Alibaba "bốc hơi" 380 tỷ USD, tài sản của tỷ phú Jack Ma lao dốc khó tin

Huỳnh Dũng Chủ nhật, ngày 19/09/2021 08:54 AM (GMT+7)
Sau khi tự mình chỉ trích hệ thống ngân hàng Trung Quốc là “tiệm cầm đồ” hồi tháng 10/2020, tỷ phú Jack Ma đã đưa đế chế Alibaba đi vào một trang sử sóng gió liên hồi, mãi tới năm 2021 mọi thứ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Bình luận 0

Cú phát ngôn gây sụp đổ cả một thành trì Alibaba kể từ khi ra đời hai thập kỷ trước đây

Vào ngày 24/10/2020, tại Hội nghị Thượng đỉnh Tài chính Thượng Hải lần thứ 2, Jack Ma có phát ngôn gây sốc khi chỉ trích hệ thống ngân hàng Trung Quốc là "tiệm cầm đồ". Ở đây, ý ông nói tới cơ chế chỉ dựa vào thế chấp tài sản khi cho vay khiến một số công ty phải thế chấp toàn bộ những gì họ có, gây áp lực rất lớn. Không chỉ vậy, ông còn cho rằng chính quyền đang kìm hãm nỗ lực đổi mới, "dùng cách quản lý ga tàu để vận hành sân bay" trong thời buổi thế giới bước vào nền tài chính điện tử.

Phát ngôn khiến tỷ phú Jack Ma 'trả giá' bằng 35 tỷ USD. Ảnh: @AFP.

Phát ngôn khiến tỷ phú Jack Ma 'trả giá' bằng 35 tỷ USD. Ảnh: @AFP.

"Ngày hôm đó, Jack Ma đã vượt qua cái ranh giới vô hình vốn phân định cái gì nên và không nên nói ra", nhà phân tích Trung Quốc Chrisitina Boutrup nhận định.

Điều gì đến cũng phải đến, giới truyền thông cho rằng phát ngôn trên đã làm phật lòng giới lãnh đạo và khởi động cho chuỗi ngày khó khăn đối với không chỉ Jack Ma mà còn cả tập đoàn Alibaba. Điển hình ngay sau đó, startup tài chính Ant Group - công ty anh em của Alibaba buộc phải hủy đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu trị giá 35 tỷ USD. 

Nối tiếp "trận đòn" này, vào năm 2021, Alibaba lại rơi vào vòng xoáy chia cắt kinh doanh từ chính quyền Trung Quốc, cổ phiếu thì rớt thảm hại, cũng như vì thế mà tài sản của ông chủ Jack Ma cũng trôi tụt không phanh.

"Chia rẻ để dễ trị"

Theo thông tin mới nhất, các cơ quan quản lý Trung Quốc muốn chia tách Alipay- siêu ứng dụng hơn 1 tỷ người dùng thuộc sở hữu của Tập đoàn Ant của Jack Ma ở mảng kinh doanh cho vay lợi nhuận cao, và buộc ứng dụng phải chia sẻ dữ liệu người dùng với chính quyền Trung Quốc, đồng thời cũng tạo ra 1 công ty riêng cho hoạt động kinh doanh các khoản cho vay có lợi nhuận cao. 

Trước đó, Ant Group được yêu cầu tách riêng 2 mảng kinh doanh cho vay Huabei và Jiebei ra khỏi tập đoàn. Ngoài ra, nhà chức trách cũng yêu cầu công ty phải thu hút thêm các cổ đông bên ngoài.

Trung Quốc muốn chi phối mảng cho vay của Alipay. Ảnh: AFP.

Trung Quốc muốn chi phối mảng cho vay của Alipay. Ảnh: @AFP.

Kế hoạch lần này của chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu Ant Group chuyển dữ liệu người dùng cho 1 liên doanh chấm điểm tín dụng mới có sở hữu nhà nước. Động thái này nhằm chấm dứt sự độc quyền của các công ty công nghệ lớn, đặc biệt trong việc kiểm soát dữ liệu người dùng.

Tập đoàn Ant của Jack Ma đấu tranh với các nhà quản lý để giành quyền kiểm soát liên doanh chấm điểm tín dụng mới nhưng theo thỏa thuận đạt được, các công ty nhà nước, bao gồm Tập đoàn Đầu tư Du lịch Chiết Giang sẽ nắm giữ phần lớn cổ phần. Việc thiết lập liên doanh mới buộc Ant Group phải chờ đợi ý kiến chính quyền khi đưa ra quyết định quan trọng.

