Dân Việt

Chưa có căn cứ khẳng định virus SARS-CoV-2 trên bao bì, nông sản, thực phẩm lây sang người

P.V 19/09/2021 11:26 GMT+7
Trước việc Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long ở một số cửa khẩu do phát hiện virus SARS-CoV-2 trên quả thanh long, nhiều ý kiến cho rằng, chưa có căn cứ khoa học khẳng định virus SARS-CoV-2 trên bao bì, nông sản, thực phẩm lây sang người.

Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long ở một số cửa khẩu, Bình Thuận đề nghị doanh nghiệp làm ngay một việc

Ngay sau khi nhận được thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long ở cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đã có công văn đề nghị các ngành chức năng, hiệp hội tổ chức sản xuất, kinh doanh đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Theo Sở Công Thương Bình Thuận, việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát tại các cửa khẩu phía Bắc đã ảnh hưởng lớn đến tình hình tiêu thụ nông sản, hoa quả, đặc biệt là trái thanh long tươi của Bình Thuận. 

Thế nên để đảm bảo hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc được thuận lợi, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân, Sở Công Thương đề nghị Sở NNPTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận khẩn trương thông báo tình hình đến doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thanh long được biết, giúp các doanh nghiệp, cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất -kinh doanh hợp lý và đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid - 19 theo quy định.

Chính quyền các địa phương trong tỉnh còn tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 tại công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở đóng gói, thu mua thanh long, kể cả tổ chức, cá nhân có hoạt động giao nhận hàng hóa trong sản xuất - kinh doanh trên địa bàn...

Sở Công Thương Bình Thuận cho biết, Sở sẽ tiếp tục theo dõi, trao đổi thường xuyên với Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc để nắm bắt tình hình, kịp thời thông báo, khuyến cáo đến doanh nghiệp, HTX và các đơn vị liên quan về vấn đề này. 

Đồng thời phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thanh long phân chia ra nhiều cửa khẩu, tránh tập trung vào một cửa khẩu để hạn chế hiện tượng ùn tắc hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Thực hư thông tin thanh long Bình Thuận có SARS-CoV-2? - Ảnh 1.

Việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát tại các cửa khẩu phía Bắc đã ảnh hưởng lớn đến tình hình tiêu thụ nông sản, hoa quả, đặc biệt là trái thanh long tươi của Bình Thuận. Ảnh: D.S

Chưa có ca bệnh Covid-19 nào được xác định lây nhiễm qua việc chạm vào thực phẩm, bao bì

Trước đó, Sở Công Thương Bình Thuận nhận được thông tin từ Sở Công Thương Quảng Ninh về việc Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu mặt hàng thanh long Việt Nam qua cửa khẩu ở tỉnh này do phát hiện quả thanh long dương tính với virus SARS-CoV-2.

Do vậy, thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) tạm dừng nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam đến 23h ngày 21/9 tới đây, sau đó mặt hàng thanh long sẽ tự động được thông quan. 

Liên quan đến việc phát hiện SARS-CoV-2 trên bao bì, nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, hiện chưa có căn cứ khoa học nào khẳng định việc virus SARS-CoV-2 trên vỏ bao bì, nông sản, thực phẩm lây sang người.

Trong khi đó, theo báo cáo của ngành y tế, hiện tại, chưa có bằng chứng nào cho thấy việc xử lý thực phẩm hoặc tiêu thụ thực phẩm có liên quan tới Covid-19.

Covid-19 lây lan chủ yếu từ người sang người thông qua các giọt bắn từ đường hô hấp khi ai đó ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.

Một người có thể nhiễm Covid-19 bằng việc chạm vào bề mặt hoặc vật dụng, bao gồm thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm có virus trên đó, rồi lại chạm vào miệng, mũi hoặc có thể là mắt của họ. Tuy nhiên, người ta không cho rằng đây là con đường chính lây lan virus.

Theo các chuyên gia ngành y tế, hiện tại, nguy cơ nhiễm virus từ các sản phẩm thực phẩm, bao bì hoặc túi đựng thực phẩm được cho là rất thấp.

Hiện tại, chưa có ca bệnh Covid-19 nào được xác định là phương thức lây nhiễm là qua việc chạm vào thực phẩm, bao bì thực phẩm hoặc túi đựng hàng.

Dù một số người làm việc trong các cơ sở chế biến và sản xuất thực phẩm đã mắc Covid-19, vẫn chưa có bằng chứng lây lan virus cho người tiêu dùng qua thực phẩm hoặc bao bì mà công nhân tại các cơ sở này có thể đã cầm nắm vào.