Phân compost từ rác hữu cơ: đơn giản, dễ làm, thiết thực

Thùy Lâm Thứ năm, ngày 07/05/2020 17:11 PM (GMT+7)
Để giảm thiểu tối đa những tác động hàng ngày của con người đến môi trường, nhiều mô hình bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã được triển khai. Trong đó, mô hình sử dụng thùng nhựa tạo phân compost (một loại phân hữu cơ được chế biến từ rác, cỏ dại, thân lá cây xanh, bèo tây, rơm rạ, chất thải sinh hoạt được ủ với một số phân men như phân chuồng, nước giải, lân, vôi, tro bếp… cho đến khi hoai mục để bón cho cây trồng) từ rác hữu cơ được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Vĩnh Lợi áp dụng từ năm 2014, đến nay đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Bình luận 0

img

Bà Văn Thị Kiều Nga sử dụng phân hữu cơ tự ủ để bón rau màu.  Ảnh: T.L

Bà Văn Thị Kiều Nga (59 tuổi, ấp Hòa Linh, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi) là một trong những hộ tham gia mô hình tạo phân compost từ rác hữu cơ, cho biết: “Trước đây, tôi thường gom rác sinh hoạt để đốt, trong đó có lẫn một số rác không phân hủy (như chai lọ bằng sành, nhựa và bọc nylon) vừa nguy hiểm vừa gây mất vệ sinh. Cuối năm 2019, tôi được Hội LHPN xã Long Thạnh hỗ trợ thùng phuy nhựa và hướng dẫn cách sử dụng.

Mỗi ngày, tôi phân loại rác và bỏ rác hữu cơ vào thùng, khoảng 2 tháng rác sẽ tự phân hủy và trở thành phân compost có độ tơi xốp, không mùi. Để phân hữu cơ có độ đạm cao, tôi cho thêm phân bón vào, sau đó dùng bón cho hoa màu hay cây ăn trái. Cây được bón phân đều tăng trưởng tốt và cho trái sai”.

Theo bà Nga, quy trình ủ phân hết sức đơn giản, chỉ cần trang bị một thùng phuy nhựa dung tích hơn 100 lít, xung quanh thùng có đục lỗ thoát khí, bên dưới có khoét một cánh cửa nhằm tiện lợi để lấy phân khi sử dụng. Sau đó, tận dụng các loại rác thải hữu cơ trong gia đình, như: Lá cây, cỏ khô, phế phẩm cá tôm, rau củ hư… cho vào thùng và đậy kín nắp. Cứ thế khoảng 2 tháng, rác thải sẽ được phân hủy thành phân hữu cơ compost.

Bà Khưu Thị Phong - Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Lợi, nhận xét: “Năm 2014, Hội LHPN huyện phối hợp với Hội LHPN tỉnh và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện triển khai thí điểm mô hình sử dụng thùng nhựa ủ rác hữu cơ trong sinh hoạt hàng ngày chuyển hóa thành phân compost để bón cho cây trồng và bảo vệ môi trường. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng đến Hội LHPN các xã, thị trấn trong huyện với số lượng 400 thùng compost. Mô hình này đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho chị em, đồng thời tiết kiệm chi phí sử dụng phân bón hóa học để bón cho cây ăn trái hay rau màu của gia đình”.

Phân bón đóng vai trò quan trọng trong canh tác nông nghiệp, tuy nhiên hiện nay việc sử dụng quá mức cần thiết các loại phân bón và thuốc trừ sâu hóa học trong canh tác đã làm cho môi trường ngày càng ô nhiễm nặng nề, đất bị bạc màu, ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất cây trồng. Do đó, việc thực hiện mô hình tạo phân compost từ rác hữu cơ đã giúp người dân biết cách biến rác thải, phế phẩm nông nghiệp thành sản phẩm hữu ích, giúp giảm chi phí trong sản xuất, tăng thêm nguồn thu nhập, qua đó góp phần hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem