Là người sinh ra và lớn lên ở vùng quê thuần nông, từ nhỏ anh Quyết đã say mê lao động sản xuất. Tuy nhiên bản thân nhận thấy, vùng quê mình ở có tiềm năng về đất đai, nhưng chưa khai thác hiệu quả, bà con nông dân ở đây chưa mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, anh Quyết đã tiên phong phát triển mô hình chăn nuôi bò vỗ béo với quy mô tập trung 20 con.
Anh Quyết chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ 3 - 5 con bò. Qua tìm hiểu, học hỏi, tôi đã quyết định chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn. Điều này ngoài giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình. Hơn nữa, tôi cũng muốn lan tỏa để hội viên, bà con nông dân trong thôn mạnh dạn làm theo".
Anh Quyết cho biết thêm: Cách đây 5 tháng, xảy ra dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò, gia đình anh có 6 con bị mắc bệnh. Nhưng nhờ nắm vững kiến thức trong chăn nuôi, lại có kinh nghiệm trong điều trị loại bệnh viêm da nổi cục này, nên đàn bò của gia đình anh sau khi được điều trị đã khỏe mạnh trở lại.
Hiện mô hình của anh có 16 con bò thịt và 4 con bò nái, trong số bò thịt có 5 con đã đến thời điểm xuất chuồng, với giá từ 30 - 35 triệu đồng/con.
Tận dụng đất đai, anh Quyết còn trồng cỏ, sản xuất trên 1 mẫu ngô, lúa, từ đó không chỉ chủ động được nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi, mà còn giúp giảm chi phí đầu tư. Từ việc chăn nuôi bò, mỗi năm anh Quyết thu về (thu nhập sau khi trừ chi phí) từ 170-200 triệu đồng.
Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo của gia đình anh đã trở thành mô hình điểm để bà con trong thôn học hỏi kinh nghiệm, làm theo. Từ mô hình của gia đình mình, anh Quyết đã tuyên truyền, vận động, và hướng dẫn hội viên trong chi hội cùng làm.
Noi gương và được chính anh Quyết "cầm tay chỉ việc", anh Nguyễn Văn Hoàn (thôn Tân Thành, xã Tân Hương) cũng đã hình thành nên mô hình kinh tế khá quy mô trên chính mảnh đất quê hương.
Anh Hoàn cho biết: Trước đây cũng có mô hình chăn nuôi bò, gà, lợn và cá, kết hợp với trồng các loại cây ăn quả, nhưng do quy mô nhỏ lẻ, nên hiệu quả kinh tế không cao. Đầu năm 2021, khi được Chi hội nông dân tuyên truyền, vận động, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật, anh đã mạnh dạn mở rộng diện tích vườn đồi.
Đến nay trên diện tích gần 5.000 m2, đã hình thành vườn cây ăn quả, chủ lực là thanh long, kết hợp với 4 ao nuôi cá lóc, và ốc bươu đen. Hiện anh đang hoàn thiện dự án mô hình đa cây, đa con.
Không chỉ gia đình anh Hoàn, trong thôn Tân Thành, xã Tân Hương, hiện có gần 140 hội viên đều có vườn trồng cây ăn quả, hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, có trên 10 mô hình thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Những mô hình còn lại do mới xây dựng, nhưng bước đầu cũng cho thu nhập mỗi năm trên 20 triệu đồng.
Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hương cho biết: Sau 10 năm làm Chi hội trưởng, nhờ những nỗ lực của bản thân, anh Quyết đã thu hút, tập hợp được 90% hội viên tham gia sinh hoạt Hội. Thông qua các tổ, nhóm, câu lạc bộ làm vườn, quỹ tiết kiệm tại chỗ, đã góp phần không nhỏ trong chuyển giao KHKT, hỗ trợ nhau vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Với vai trò của mình, anh Quyết thường xuyên cập nhật, nắm bắt các chủ trương, chính sách mới để kịp thời chuyển tải đến hội viên, nông dân, giúp họ thuận lợi hơn trong quá trình tiếp cận chính sách. Nhờ đó, toàn thôn Tân Thành hiện có 5 hộ đang đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế theo Quyết định 824 về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 của UBND huyện Đức Thọ. Theo đó, mỗi mô hình có quy mô diện tích 5.000 m2 sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng.
"Anh Quyết là người năng động, nhiệt tình, tâm huyết với công tác hội, ham học hỏi, mạnh dạn đầu tư lao động, sản xuất. Đặc biệt, mô hình nuôi bò vỗ béo của anh là một trong những cơ sở để hội vận động hội viên trong toàn xã học tập, nhân rộng".