Dân Việt

Nông nghiệp Hà Nội: Tăng tốc ngay trong tình hình bình thường mới, phục vụ thị trường cuối năm 2021

Ngọc Quỳnh 23/09/2021 14:25 GMT+7
Các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm như Thanh Oai, Mê Linh, Sóc Sơn, Thường Tín, Phú Xuyên, Ba Vì... vốn đã duy trì nhịp độ sản xuất thời gian qua, nay có thêm cơ hội để tăng tốc, mở rộng sản xuất, bảo đảm nguồn cung nông sản thực phẩm thủ đô Hà Nội.

Vừa chống dịch, vừa phát triển sản xuất

Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn Nguyễn Văn Đông cho biết, mỗi tháng các thành viên cung ứng cho thị trường khoảng 10.000 con gà thịt. Việc sản xuất nông nghiệp gắn với bảo đảm 5K trong phòng, chống dịch Covid-19 với người nông dân khá thuận lợi. Hiện nhiều trang trại đang rất muốn mở rộng quy mô đàn để phục vụ thị trường gà ta dịp cuối năm.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai - Phạm Quang Tuấn thì cho biết: Để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm, huyện Quốc Oai đã xây dựng phương án sản xuất mới, phấn đấu tăng diện tích cây trồng vụ đông lên 1.100ha (tăng 300ha so với năm 2020). Trong đó mở rộng diện tích sản xuất rau trái vụ, rau vụ đông sớm khoảng 150 - 200ha tại vùng bãi và những diện tích chuyên canh rau; đồng thời phát triển một số loại thủy sản ngắn ngày, có năng suất cao như cá rô phi đơn tính, cá chép lai ứng dụng công nghệ cao...

Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội: Tăng tốc ngay khi giao thương thuận lợi - Ảnh 1.

Chăm sóc đàn lợn giống tại Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Nhật Nam

Theo ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội: "Vấn đề với sản xuất nông nghiệp hiện nay nằm ở khâu kết nối giao thương giữa các vùng, không chỉ các vùng 1, 2, 3 trên địa bàn thành phố mà giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác. Bởi chuỗi sản xuất nông nghiệp bao gồm nhiều thành phần ... Để hạ giá thành "đầu vào" của sản xuất nông nghiệp, rất mong thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ...".

Tương tự, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai - Bùi Văn Sáng thông tin: Huyện đã có văn bản yêu cầu 23 HTX nông nghiệp trên địa bàn chủ động xây dựng kịch bản sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới...Thời điểm hiện tại, vựa rau xã Kim An, huyện Thanh Oai đã bắt đầu gia tăng hoạt động. Giám đốc HTX nông nghiệp Kim An - Đỗ Hùng Cường cho biết, diện tích canh tác rau màu trên địa bàn xã là gần 100ha, nông dân bắt đầu xuống giống trồng các loại rau màu vụ đông như cà chua, bắp cải, su hào... Sản xuất nông nghiệp của địa phương vốn là "xí nghiệp ngoài trời", lao động 100% là tại chỗ nên việc tuân thủ các điều kiện phòng dịch như yêu cầu của cơ quan chức năng khá thuận lợi.

Mở rộng giao thương

Chia sẻ với PV Báo NTNN, bà Hoàng Thị Hậu - Giám đốc HTX rau hữu cơ Thanh Xuân, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, thời gian qua các chi phí phát sinh như làm xét nghiệm Covid-19 cho lái xe, quy định giờ, địa điểm giao nhận hàng tại mỗi quận trong vùng 1 có sự khác nhau... làm tăng chi phí lưu thông. Với quyết định điều chỉnh một số biện pháp phòng dịch trên địa bàn thành phố, giao thương giữa các vùng sẽ thuận lợi hơn, doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp có thêm điều kiện để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ở điểm nhìn khác, ông Trần Văn Việt - chủ trang trại chăn nuôi tại huyện Thanh Oai đề xuất: Trong điều kiện bình thường mới, không chỉ các xe chở lương thực, thực phẩm được ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi mà các xe chở nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Giống, vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi... cũng cần được xem xét vào địa bàn khi có đủ các giấy tờ chứng minh an toàn.

Ba Vì là một địa bàn sản xuất nông nghiệp trọng điểm của thành phố với nhiều sản phẩm như sữa, thịt đà điểu, gà, cá, thủy sản..., ông Đỗ Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện kiến nghị: Để bảo đảm lưu thông hàng hóa thuận lợi từ huyện về nội đô, rất mong thành phố quan tâm hỗ trợ địa phương xây dựng các điểm giết mổ tập trung để tiện cho việc tiêu thụ gà, đà điểu... đã qua giết mổ, đóng gói hút chân không an toàn.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền: Thời gian vừa qua, nhịp độ sản xuất tại các phân vùng 2, 3 được duy trì bảo đảm cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản tại chỗ và cho các cơ sở sơ chế, chế biến, chợ, siêu thị... cho vùng 1. Sở Y tế và các địa phương đã ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất, thu hoạch, sơ chế, giết mổ, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản, cung ứng, vận chuyển vật tư nông nghiệp trên địa bàn theo quy định, bảo đảm nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh...