Dân Việt

Hải Dương: Nông dân thu lợi kép nhờ biến rác thải thành phân bón

Thi Ngọc 27/09/2021 15:07 GMT+7
Hội Nông dân huyện Kim Thành phối hợp với phòng Tài nguyên và môi trường huyện xây dựng mô hình điểm “nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình”. Đây là hoạt động rất ý nghĩa mang lại nhiều lợi ích kép.

Theo thông tin từ Hội Nông dân Huyện Kim Thành, mô hình "Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình" hiện đang được áp dụng tại xã Tuấn Việt và xã Kim Liên. Mục đích của mô hình khi triển khai là giúp người dân thay đổi ý thức, có thói quen phân loại rác thải sinh hoạt ngay từ hộ gia đình, hạn chế tối đa rác thải chưa được xử lý ra ngoài môi trường. Đồng thời, mô hình giúp người dân tự tạo ra được lượng phân hữu cơ chăm bón cho cây trồng của gia đình, vừa không tốn kém, vừa tốt cho sức khỏe.

Trước khi triển khai trên diện rộng, hiện nay, mỗi xã lựa chọn 20 hộ gia đình để àm thí điểm. Mỗi hộ dân nằm trong mô hình được Phòng Tài nguyên và môi trường cung cấp đủ chế phẩm sinh học, Hội Nông dân cấp 1 thùng ủ rác hữu cơ và hướng dẫn cách sử dụng cũng như xử lý rác. 

Hội nông dân Huyện Kim Thành hỗ trợ bà con xử lý rác thải hữu cơ, nhất cử lưỡng tiện - Ảnh 1.

Anh Phạm Văn Điều, Chủ nhiệm mô hình xử lý rác hữu cơ đang hướng dẫn bà con xã Tuấn Việt. (Ảnh: Thi Ngọc)

Trao đổi với PV báo Dân Việt, chị Nguyễn Thị Nhâm, cán bộ Hội Nông dân huyện Kim Thành cho biết: Các thùng ủ rác mà Hội nông dân cấp cho bà con đều được làm từ nhựa tái sinh, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường. Lượng rác hữu cơ sẽ được cho vào thùng ủ rồi rắc chế phẩm sinh học. Sau khoảng 25 - 30 ngày, chính số rác này sẽ cho một lượng phân bón cây trồng vừa tốt, vừa an toàn cho sức khỏe con người.

Theo số liệu thống kê, hiện nay mỗi xã thu gom được khoảng hơn 3 tạ rác thải hữu cơ mỗi tháng. Lượng rác thải này được xử lý thành phân bón hữu cơ mang lại lợi ích rất lớn trong trồng trọt.

Anh Phạm Văn Điều, chủ nhiệm mô hình "Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình" chia sẻ: Đây là việc làm rất thiết thực, vừa bảo vệ môi trường, vừa giảm kinh phí cho địa phương trong việc thu gom rác, vừa đỡ tốn kém tiền mua phân hữu cơ bón ruộng cho bà con nông dân.

Tuy nhiên, đây là mô hình mới, đòi hỏi người dân phải thay đổi thói quen. "Nếu như trước đây bà con chỉ việc gom tất cả rác vào một túi nilon rồi đem đi vứt, thì nay thêm một vài công đoạn như phân loại rác, xử lý rác hữu cơ… Chính vì thế, thời gian đầu chúng tôi phải tuyên truyền, thuyết phục, làm mô hình trình diễn để bà con hiểu được những lợi ích của việc làm này và làm theo", anh Điều cho biết thêm.

Hội nông dân Huyện Kim Thành hỗ trợ bà con xử lý rác thải hữu cơ, nhất cử lưỡng tiện - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Tòng, xã Tuấn Việt rất phấn khởi vì vừa bảo vệ được môi trường, vừa có phân hữu cơ bón ruộng. (Ảnh:Thi Ngọc)

Bà Nguyễn Thị Tòng, 74 tuổi, trú tại xã Tuấn Việt, là một trong những hội viên được chọn triển khai mô hình thí điểm rất phấn khởi với việc làm này. Bà cho biết, khi mẻ sản phẩm phân bón đầu tiên từ rác thải hữu cơ của gia đình "ra lò", bà rất vui vì vừa bảo vệ được môi trường, vừa sử dụng bón rau và cây ăn quả trong vườn mà không lo độc hại, không phải dùng đến phân bón hóa học.

