cho Blair một loại máy trợ thính được thiết kế đặc biệt.

Blair ngập ngừng dùng thử và rồi điều kỳ diệu xảy ra. Niềm khao khát bấy lâu được nghe như một người bình thường của cậu đã thành sự thật. Thính giác của cậu được cải thiện 100% và  lần đầu tiên trong đời, Blair có thể nghe, trò chuyện với mọi người hoàn toàn bình thường mà họ không cần phải hét vào tai. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời cậu và khát khao thoát khỏi thế giới vô thanh đã hoàn toàn ứng nghiệm.

Vô cùng vui mừng khi được khám phá một thế giới mới, Blair viết thư cảm ơn công ty sản xuất chiếc máy trợ thính và hào hứng kể lại những gì cậu được trải nghiệm. Đáp lại tình cảm đó, cậu được mời đến New York tham quan nhà máy.

Khi đến New York, Blair chợt nảy ra ý tưởng sẽ mang lại niềm hy vọng và hỗ trợ thiết thực cho hàng nghìn người khiếm thính trên thế giới, những người mà không có sự giúp đỡ của cậu, sẽ mãi cam chịu sống trong một thế giới hoàn toàn im lặng.

Tiếp đó, Blair dành suốt một tháng để nghiên cứu hệ thống tiếp thị sản phẩm và vạch ra kế hoạch 2 năm nhằm tiếp cận những người khiếm thính trên toàn thế giới. Chấp nhận lời đề nghị của Blair, nhà sản xuất đồng ý giao cho cậu thực hiện kế hoạch mới đầy tham vọng.

Chính những khao khát cháy bỏng và niềm tin không bao giờ tắt của Napoleon và Blair đã là lực đẩy vô hình biến sự mất mát của Blair thành một tài sản quý giá, thứ tài sản được định sẵn là mang đến tiền bạc và hạnh phúc lâu dài không chỉ cho họ mà còn cho hàng nghìn người khác.

Thật vậy, nếu con người thực sự có niềm tin cháy bỏng về một điều gì đó, dù đúng hay sai, chỉ cần quyết tâm thực hiện và không bao giờ lùi bước, tất cả đều có thể trở thành sự thật. Chân lý đó đúng và rộng mở với tất cả mọi người.