Jack Ma (hay Mã Vân) là người đàn ông giàu nhất Trung Quốc. Ông là người sáng lập ra hãng công nghệ lớn Alibaba, và mở ra The Ant Group - cũng là tập đoàn tài chính công nghệ lớn nhất toàn cầu. Đế chế của ông đã đạt được quyền lực rất lớn, sánh ngang với những gã khổng lồ của phương Tây. Giá trị của Alibaba có lúc còn vượt trên rất nhiều công ty Mỹ, chỉ thua Apple, Amazon và Google.
Xét về danh tiếng, Jack Ma giống như một ngôi sao toàn cầu, là người Trung Quốc nổi tiếng nhất. Hai công ty do Jack Ma sáng lập giống như một biểu tượng, tạo ra một "thời đại của Jack Ma" - theo truyền thông Trung Quốc tung hô.
Bước vào giai đoạn cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, Alibaba bắt đầu lớn mạnh và Jack Ma xuất hiện trên các áp phích và màn hình tivi ở các cửa hàng tiện lợi, sân bay và phòng chờ đường sắt khắp Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình từng là một trong số các quan chức chính phủ ủng hộ Jack Ma. Ông từng khuyến khích các công ty khởi nghiệp, điều này phù hợp với chính sách của Trung Quốc vào thời điểm đó.
Một cựu quan chức Chiết Giang nhớ lại rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã khuyến khích các công ty như Alibaba mở rộng quy mô vì họ có lợi cho đất nước. Năm 2007, ông Tập Cận Bình rời Chiết Giang về làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Theo báo chí chính thức, ông đã đến thăm Alibaba và hỏi: "Liệu có thể phát triển đến Thượng Hải không?".
Ông Porter Erisman, người từng là Phó Chủ tịch của Alibaba từ năm 2000 đến năm 2008 nói rằng tại một cuộc họp được tổ chức tại trụ sở chính của công ty vào năm 2003, các quan chức chính phủ đã có ý đề cập đến những lo ngại về dự án mới nhất của ông Jack Ma có tên là Taobao. Nền tảng này cho phép mọi người có thể trực tiếp bán hàng trên mạng.
Nhưng sau đó, cùng với thành công, Jack Ma ngày càng tự tin và cũng trở nên táo bạo hơn. Ông đã thúc đẩy tuyên truyền mạnh mẽ về Alipay, một dịch vụ thanh toán trực tuyến được tạo ra cho nền tảng thương mại điện tử của Alibaba, ngay cả khi dịch vụ này đe dọa sự thống trị của các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc.
Những khó khăn của Ant Group - một công ty liên kết của Tập đoàn Alibaba đến vào thời điểm Chính phủ Trung Quốc bắt đầu "chỉnh đốn" lại khu vực tư nhân, phạt tiền và mở cuộc điều tra đối với nhiều doanh nghiệp tư nhân, buộc nhiều công ty công nghệ như "ông trùm" về đặt xe trực tuyến Didi Global Inc. và chủ sở hữu TikTok ByteDance… phải hoạt động gắn với lợi ích quốc gia. Các công ty này có lượng vốn và dữ liệu người dùng lớn, quy mô rộng đến mức chính phủ khó kiểm soát.
"Ngày hôm đó, Jack Ma đã vượt qua cái ranh giới vô hình vốn phân định cái gì nên và không nên nói ra", nhà phân tích về Trung Quốc Chrisitina Boutrup đánh giá. Boutrup từng có dịp phỏng vấn Jack Ma - người đứng đầu tập đoàn Alibaba và tin rằng chính Ma cũng bất ngờ về hậu quả bởi nếu biết trước cơ sự đến mức này, chắc chắn ông sẽ không mạo hiểm.
"Ngày hôm đó" mà Christina Boutrup nhắc tới chính là ngày 24/10/2020, thời điểm Jack Ma có phát ngôn gây sốc khi chỉ trích hệ thống ngân hàng Trung Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh Tài chính Thượng Hải lần thứ 2.
Khi đó, ông Ma phê bình các ngân hàng Trung Quốc đang hoạt động với tâm lý của "tiện cầm đồ", ý nói tới cơ chế chỉ dựa vào thế chấp tài sản khi cho vay khiến một số công ty phải thế chấp toàn bộ những gì họ có, gây áp lực rất lớn. Không chỉ vậy, ông còn cho rằng chính quyền đang kìm hãm nỗ lực đổi mới, "dùng cách quản lý ga tàu để vận hành sân bay" trong thời buổi thế giới bước vào nền tài chính điện tử.
Vài ngày sau, đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá hơn 34 tỷ USD của công ty công nghệ tài chính (fintech) Ant Group thuộc sở hữu của Alibaba bị tạm hoãn. Kể từ đó, Ant Group buộc phải tái cấu trúc hoạt động kinh doanh.
"Kìm cương con ngựa" là một thuật ngữ hiện tại rất nổi tiếng ở Trung Quốc, dùng để chỉ quá trình chính phủ Trung Quốc dần phá vỡ thế lực của Jack Ma. Và quá trình ấy vẫn chưa kết thúc. Từng bước một, đế chế hùng mạnh của Jack Ma bị tước đi sự ảnh hưởng nhất định.
Đầu tiên phải kể đến thương vụ lên sàn (IPO) của tập đoàn Ant. Đó là thương vụ IPO đáng lẽ đã đạt kỷ lục thế giới. Bởi trước đó, thương vụ IPO lớn nhất thuộc về Alibaba vào năm 2014, trong khi Ant đã vượt qua cột mốc ấy tới 40%.
Quy mô khủng khiếp ấy thậm chí cũng không thể lột tả hết toàn cảnh bức tranh của đợt mở bán này. Nó trở thành một hiện tượng tài chính thực sự với giá trị cổ phiếu trong thị trường riêng đã tăng đến 50% trước ngày hiệu lực, trong khi lượt đăng ký cao hơn quy định đến 80 lần. Tạp chí Wall Street gọi đây là "cuộc tranh giành trị giá 3 nghìn tỉ (đô)". Còn bản thân Jack Ma, ông nhận định đây cũng là lần IPO lớn nhất trong lịch sử loài người.
Nhưng khi đã chọc vào tổ kiến lửa, ắt sẽ bị cắn. Đợt IPO ấy bị hủy bỏ, Ant được yêu cầu phải ngưng IPO và trở thành tập đoàn trực thuộc quản lý của ngân hàng trung ương. Theo sau đó, Ant dần bị loại bỏ, khi các lĩnh vực tài chính bên trong được tái cấu trúc, hoạt động với các đối tác mới.
Các tài sản giá trị nhất của Ant cũng đã bị để ý - chính là dữ liệu của khách hàng tới từ hàng tỉ giao dịch được thực hiện. Các chuyên gia công nghệ cho biết khối dữ liệu khổng lồ này là một lợi thế cạnh tranh khủng khiếp mà Ant có được, để dễ dàng vượt qua các ngân hàng truyền thống trong việc đưa ra các quyết định cho vay tín dụng.
"Ant được yêu cầu phải từ bỏ thế 'độc quyền thông tin' với lượng dữ liệu khách hàng khổng lồ" - theo thông báo của ngân hàng trung ương.
Một quan chức chính phủ tham gia vào công tác giám sát quản lý liên quan cho biết ông Jack Ma lẽ ra nên giữ thái độ khiêm tốn, thực hiện nhiều biện pháp hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp chính phủ và chia sẻ lợi nhuận doanh nghiệp nhiều hơn với xã hội.
Trong khi đó, một số người cũng lên tiếng bênh vực ông, cho rằng ông đang hành động rất giống các "ông trùm" công nghệ phương Tây, đó là thúc đẩy đổi mới, theo đuổi sự thống trị thị trường, tạo ra sản phẩm mới, kêu gọi nới lỏng quy định và sau đó mới là kiếm tiền.
Trước đó, vào tháng 9/2015, tại một buổi tọa đàm chuyên đề ở Seattle, Chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ, với sự tập hợp các nhà quản lý cấp cao từ các công ty nổi tiếng của hai nước Mỹ và Trung Quốc, trong số đó cũng có Jack Ma và bà Ginni Rometty, khi đó là Giám đốc điều hành của IBM, lúc đó mỗi người có ba phút để phát biểu. Ngoại trừ Jack Ma, những người khác đều hoàn thành bài phát biểu trong thời gian quy định.
Theo những người có mặt, bài phát biểu của Jack Ma kéo dài 10 phút và chủ yếu nói về cách Trung Quốc nhìn thế giới và những biện pháp mà các công ty Trung Quốc có thể thực hiện để cải thiện quan hệ Mỹ-Trung. Tuy nhiên, đây là lần cuối cùng Jack Ma được mời nói chuyện với những người khác trước các nhà lãnh đạo Trung Quốc.