"Hàng xóm nhà tôi nhiều người muốn tự làm phân bón thế này mà chưa có thùng ủ rác như nhà tôi. Nhờ các bác trong Hội cung cấp thêm và nhân rộng mô hình để bà con được áp dụng", bà Tòng nói. 

Mới đây, Hội Nông dân huyện Gia Lộc phối hợp với Công an huyện tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho hội viên nông dân về luật an toàn giao thông, nhằm hạn chế tai nạn giao thông đường bộ.

Đến dự hội nghị có ông Nguyễn Đình Kiểm, Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội Hội Nông dân tỉnh Hải Dương; Trung tá Phạm Quý Gia, Đội trưởng Đội CSGT công an huyện Gia Lộc và các cán bộ, hội viên Hội nông dân huyện Gia Lộc.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Quý Gia cho biết, tai nạn giao thông (TNGT) đã và đang là vấn đề rất nan giải trong xã hội, gây hậu quả rất nghiêm trọng và để lại nhiều hệ lụy về sau.

Thực tế cho thấy, những người chết do TNGT không chỉ ảnh hưởng cá nhân mà còn liên lụy đến nhiều người, đặc biệt khiến người thân thương xót, đau lòng. Còn những trường hợp bị thương nặng phải chịu đau đớn và mang trong mình những thương tật suốt đời không bao giờ chữa lành được.

TNGT còn làm ảnh hưởng rất lớn đến trật tự an ninh xã hội, gây tâm lý sợ hãi cho người dân khi ra đường…

Theo Trung tá Phạm Quý Gia, gần đây, trên địa bàn xuất hiện nhiều thiếu niên có cả nam và nữ hay tập trung ở những đoạn đường ít người qua lại để tổ chức đi xe sai luật rất nguy hiểm.

Cụ thể, tại đoạn đường gom hai bên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường Quốc lộ 38 đi ra Lê Lợi, thường xuất hiện các cháu tầm 14 -15 tuổi tụ tập đi xe không biển, lạng lách, bốc đầu rồi quay clip… Khi thấy các chiến sĩ công an tới, nhóm này liền bỏ chạy. Hành vi vi phạm luật giao thông của các đối tượng này dễ gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông.

"Để trật tự ATGT nông thôn đi vào nề nếp, hiệu quả, Hội Nông dân cần tuyên truyền tới từng hội viên ý thức chấp hành luật lệ giao thông. Đặc biệt, các gia đình cần hướng dẫn cho các cháu nhỏ về luật an toàn giao thông và chỉ cho phép các cháu sử dụng các phương tiện phù hợp với lứa tuổi", Trung tá Phạm Quý Gia nhấn mạnh.

Thượng úy Nguyễn Tuấn Khôi, chiến sĩ Đội Cảnh sát Giao thông huyện Gia Lộc cho biết, các năm gần đây, số vụ tai nạn giao thông vẫn tăng đều theo các năm và để lại những hậu quả rất nặng nề. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do nhận thức của người dân về luật lệ an toàn giao thông còn hạn chế, chưa lường hết được hậu quả.

Do đó, để hạn chế tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra, đề nghị các gia đình, cá nhân cần nắm rõ luật an toàn giao thông đường bộ và nghiêm túc chấp hành.

Trong khuôn khổ của hội nghị, Thượng uý Phạm Tuấn Khôi đã tập huấn cho các hội viên nông dân những kiến thức cơ bản của luật giao thông đường bộ, các chế tài xử phạt hành chính để hội viên thực hiện và tuyên truyền cho người thân trong gia đình nghiêm túc chấp hành.