Dân Việt

Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long tại một số cửa khẩu, doanh nghiệp kiến nghị khẩn để giảm phụ thuộc

Khánh Nguyên 17/09/2021 16:59 GMT+7
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, việc Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long tại một số cửa khẩu đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Từ thực tế này, Hiệp hội kiến nghị Bộ NNPTNT phối hợp với các ngành chức năng tăng cường xúc tiến tiêu thụ trái cây, giảm bớt sự lệ thuộc quá lớn vào một thị trường.

Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long tại một số cửa khẩu, doanh nghiệp thiệt hại

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg khu vực Nam bộ do Bộ NNPTNT tổ chức sáng 17/9, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, việc Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long tại một số cửa khẩu khiến doanh nghiệp thiệt hại đáng kể.

Theo ông Bình, trong tháng 8, Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu thanh long tại các cửa khẩu Hà Khẩu và Thiên Bảo thuộc tỉnh Vân Nam làm giá thanh long trong nước giảm mạnh. 

Mới đây nhất, Trung Quốc thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua khu vực Cầu phao tạm Đông Hưng (phía Việt Nam là Điểm xuất hàng Km3+4, Quảng Ninh) 07 ngày, từ ngày 15 đến ngày 21/9/2021.

"Mặc dù các bộ ngành và các địa phương đã tích cực làm việc với phía Trung Quốc và thông tin mới nhất là Trung Quốc đã mở cửa trở lại các cửa khẩu tại Vân Nam cho thanh long, chuối nhưng những sự việc như vậy nếu tiếp tục xảy ra sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho kinh tế Việt Nam nói chung và cho các doanh nghiệp nói riêng" - báo cáo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh.

Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Long An cũng thừa nhận, thông tin Trung Quốc tạm ngừng thông quan nhập khẩu thanh long tại một số cửa khẩu đã ảnh hưởng lớn đến giá thanh long.

Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long tại một số cửa khẩu, đại diện doanh nghiệp kiến nghị khẩn - Ảnh 1.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, việc Trung Quốc tạm dừng thông quan thanh long tại một số cửa khẩu khiến giá thanh long bị ảnh hưởng. Trong ảnh: Nông dân Long An thu hoạch thanh long. Ảnh: Báo Long An.

Nhu cầu nhập khẩu rau quả từ Mỹ, Trung Quốc vẫn tăng

Theo ông Bình, dù gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường xuất khẩu rau quả trong quý IV/2021 có thể khả quan khi kinh tế của các nước là những thị trường lớn của rau quả Việt nam như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu sẽ hồi phục, nhu cầu sẽ tăng trở lại. 

"Theo thông tin từ các doanh nghiệp hàng đầu về rau quả, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến thì các đơn hàng từ nước ngoài vẫn duy trì tốt vì vậy khả năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2021 vẫn sẽ tăng trưởng so với năm 2020" - ông Bình nhận định. 

Tuy nhiên, theo ông Bình, các doanh nghiệp ngành hàng rau quả đang gặp nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng; việc vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương, hàng xuất nhập khẩu bị ngưng trệ do các lệnh giãn cách, việc thực hiện các chỉ thị ở các địa phương không nhất quán, thiếu sự phối hợp dẫn đến ách tắc... 

Nhiều quy trình, thủ tục phát sinh lãng phí thời gian do chờ đợi, đặc biệt là việc cấp giấy phép đi đường mẫu mã thay đổi liên tục, hồ sơ xuất nhập khẩu chưa được điều chỉnh phù hợp với tình hình chống dịch. 

Để tận dụng tốt nhu cầu của thị trường, ông Bình kiến nghị  ngành chức năng, các địa phương cần tổ chức sản xuất nguyên liệu theo quy hoạch, điều tiết quy mô, tốc độ tăng trưởng phù hợp. 

Sản xuất theo nhu cầu thị trường, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra phải phù hợp với quy định của từng thị trường cụ thể. Chất lượng sản phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe nhất của người tiêu dùng. 

"Đặc biệt, kiến nghị Bộ NNPTNT phối hợp với các ngành chức năng có giải pháp giữ vững các thị trường xuất khẩu trọng điểm, mở rộng thị phần (châu Âu), tăng cường giao dịch, mua bán với các nước ASEAN, Ấn Độ và mở rộng thị trường qua khu vực Nam Mỹ, châu Phi để giảm bớt sự lệ thuộc quá lớn vào một thị trường" - ông Bình nói.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2021 kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 230 triệu USD, giảm 13,2% so với tháng 7/2021 và giảm 16,7% so với tháng 8/2020. Lũy kế 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt hơn 2,497 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2020.