Nhận hối lộ, 17 người bị xử tội chết trong một vụ án thời phong kiến

Thứ tư, ngày 15/09/2021 10:32 AM (GMT+7)
Chỉ vì nhận hối lộ mà 17 người bị xử tội chết, đây được coi là một trong những vụ án nhận hối lộ quy mô lớn và mức phạt nghiêm khắc nhất trong lịch sử thời phong kiến.
Bình luận 0
Nhận hối lộ, 17 người bị xử tội chết trong một vụ án thời phong kiến - Ảnh 1.

Một phiên xử án thời xưa. Ảnh: Pháp luật Việt Nam

Hành vi "ăn lễ" nhận 1 phạt 5

Một số triều đại phong kiến nước ta áp dụng điều luật nghiêm trị quan chức có những hành vi tham nhũng, ăn đút lót hối lộ… Điển hình như Bộ luật Hồng Đức, do vua Lê Thánh Tông (1442-1497) ban hành, chú trọng đặc biệt đến việc quy định chi tiết hành vi và hình phạt.

Quốc triều Hình luật có 722 điều, thì trong đó có 107 điều quy định những hành vi không được phép phạm phải đối với quan lại như: lợi dụng quyền thế sách nhiễu nhân dân, ăn hối lộ, gian lận, bớt xén của công, lợi dụng quyền chức mưu lợi riêng…

Điều 138 của Bộ luật Hồng Đức quy định: "Quan lại tham ô từ 1 đến 9 quan tiền, bị cách chức; từ 10 đến 19 quan bị đánh trượng, đi đày; từ 20 quan trở lên, bị chém. Ăn lễ (tức nhận hối lộ) từ 1 đến 9 quan phải phạt 50 quan; từ 10 đến 19 quan phạt từ 60 đến 100 quan; từ 20 quan trở lên phạt tội làm phu. Của hối lộ bỏ vào kho một phần, một phần trả lại chủ".

Mức phạt tiền đối với hành vi ăn đút lót của quan lại quy định ở đây, ít nhất là gấp 5 lần số tiền tư túi, cao nhất có thể lên đến gấp vài chục lần số tiền nhận hối lộ. Nhận đút lót số tiền lớn có thể phải mất chức.

Mong muốn đẩy lùi nạn tham nhũng, vua Lê Thánh Tông ban sắc dụ những ai mượn cớ để vòi vĩnh, được biếu xén, đi lại, chè chén, cầu kết bạn với người đảm trách pháp luật đều phải bắt giam, xét tội. Khi đã tham ô, việc định tội không phân biệt hay căn cứ giàu nghèo, chức trọng hay hèn kém.

Để ngăn nạn tham nhũng, đút lót, trong Quốc triều hình luật còn có một số quy định như quan lại không được lấy vợ, kết làm thông gia với người ở nơi mình cai quản; không đưa quan lại về quê hương bản quán trị nhậm; không được tậu đất, vườn ruộng, nhà tại nơi cai quản; không được lấy người cùng quê làm giúp việc; người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc tại cùng một nơi.

"Ăn" hối lộ bị xử chém

Trên cơ sở Bộ luật Hồng Đức, hơn 300 năm sau, vua Gia Long (trị vì năm 1802-1820) cho ban hành Bộ luật Gia Long, còn gọi là Hoàng Việt luật lệ. Bộ luật với 398 điều thì có 79 điều quy định về các tội liên quan đến tham nhũng, điều chỉnh hành vi của quan lại lạm quyền. Điều 31 quy định, quan lại nhận hối lộ phải chịu hình phạt thấp nhất là 70 trượng, cao nhất là treo cổ.

Bộ luật có nhiều quy định nghiêm khắc đối với hành vi phạm tội của quan lại này, được các vua thời Nguyễn áp dụng để trị vì đất nước, đôi khi mức hình phạt đối với quan chức còn cao hơn mức quy định. Trong đó, vua Minh Mạng được cho là người triệt để trừng trị quan tham, với nhiều can phạm bị xử chém bởi vua thường áp dụng nguyên tắc: "Sát nhất nhân, vạn nhân cụ" (Giết một người để muôn người sợ mà tránh).

Một số vụ án điển hình dưới thời vua Minh Mạng có thể kể đến như: năm 1822, tại Quảng Đức và Quảng Trị giá gạo đắt, triều đình cho phát 25.000 hộc để bán cho dân. Người lính quản lý kho thóc ở kinh là Đặng Văn Khuê phụ trách phát thóc cho nhân dân, mỗi hộc thóc thiếu vài cáp. Vụ việc bị phát giác, vua Minh Mạng giao cho Bộ Hình tra xét. Án xong tâu lên, vua Minh Mạng liền sai chém Khuê.

Theo sách Đại Nam thực lục, tháng 5/1823, một ông quan làm việc tại Phủ Nội Vụ tên là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn một lạng vàng bị phát giác. Sau khi tra án, thay bằng tuyên án chém đầu Diệm, Bộ Hình giảm xuống thành tội đi đày. Vụ án tâu lên, vua Minh Mạng không chấp nhận giảm án và dứt khoát hạ lệnh cho Bộ Hình đưa can phạm ra chợ Đông Ba chém đầu cho mọi người trông thấy.

Cũng theo sách Đại nam thực lục, vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), Trần Công Trung làm việc ở kho Phủ Nội Vụ vì gây khó dễ để ăn tiền nên bị giao Bộ Hình tra xét. Án được tâu lên, vua Minh Mạng tuyên dụ: "Vụ án Đặng Văn Khuê năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đã theo luật nghiêm trị, thế mà bọn Trung còn dám công nhiên làm bậy, không kiêng sợ gì, tuy tang vật không quá 10 lạng, nhưng nếu nhu nhơ để sống một mạng thì e sau này những kẻ khinh nhờn pháp luật sẽ nhiều ra, không thể giết hết được". Vua sai mang Trần Công Trung ra chém ở chợ Đông.

Năm 1836, Thủ ngự thủ sở An Thái (Vĩnh Long) là Lê Văn Nhuận nhận hối lộ của các lái buôn nhà Thanh và tiếp tay chở gạo lậu ra biển. Chuyện bị phát giác, Lê Văn Nhuận bị vua Minh Mạng nghiêm trị.

Năm thứ 21 dưới triều vua Tự Đức, Điển ty vệ Trung bảo nhất Nguyễn Du đã bị xử chém ngay sau khi được xác định đã sách nhiễu nhận hối lộ 17 khoản, tang vật là 184 quan tiền. Nhằm răn đe các quan, vua Tự Đức còn ra dụ yêu cầu xử nặng với án "nhũng nhiễu" hay với "viên dịch sâu mọt".

Một vụ án điển hình khác thể hiện triều Nguyễn xử lý nghiêm án nhận hối lộ là trường hợp phạm tội của Thông lại huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên. Sách "Khâm định Đại nam hội điển sự lệ" ghi chép, vào năm Kiến Phúc thứ nhất (1884), Thông lại huyện Quảng Điền là Lê Diệu mượn cớ mua bán thóc của triều đình để lấy tiền hối lộ của dân. Chánh tổng Long, Phó tổng Tiêm, lính lệ Sơn cũng theo hùa mà thông đồng. Chuyện bị phát hiện, chiếu theo luật thời vua Minh Mạng, Lê Diệu bị trảm quyết, đem thủ cấp đi rao 6 huyện, bêu lên để răn đe.

Triều đình cũng điều tra ra nhiều vị quan, hoàng thân quốc thích có liên quan đến việc nhận hối lộ trong vụ án Lê Diệu nên xử phạt, trong đó Phủ thừa Đinh Viết Tân bị cách chức, Phủ doãn Nguyễn Liên bị giáng xuống 4 cấp, Tham biện Đặng Huy Cát bị xuống 3 cấp, Thương biện Thân Trọng Dy bị giáng 2 cấp điều đi nơi khác.

17 người lĩnh án tử trong một vụ án

Năm Tự Đức thứ 7 (1854), sĩ nhân Chu Trung Lập ở Quảng Nam có tờ trình nêu bức xúc về nạn nhận hối lộ, rằng thuyền buôn người Thanh đút tiền cho quan tỉnh để lậu thuế. Tỉnh phái là Bạch Doãn Lân, Thông phái là Nguyễn Chiêm Lượng, Án sát là Đặng Kham, Tri phủ là Nguyễn Bá Đôn, Đốc học là Trịnh Xuân Thưởng có hành vi "đục khoét", vòi tiền của dân.

Biết chuyện, vua Tự Đức sai Hữu tham tri Bộ Binh kiêm quản Viện Đô sát là Trương Văn Uyển cùng với Khoa đạo Nguyễn Vĩnh, Viên ngoại lang ty Hình là Phạm Công Đề đến Quảng Nam điều tra thực hư. Trong thời gian này, Chu Trung Lập bị quản thúc tại địa phương đề phòng vì hiềm khích mà tố cáo sai.

Kết quả tra xét cho thấy nội dung tố cáo là đúng, theo Hoàng Việt luật lệ, 17 người liên quan bị xử bị tội giảo giam hậu (giam lại chờ ngày thắt cổ hoặc xử chém). 25 người liên quan bị tội lưu (đày đi xa), trong đó có 2 quan bát phẩm, 10 cửu phẩm, 13 vị nhập lưu. 12 người mang tội đồ (đày khổ sai). 8 người bị phạt tội trượng (đánh gậy), 8 người bị cách chức.

Trong vụ án này còn phát hiện Tham tri Bộ Hộ là Phan Tĩnh, Đào Trí Phú (nguyên Bố chính), Phan Bật (nguyên Đốc) cùng nhau nhận tiền lậu thuế, chia nhau 60 lạng bạc. Tổng đốc Trần Tri, Hộ đốc Bắc Ninh là Nguyễn Quốc Hoan, Bố chính Bình Định là Nguyễn Hữu Độ bị khép vào tội Thất sát (không giám sát). Tri phủ Điện Bàn là Nguyễn Bá Đôn bị tước bỏ tên trong sổ làm quan do sách nhiễu vòi hối lộ, nhận tổng cộng 12 lạng bạc. Quan án sát Đặng Kham vì nhận hối lộ hai lạng bạc mà bị thu lại bằng sắc, xoá tên trong sổ làm quan.

Vua Tự Đức ra chỉ dụ, trong vụ án này, 8 người bị khép vào tội lưu trở lên mà tuổi 70-80, mang bệnh thì cho giảm tội, cắt chức. Ai trả hết tiền đã nhận từ nhà buôn Trung Quốc thì sẽ được giảm tội. Với số lượng người bị kết án lớn, trong đó 17 người bị xử tội chết, đây được coi là một trong những vụ án nhận hối lộ quy mô lớn và mức phạt nghiêm khắc nhất trong lịch sử thời phong kiến.

Đại Chơn (Theo Pháp luật Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem