Mặc dù so với tỷ lệ mắc và tử vong của người lớn, con số này vẫn nhỏ nhưng đằng sau những con số đó là cuộc chiến giành giật cuộc sống trên tay tử thần hàng ngày, hàng giờ tại các bệnh viện.
Tiếng còi cấp cứu giữa đêm
Nửa đêm, còi xe cấp cứu vang lên khẩn thiết, xe cấp cứu dừng trước Đơn vị điều trị Covid-19 Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Bé gái tuổi teen L.T.T.L (16 tuổi, ngụ tại quận 8) được chuyển đến từ một bệnh viện tuyến dưới trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp nặng.
Mặc dù vẫn ở độ tuổi thiếu nhi nhưng với ca bệnh này, hầu như tất cả ê kíp đã phải áp dụng điều trị chuyên sâu cho một ca Covid-19 nguy kịch nhất của người lớn vì bệnh nhi có thể trạng béo phì (gần 90kg). Cân nặng quá khổ so với tuổi đời khiến các bác sĩ rất vất vả, đối mặt nhiều thách thức trong quy chuẩn lại các liều thuốc, hay công tác chăm sóc nặng nhọc không kém những người lớn béo phì.
Bệnh nhi được nhanh chóng lọc máu, thở oxy dòng cao HFNC rồi tiếp tục phải đặt ống nội khí quản để lắp máy thở khi tình trạng bé diễn tiến xấu dần.
Ê kíp khoa Nhiễm – Hồi sức tích cực, thậm chí Phó Giám đốc bệnh viện đã trực tiếp tham gia liên tục hội chẩn cho từng hành trình vượt chướng ngại tiến triển nặng nề của bé: Suy hô hấp nguy kịch, tăng đông, hội chứng viêm đa hệ thống, viêm xẹp phổi, cân bằng dịch, tổn thương đa cơ quan, nhiễm trùng...từng vấn đề được hội chẩn, thống nhất, và quyết định nhanh chóng kịp thời.
Không phụ công sức của các y bác sĩ ròng rã nhiều ngày đêm túc trực bên giường bệnh, sức khỏe của cô bé tiến triển tốt dần.
BSCK 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, đây không phải là ca duy nhất mà bệnh viện phải đối mặt. Mới đây, bé gái L.H.T.L (15 tuổi) mắc Covid-19 nặng nguy kịch đã được cứu sống.
Bệnh nhi được chuyển cấp cứu trong tình trạng khó thở tím tái. Khai thác bệnh sử ghi nhận bé bệnh 5 ngày, sốt cao, ho sổ mũi, nghẹt mũi, khó thở, đến trung tâm y tế xét nghiệm thì cả hai cha con đều dương tính SARS-CoV-2. Sức khỏe bé L chuyển xấu rất nhanh, trung tâm y tế sơ cấp cứu, cho bé thở oxy rồi chuyển thẳng đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Khi nhập viện, bé thở mệt, tím môi trên, thở oxy, nồng độ oxy trong máu SpO2 chỉ còn 76% (bình thường 96-98%), nhịp tim nhanh 152 lần/phút, được chẩn đoán Covid-19 nặng, nguy kịch. Bệnh nhi được điều trị hỗ trợ hô hấp, thở áp lực dương liên tục, truyền thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng đông. Tình trạng hô hấp diễn tiến xấu hơn, bé thở mệt co kéo, SpO2 80-82%, được chuyển thở máy không xâm nhập nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Hình ảnh X-quang phổi cho thấy tổn thương phổi nặng lan tỏa 2 bên, biểu hiện hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) nên bệnh nhi được đặt nội khí quản thở máy.
Cùng với đó, xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhi có biểu hiện phản ứng viêm tăng mạnh, cao trên 10 lần trị số giới hạn nên phải truyền thêm kháng thể miễn dịch và lọc máu liên tục kém điều chỉnh nước điện giải, toan kiềm, hạ sốt, dinh dưỡng...
Sau 2 đợt lọc máu liên tục, truyền các kháng thể miễn dịch, 2 tuần thở máy với các thông số thích hợp, tình trạng trẻ cải thiện dần. Trẻ từ từ được cai máy thở, thở máy không xâm nhập, thở CPAP, thở oxy qua mask, qua cannula và được hỗ tâm lý trị liệu, phục hồi chức năng.
BS Tiến cho biết, bé mới 15 tuổi nhưng cân nặng tới 75kg, gây khó khăn cho các bác sĩ điều trị như chỉnh lại cân nặng thích hợp để sử dụng thuốc và dịch truyền phù hợp tránh quá tải dịch, làm nặng thêm tình trạng suy hô hấp, cũng như thiếu dịch gây giảm tưới máu các cơ quan cũng khô đàm tắc đàm đường hô hấp. Gia đình gặp nhiều khó khăn kinh tế do đại dịch, chi phí điều trị lên đến 150 triệu đồng, được Phòng Công tác xã hội – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vận động các mạnh thường quân giúp đỡ.
Trẻ em mắc bệnh vẫn nguy kịch như người lớn
BS Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Nhiễm - Hồi sức tích cực cho biết, số trẻ em nguy kịch vì Covid-19 vẫn không ngừng tăng theo số ca bệnh. Số trẻ F0 tại khoa Nhiễm luôn trên con số 200 bệnh mỗi ngày. Không ít trong số này là bệnh nhi béo phì, không bệnh lý nền, hoặc bệnh nền mạn tính tái khám theo dõi khó khăn, điều trị không ổn định tại nhà, lại vô tình trở thành F0... Trong đó có những thiếu niên khỏe mạnh, cân nặng quá khổ có diễn biến rất nhanh, nặng, khi vào bệnh viện đã tổn thương phổi 2 bên nặng nề cần thở máy không xâm nhập.
Điển hình như bé trai 15 tuổi nhưng nặng đến 135kg mắc Covid-19, nhanh chóng khó thở và rơi vào nguy kịch ngay khi vừa có triệu chứng. Hơn 10 ngày các bác sĩ "đánh vật" với bệnh nhân, từ thở oxy dòng cao, thở máy không xâm lấn với đủ loại biến chứng của suy hô hấp, tăng đông… bệnh nhi đã đáp ứng khá tốt với thở máy không xâm lấn, kháng sinh, corticoid, thuốc phòng chống huyết khối, dinh dưỡng cân bằng.
"Đáng chú ý, không chỉ có bệnh nhi béo phì mà cả những trẻ rất nhỏ khi mắc Covid-19 cũng rơi vào tình trạng nguy kịch như trường hợp bé trai 3 tháng tuổi nhiễm Covid-19, một trong những trường hợp nặng nhất đang được bệnh viện điều trị. Ngoài sự nỗ lực cứu chữa của các y bác sĩ, chính bản thân sinh linh bé nhỏ này đã rất kiên cường để giành sự sống cho chính mình", BS Vũ chia sẻ.
Ngay lúc này, 8 y bác sĩ khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đang cùng lúc hỗ trợ cấp cứu cho bé 12 tháng tuổi vừa dị tật bẩm sinh tim, chẻ vòm họng, suy dinh dưỡng không may nhiễm Covid-19. 12 tháng nhưng bé chỉ nặng vỏn vẹn 8kg, bé ho sốt đúng một ngày là lên cơn tím, suy hô hấp phải thở máy, kèm nhiều biến chứng tràn khí màng phổi, viêm phổi bội nhiễm cũng khó lường và đáng dè chừng.
BS Vũ tâm sự: "Bất kể công việc hay đại dịch là những đợt sóng ngầm áp lực nhưng khi khoác lên mình bộ trang phục màu xanh quen thuộc, ê kíp y bác sĩ tại Khoa Nhiễm luôn cố gắng toàn vẹn trong sứ mệnh cứu người, trả lại sự an toàn cho bệnh nhân khi họ nằm giữa lằn ranh của sự sống và cái chết".
ThS.BS Mai Quang Huỳnh Mai, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, khi trẻ mắc Covid-19 nhập viện điều trị sẽ được các bác sĩ thăm khám để xác định trẻ có bị bệnh nền hay không, cân nặng bao nhiêu, ở độ tuổi nào từ đó có khẩu phần ăn phù hợp.
Trẻ điều trị Covid-19 sẽ có chế độ ăn tương thích tùy theo lứa tuổi, nếu trẻ đang ăn dặm sẽ là những thức ăn mềm như cháo, sữa, nui... Trẻ lớn hơn, ở lứa tuổi tiểu học thì sẽ dùng thức ăn gần giống như của người lớn. Quan trọng là phải bảo đảm đủ năng lượng cho trẻ, chú trọng các loại vitamin và khoáng chất. Bệnh nhi mắc Covid-19 chủ yếu điều trị theo triệu chứng. Chỉ những trường hợp có tổn thương đặc hiệu cần phải can thiệp, lúc này ngoài phần điều trị thì trẻ sẽ có chế độ dinh dưỡng đặc biệt riêng.
Ngoài điều trị bằng thuốc, trẻ mắc Covid-19 cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp để nâng cao sức đề kháng, giảm nhẹ triệu chứng, tăng hiệu quả, rút ngắn thời gian điều trị. Người mắc Covid-19 cần uống nhiều nước, tốt nhất nên uống nhiều lần trong ngày để giữ ẩm cho cổ họng. Tăng cường dùng thêm thuốc nâng cao sức đề kháng, vitamin.
Trẻ nhiễm siêu vi thông thường nói chung, mắc Covid-19 nói riêng, cũng đều phải cung cấp đủ chất dinh dưỡng nhằm giúp trẻ chống chọi với bệnh tật. Hiện tại thời tiết đang nóng nực nên cần bảo đảm cung cấp cho trẻ đủ nước (uống nước đã đun sôi để nguội, nước cam, nước chanh). Trong khẩu phần ăn cần tăng cường rau xanh, trái cây (bơ, chuối, các loại rau lá xanh...), đầy đủ chất với các thực phẩm dễ tiêu hóa như: Cơm, cháo, thịt gà, yaourt, ngũ cốc...