Tại buổi Lễ, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố các Quyết định bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với các ông Ngô Tiến Hùng (SN 1962, Thẩm phán cao cấp, Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao); bà Đào Thị Minh Thủy (SN 1970, Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội); ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1971, Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng); ông Nguyễn Biên Thùy (SN 1970; Thẩm phán cao cấp, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre).
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng các cán bộ được bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao - chức danh tư pháp vô cùng cao quý, nhưng cũng đầy trọng trách mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân tin tưởng giao phó.
Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào to lớn mà còn là trách nhiệm nặng nề của các cán bộ được bổ nhiệm.
Chủ tịch nước khẳng định, trong bộ máy Nhà nước, hệ thống Tòa án nhân dân có vị trí hết sức quan trọng, được Hiến pháp ghi nhận "Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp…; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Đặc biệt, các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của Tòa án trong hệ thống các cơ quan tư pháp, xác định Tòa án có vị trí trung tâm và hoạt động xét xử là trọng tâm.
Đồng thời cũng nhấn mạnh vị trí, vai trò của Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp, nhất là đội ngũ Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được xác định là những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, có kinh nghiệm công tác trong hệ thống Tòa án.
Chủ tịch nước đề nghị toàn thể cán bộ, thẩm phán, công chức, viên chức trong hệ thống Tòa án nhân dân nói chung và các đồng chí Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mới được bổ nhiệm lần này nói riêng cần tiếp tục rèn luyện bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; giữ vững phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, gương mẫu chấp hành và thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Giao nhiệm vụ cho các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý cần tiếp tục nhận thức sâu sắc về vai trò, vị thế của Tòa án nhân dân nói chung, trách nhiệm của người Thẩm phán nói riêng.
Người Thẩm phán phải luôn ý thức được tinh thần trách nhiệm rất cao trước pháp luật, trước nhân dân. Bất kỳ sai sót nào của Thẩm phán đều ảnh hưởng đến kết quả, chất lượng xét xử, ảnh hưởng đến uy danh của Tòa án, đến niềm tin của người dân vào pháp luật và công lý.
Vì vậy, trong công tác xét xử không cho phép người Thẩm phán có những quyết định, phán quyết chủ quan, không đúng pháp luật, không hợp lòng dân, không đảm bảo công lý.
Mỗi bản án đều phải là những chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội và có tác dụng giáo dục pháp luật, định hướng hành vi của người dân, của cả xã hội; qua đó khuất phục được tội phạm, thuyết phục được người dân và tạo sự đồng thuận, tuân thủ trong xã hội…