Nuôi lợn rừng, cho ăn cơm gạo lứt, chè khổng lồ, anh cán bộ xã thu tiền tỷ
Hà Tĩnh: Nuôi lợn rừng, cho ăn cơm gạo lứt, chè khổng lồ, anh cán bộ xã thu tiền tỷ
Lê Minh Tuấn (Hội ND tỉnh Hà Tĩnh)
Thứ sáu, ngày 17/09/2021 17:00 PM (GMT+7)
Về xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh được Chủ tịch Hội Nông dân xã đưa thăm quan mô hình nuôi lợn rừng của gia đình anh Trần Nam Giang ở thôn 10 với quy mô chăn nuôi trên 200 con lợn rừng thịt, hàng năm cho thu nhập sau khi trừ chi phí trên 350 triệu đồng.
Anh Trần Nam Giang hiện là Phó Chủ tịch Mặt trận kiêm Hội Chữ thập đỏ, kiêm Bí thư Chi bộ thôn 10 và là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân xã. Ở cương vị nào, anh Giang cũng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Hiện xã Sơn Trường đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ việc xây nông thôn mới nâng cao. Khi đến nhà anh Giang, chúng tôi phải đợi một lúc lâu anh mới về nhà được vì việc xây dựng nông thôn mới rất bận.
Ngoài giờ hành chính, anh Giang tập trung thời gian cho mô hình nuội lợn rừng. Anh Giang cho biết: Anh bắt đầu nuôi lợn rừng năm 2014. Giống lợn rừng được mua từ bên Lào về sau đó mua thêm lợn đực giống và đổi giống đực để tránh cận huyết, trùng huyết.
Đến nay sau 4 năm, mô hình lợn rừng của anh có 20 con lợn nái sinh sản, 3 con lợn đực giống và trên 200 con lợn thịt, mỗi năm lợn nái sinh sản 2 lứa, bình quân mỗi lứa 10 con.
Chuồng trại nuôi lợn rừng được anh Giang đầu tư bài bản có hệ thống xử lý nước thải có bể lắng, bể lọc được sử dụng chế phẩm sinh học Hatimic. Hàng ngày, phân heo được dọn sạch để ủ phân hữu cơ nên chuồng trại luôn sạch sẽ, không có ruồi muỗi, có bãi thả làm sân chơi cho lợn (theo anh bãi thả càng rộng càng tốt).
Nuôi lợn rừng khỏe, ít tốn công chăm sóc và lợn rừng có khả năng chống chịu bệnh tốt do đó anh không phải tiêm phòng. Thức ăn cũng khá đơn giản từ các loại rau, củ, quả và nấu cơm gạo lứt ủ men 3- 5 ngày là cho ăn.
Một ngày chỉ cho thức ăn tinh một lần, còn lại là cho ăn các loại rau, củ, quả như cỏ voi, các loại rau, trái theo mùa và cây chè khổng lồ (chè đại).
Theo anh Nam, cây chè khổng lồ có tác dụng bổ sung nguồn chất đạm và tốt cho tiêu hóa của lợn.
Anh Nam không cho ăn cám công nghiệp mà thỉnh thoảng mua thêm cá khô, cá tạp về cho ăn để bổ sung chất đạm cho lợn.
Anh chia sẻ thêm một số kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn rừng: Đối với lợn đẻ cho ăn thêm chè cỏ (chè đắng – loại cây trong rừng phụ nữ sau sinh thường đun nước uống) để lợi sữa, tốt bụng cho cả lợn mẹ và lợn con. Sau khi sinh được 2 tháng thì tách đàn để nuôi, lúc này nuôi chung với đàn lợn thịt.
Anh Giang phấn khởi cho biết: "Năm nào tôi cũng bán ra khoảng 200 con lợn thịt. Để đạt độ ngon, lợn phải nuôi được trên một năm mới cho xuất chuồng. Mỗi con nặng khoảng 40kg, mỗi kg lợn hơi bán ra thị trường từ 160.000 đồng".
Từ chăn nuôi lợn rừng, gia đình anh Nam có doanh thu tiền tỷ, thu nhập sau khi trừ chi phí là 350 triệu đồng/năm.
Từ thành công của anh Giang, nhiều nông dân trong xã Sơn Trường đã học hỏi và nhân rộng mô hình nuôi lợn rừng. Trước tình hình đó, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi lợn rừng Nam Giang với 7 thành viên tham gia. Với trách nhiệm Tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi lợn rừng, anh Giang sẽ hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng sản phẩm thịt lợn rừng OCOP của địa phương.
Anh Trần Văn Niềm- Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Trường tin tưởng: Với sự đầu tư bài bản về chuồng trại chăn nuôi, công tác vệ sinh môi trường được đảm bảo sạch sẽ và hướng đi mới trong xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương để nâng chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chắc chắn trong tương lai mô hình chăn nuôi lợn rừng ở địa phương sẽ có bước phát triển hơn nữa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.