Dân Việt

Hà Nội: Chuyên gia y tế hiến kế phương án nới lỏng sau ngày 21/9

Gia Khiêm 20/09/2021 06:26 GMT+7
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, Hà Nội nới lỏng giãn cách là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, cần căn cứ vào mức độ nguy cơ, nên phong toả ở mức độ gọn, hẹp.

"Hà Nội nới lỏng giãn cách là điều rất cần thiết"

Chiều 19/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy công tác phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến với các sở, ngành, quận, huyện thị xã. 

Ông Tuấn cho biết, sau ngày 21/9, TP Hà Nội sẽ xây dựng phương án phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng nới lỏng từng bước. Đáng chú ý, dự kiến TP sẽ cơ bản cho các công trình xây dựng hoạt động trở lại…

Chuyên gia y tế nói gì việc Hà Nội xây dựng phương án nới lỏng sau ngày 21/9? - Ảnh 1.

Hình ảnh vắng lặng tại phố cổ Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội những ngày giãn cách xã hội (ảnh chụp ngày 2/9). Ảnh: Gia Khiêm

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nhấn mạnh "Việc nới lỏng giãn cách tại Hà Nội là điều rất cần thiết".

Ông Hùng đưa ra dẫn chứng, Hà Nội đã "giãn cách quá lâu" qua 4 đợt kéo dài gần 2 tháng. Nhiều ổ dịch vừa qua khống chế tương đối tốt. Thành công lớn nhất đó là các ổ dịch không bùng phát ra toàn thành phố. Tổng số ca nhiễm Covid-19 giảm đi rất rõ từ lúc cao điểm có ngày hơn 100 ca dương tính, hiện tại còn khoảng 20-25 ca/ngày, chủ yếu khu cách ly, phong toả. 

"Nới lỏng căn cứ vào mức độ nguy cơ. Nếu xã phường nào đang có ổ dịch cần phong toả ở mức độ gọn, hẹp không nhất thiết phải phong toả cả xã hay cả khu phố. Thường những ổ dịch lây nhiễm những người trong hộ gia đình, tiếp xúc gần chứ không lan rộng ra. Việc phong toả cần hẹp nhất có thể để không ảnh hưởng đến đời sống cũng như phát triển, sinh hoạt của người dân", PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho hay.

Chuyên gia y tế nói gì việc Hà Nội xây dựng phương án nới lỏng sau ngày 21/9? - Ảnh 2.

Người dân chốt trực tại ngõ số 2 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội đánh giá, thời gian tới tại Hà Nội có thể vẫn còn xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng, kể cả gỡ bỏ giãn cách thì đâu đó vẫn có thể xảy ra ổ dịch mới. 

"Việc xuất hiện ca nhiễm có thể do chưa loại bỏ hết những ca dương tính không triệu chứng trong cộng đồng. Thứ 2, việc giao thoa đi lại nhất là những người từ vùng dịch về Hà Nội… Việc xuất hiện những ổ dịch trong thời gian dỡ bỏ giãn cách không có gì lạ. Chính vì vậy, khi nới lỏng giãn cách chúng ta vẫn phải kiểm soát, không tụ tập đông người,… người dân đi lại, giao tiếp vẫn phải tuân thủ nghiêm 5K", ông Hùng lưu ý.

Chuyên gia y tế nói gì việc Hà Nội xây dựng phương án nới lỏng sau ngày 21/9? - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, Hà Nội nới lỏng giãn cách là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, cần căn cứ vào mức độ nguy cơ, nên phong toả ở mức độ gọn, hẹp. Ảnh: Nguyễn Chương

Ông cho rằng, trong 10 ngày qua, Hà Nội triển khai chiến dịch xét nghiệm và tiêm vaccine, tập trung người dân để lấy mẫu và tiêm chủng. Những thông tin này cần được lưu ý khi điều tra dịch tễ. Tuy nhiên, cần nhắc lại việc phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên có vai trò quyết định tới việc sớm khống chế hiệu quả ổ dịch.

Chuyên gia y tế nói gì việc Hà Nội xây dựng phương án nới lỏng sau ngày 21/9? - Ảnh 4.

Người Hà Nội đi chợ Cầu Gỗ mua đồ dùng thiết yếu ngày giãn cách. Ảnh chụp 2/9: Gia Khiêm

"Việc này ngành Y tế Hà Nội cần phải làm tốt hơn nữa, cần đẩy mạnh hơn nữa chương trình giám sát chủ động người ho sốt. Bài học không mới, nhưng vẫn cần rút ra từ ổ dịch này đó là người dân có biểu hiện ho sốt nhưng không thông báo với cơ quan y tế mà tự điều trị, người bán thuốc ho sốt. Có người biểu hiện ho sốt nhưng vẫn đi bán hàng online, giao hàng… làm nảy sinh khó khăn trong vấn đề khống chế ổ dịch mới", ông Hùng nêu. 

Theo đó, khi phát hiện ho sốt, triệu chứng nghi ngờ bắt buộc người dân phải thông báo cho cơ sở y tế địa phương để lấy mẫu xét nghiệm sớm. Thứ 2, người bệnh khi phát hiện sớm sẽ có hướng điều trị tốt hơn, không để lại hậu quả nặng nề. Cùng với đó vẫn phải khống chế trường hợp đi từ vùng dịch về, xe vận tải, luồng xanh phải xét nghiệm đầy đủ, vào Hà Nội phải khai báo…. 

Chuyên gia "hiến kế" Hà Nội nên tiếp tục làm gì trong chống dịch Covid-19

Ông Hùng cho rằng, đâu đó sẽ còn có ổ dịch mới nhưng hơn năm qua, Hà Nội cũng có nhiều kinh nghiệm khống chế nên không đáng lo ngại. Hầu hết người dân từ 18 tuổi trở lên tại Hà Nội đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, lộ trình phủ 2 mũi tăng lên từng ngày. 

Chuyên gia y tế nói gì việc Hà Nội xây dựng phương án nới lỏng sau ngày 21/9? - Ảnh 5.

Hình ảnh người dân Hà Nội tiêm vaccine trong đợt tổng lực vừa qua. Ảnh: Phạm Hưng

"Việc dỡ bỏ phong toả trở lại trạng thái bình thường mới một cách an toàn với dịch cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine càng sớm càng tốt, đặc biệt lưu tâm đến đối tượng người già, người mắc bệnh nền. Thứ 2, Hà Nội cần chủ động chương trình giám sát dịch, xét nghiệm những khu vực, đối tượng có nguy cơ cao để tầm soát, phát hiện sớm, xét nghiệm sớm những người có biểu hiện ho sốt. Thứ 3, kiểm soát dịch xâm nhập vào", ông Hùng nhấn mạnh.

Ông cho biết thêm, để sẵn sàng cho tình huống xấu nhất đó là dịch bùng phát cần nâng cao hơn năng lực y tế cơ sở trong việc cách ly người bệnh, hướng dẫn theo dõi người bệnh. Về phía ngành y tế khi đó cũng cần dỡ bỏ việc cách ly tập trung và điều trị F0 không triệu chứng tại bệnh viện.

Chuyên gia y tế nói gì việc Hà Nội xây dựng phương án nới lỏng sau ngày 21/9? - Ảnh 6.

Chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Gia Khiêm

"Việc này cần triển khai sớm để người dân quen với dịch bệnh, bệnh viện tập trung lo cứu chữa trường hợp nặng. Về lâu dài đưa F1 đi cách ly tập trung không đúng mục tiêu sống cùng với Covid-19, không phát huy được vai trò của người dân và gia đình trong việc phòng bệnh, chăm sóc người bệnh.

Theo tôi tìm hiểu, 80% trường hợp nhiễm Covid-19 không triệu chứng. Nếu để những trường hợp này tham gia điều trị tại nhà thì ngành y tế sẽ được giảm tải và khả năng tập trung cứu chữa bệnh nhân nặng hiệu quả hơn rất nhiều. Có như vậy tỷ lệ tử vong sẽ thấp đi. Covid-19 không gây ra hậu quả tính mạng con người nữa thì chúng ta sẽ thắng. Nhìn biểu đồ Hà Nội suốt quá trình hàng tháng nay tôi thấy có khoảng 50% F0 phát hiện trong khu cách ly", ông thông tin thêm. 

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, sau 4 đợt giãn cách xã hội, Hà Nội có chủ trương nới lỏng giãn cách xã hội là hợp lý. Về tiêu chí nới lỏng các hoạt động dựa vào yếu tố dịch tễ như: Số ca mắc trong cộng đồng, đánh giá nguy cơ, tính chất phức tạp của những ổ dịch đang tồn tại.

"Theo tôi nên mở các hoạt động thiết yếu trước, ưu tiên mở các hoạt động ngoài trời sau đó đến hoạt động trong nhà, từ quy mô hoạt động nhỏ đến quy mô lớn. Điều quan trọng nhất trong giai đoạn này là giám sát dịch; phải đánh giá được nguy cơ khu vực, xét nghiệm kịp thời, nếu khu vực có nguy cơ cao phải tiến hành xét nghiệm lặp lại, tốc độ xét nghiệm nhanh hơn tốc độ lây lan. Điều này đòi hỏi năng lực xét nghiệm của ngành y tế Hà Nội phải đáp ứng được các tiêu chí trên", ông Nhung cho hay.

Theo ông Nhung nên phong tỏa, giãn cách theo ổ dịch, không giãn cách theo địa giới hành chính. Cụ thể, việc giãn cách theo địa giới hành chính là biện pháp vừa chặt vừa lỏng mà không hiệu quả trong thời gian này. 

Nếu tiếp tục giãn cách theo phường, quận, huyện đồng nghĩa có nhiều người phải thực hiện quy định giãn cách. Tuy nhiên, phương án này không phát huy được hiệu quả của giãn cách xã hội.

"Phong tỏa theo ổ dịch, trên 1 phường có thể có nhiều khu vực vùng đỏ. Trong khu vực này, ngành y tế quét sạch F0 nhiều vòng, mỗi vòng trong vòng 48h. Việc bóc tách F0 cần linh động, bóc tách ngay tại nhà, đưa F0 đến khu cách ly tập trung", ông Nhung thông tin.