Vì thế, tập đoàn của Jack Ma cũng mất khả năng đánh giá độc lập mức độ tín nhiệm của người vay. Điều này có thể làm chậm hoạt động kinh doanh cho vay của Ant Group vốn đang phát triển thần tốc trong suốt thời gian qua.

Alibaba bay màu 380 tỷ USD giá trị vốn hóa chỉ sau 1 năm

Gần đây nhất, cổ phiếu tập đoàn này cũng giảm mạnh trên sàn Hong Kong (Trung Quốc) ngay sau thông tin Bắc Kinh có thể sẽ chia tách ứng dụng thanh toán Alipay - ứng dụng thanh toán khá phổ biến thuộc sở hữu của công ty công nghệ tài chính Ant Group.

Cụ thể, giá cổ phiếu Alibaba (BABA) đã giảm tới 7% trên sàn Hong Kong (Trung Quốc) trước khi ghi nhận mức giảm tổng cộng 4,2% vào cuối phiên ngày 13/9.

Đáng chú ý, cổ phiếu công ty này đã giảm 46% kể từ đầu tháng 11/2020, khi các cơ quan quản lý Trung Quốc đình chỉ đợt IPO khổng lồ của Ant Group vào phút cuối, thổi bay khoảng 380 tỷ USD giá trị thị trường của Alibaba. Ant Group được tách khỏi Alibaba vào năm 2011 nhưng Alibaba vẫn sở hữu một phần ba công ty fintech này.

Cùng với đó, việc Trung Quốc ban hành một quy định mới yêu cầu các công ty công nghệ lớn ngừng chặn liên kết của nhau cũng được dự báo khiến cổ phiếu Alibaba tiếp tục lao dốc.

ack Ma đã khiến vốn hóa Alibaba bốc hơi 380 tỷ USD sau 1 năm, các mảng kinh doanh lớn lần lượt bị cắt xé, giá cổ phiếu liên tục sụt giảm trong thời gian gần đây. Ảnh: AFP.

Jack Ma đã khiến vốn hóa Alibaba bốc hơi 380 tỷ USD sau 1 năm, các mảng kinh doanh lớn lần lượt bị cắt xé, giá cổ phiếu liên tục sụt giảm trong thời gian gần đây. Ảnh: AFP.

Những đòn giáng bất ngờ từ chính quyền Trung Quốc đã khiến Alibaba Group Holding của tỷ phú Jack Ma cũng chịu ảnh hưởng nặng nề sau những quyết định kiểm soát từ chính quyền Trung Quốc. Trong danh sách 10 công ty có giá trị thị trường cao nhất Đông Á, Alibaba từ vị trí thứ 2 tụt xuống thứ 3 khi giảm 32% giá trị xuống còn 440,6 tỷ USD.

Lần đầu tiên từ năm 2012 Alibaba chịu lỗ vì án phạt kỷ lục

Vào ngày 13/5/2021, Alibaba công bố kết quả kinh doanh quý IV của năm tài chính 2020 với khoản lỗ hoạt động 1,17 tỷ USD, mà theo Bloomberg nguyên nhân trực tiếp gây lỗ là do khoản phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD. Lỗ ròng của tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc vào quý I/2021 tính đến hết ngày 31/3/2021 vào khoảng 852 triệu USD. Đây là lần đầu tiên từ năm 2012 Alibaba chịu lỗ.

Tỷ phú Jack Ma - Chủ tịch tập đoàn Alibaba được đánh giá là người vừa có trí tuệ vừa có tham vọng. Ảnh: @AFP.

Tỷ phú Jack Ma - Chủ tịch tập đoàn Alibaba được đánh giá là người vừa có trí tuệ vừa có tham vọng. Ảnh: @AFP.

Jack Ma mất hàng chục tỷ USD vì cú đòn của Bắc Kinh

Theo thống kêu từ Bloomberg Billionaires Index, kể từ khi Ant Group của Jack Ma hủy đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) hồi tháng 11/2020 đến nay, tài sản của Jack Ma lao dốc 13,2 tỷ USD trong cùng giai đoạn đó, hiện còn 48,8 tỷ USD (tính đến tháng 8/2021).

Còn nếu tính riêng từ đầu năm 2021 tới nay, tỷ phú Jack Ma đã mất 6,9 tỷ USD tài sản, nhưng không nằm trong top 10 tỷ phú mất mát tài sản nhiều nhất thế giới.

"Vẫn còn khá nhiều bất ổn ở Alibaba", tờ Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Andy Halliwell thuộc hãng tư vấn Publicis Sapient nhận định. "Chưa rõ những gì Jack Ma đã làm hồi năm ngoái có ảnh hưởng lâu dài đến thương hiệu của Alibaba và niềm tin của các nhà đầu tư khác hay không", ông Andy Halliwell chia sẻ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem