Đại gia bất động sản cũng lao đao vì nợ
Agribank Mỹ Đình, Hà Nội vừa phát đi thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ hơn 312 tỷ đồng của công ty TNHH tập đoàn Xuân Lãm - "đại gia" bất động sản Quảng Ninh, trong đó nợ gốc hơn 122 tỷ đồng, nợ lãi hơn 190 tỷ đồng.
Khoản vay của tập đoàn Xuân Lãm được đảm bảo bởi các quyền sử dụng đất, máy móc thiết bị với tổng trị giá 117 tỷ đồng.
Bao gồm: 1 quyền sử dụng đất chung cư diện tích 2.657m2 tại phường Trưng Vương, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; 1 quyền sử dụng đất xây dựng bãi đỗ xe, nhà văn phòng diện tích 12.607 m2 tại phường Thanh Sơn, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; 1 quyền sử dụng đất ở đô thị diện tích 10.556m2 tại phường Trưng Vương, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; 3 máy xúc lật; và 1 xe ủi bánh xích.
Agribank cho biết, toàn bộ khoản nợ được đấu giá theo nguyên trạng (bao gồm nguyên trạng khoản nợ, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn) và theo phương thức "có sao bán vậy".
Đáng chú ý, giá khởi điểm đấu giá khoản nợ được ngân hàng đưa ra là 205 tỷ đồng. Như vậy, so với mức giá khởi điểm đưa ra cách đây 1 tháng là 312,491 tỷ đồng, ngân hàng đã đại hạ giá khoản nợ này tới 34%.
Tập đoàn Xuân Lãm từng là tập đoàn có tiếng ở đất mỏ, được biết đến là đơn vị sản xuất, kinh doanh đa ngành tại Quảng Ninh, đầu tư vào các lĩnh vực vận tải thủy, bộ; kinh doanh cảng thủy nội địa; đầu tư kinh doanh hạ tầng đô thị; dịch vụ thương mại; sản xuất vật liệu xây dựng…
Trong lĩnh vực bất động sản, Xuân Lãm từng được giao làm chủ đầu tư nhiều dự án lớn như Đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư và dịch vụ thương mại tại phường Trưng Vương (11,1ha); Dự án khu đô thị tại phường Trưng Vương (23,57ha); Dự án khu đô thị mới Chạp Khê, phường Nam Khê (37,4ha).
Ngân hàng Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cũng vừa rao bán đấu giá tài sản là khoản nợ của công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội và Agribank Chi nhánh Cầu Giấy.
Theo thông báo của Agribank, mức giá khởi điểm bán đấu giá khoản nợ này là 104,470 tỷ đồng. Đáng chú ý, mới chỉ cách đây 3 tháng (tháng 6/2021) khoản nợ này được Agribank rao bán với giá khởi điểm 425,743 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm của khoản nợ là: Tàu chở dầu Biendong Victory; Trụ sở Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông tại TP.Hải Phòng, gồm toàn bộ căn nhà 6 tầng tại địa chỉ số 86 đường bao Trần Hưng Đạo, phường Đông Hải, Hải Phòng có diện tích xây dựng 170,2 m2, tổng diện tích sử dụng là 747,00 m2; Trụ sở công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông tại TP.HCM, gồm văn phòng làm việc tại địa chỉ 84-86 Nguyễn Trường Tộ, phường 12, Quận 4, TP.HCM (1 tầng hầm + 1 tầng lửng + 8 tầng sử dụng + sân thượng), diện tích xây dựng là 108,95 m2, tổng diện tích sử dụng là 1.168,15 m2,…
Trước đó, BIDV Phú Tài, TP.HCM cũng thông báo đấu giá khoản nợ hơn 1.035 tỷ đồng của công ty CP tập đoàn Khải Vy, doanh nghiệp gỗ sau lấn sân bất động sản với loạt dự án lớn. Giá khởi điểm khoản nợ là gần 755 tỷ đồng, thấp hơn 280 tỷ đồng so với giá khởi điểm được công bố trong lần thông báo đầu tiên ngày 7/6.
BIDV cũng đã có gần 10 lần rao bán khoản nợ của công ty CP kiến trúc và xây dựng Archplus. Đây là khoản nợ liên quan tới ông Trương Việt Bình – được biết đến là người sáng lập thương hiệu thời trang NEM. Giá khởi điểm của khoản nợ được rao bán lần gần nhất là 257 tỷ đồng, tức chỉ bằng với dư nợ gốc. Mức này cũng đã giảm tới một nửa so với đợt rao bán cách đây hơn 3 tháng.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, xu hướng rao bán tài sản thế chấp để xử lý và thu hồi nợ xấu đang ngày càng được đẩy mạnh khi thông báo phát mại tài sản liên tục xuất hiện dày đặc trên trang web của các ngân hàng thời gian qua. Đây là hồi chuông cảnh báo về việc các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính tỷ lệ khá lớn.
"Ví dụ, trong khối tổng tài sản trị giá 150 tỷ đồng của một nhà đầu tư thường có khoảng 50-60 tỷ đồng là vốn vay. Tỷ lệ này có thể an toàn trong bối cảnh bình thường, song trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động kinh tế đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh dịch vụ của nhà đầu tư là chủ doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Dòng tiền trả lãi vay bị "đứt" dẫn đến việc họ bị ngân hàng siết nợ", vị này phân tích.
Còn theo TS.Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng, việc các ngân hàng ồ ạt rao bán tài sản là đất ở và bất động sản nhằm thu hồi nợ được đánh giá là cơ hội khi thị trường tăng cung, nhất là khi mức giá mà các ngân hàng đưa ra thường được nhìn nhận là khá hấp dẫn so với mặt bằng giá thị trường.
Tuy nhiên, chỉ những khoản nợ có tài sản đảm bảo "ngon" sẽ được ngân hàng xử lý một cách dễ dàng. Còn những khoản nợ quy mô lớn, dù có tài sản đảm bảo nhưng phức tạp và đòi hỏi người mua nợ có nguồn lực lớn thì sẽ khó bán. Đó là vấn đề đang khiến các nhà băng "đau đầu" bởi trong những trường hợp này dù ngân hàng "xuống nước" hạ giá nhưng thị trường vẫn khó hấp thụ được trong bối cảnh hiện nay, theo TS.Hiếu.