Sáng 21/9, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, việc Hà Nội mở một số hoạt động cơ sở kinh doanh, dịch vụ là "hoàn toàn đúng đắn", đảm bảo mục tiêu kép "vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, vừa nâng cao công tác phòng chống dịch".
"Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát. Những ngày qua, số ca bệnh trong cộng đồng liên tục giảm, có ngày xuống 1 con số. Đây là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội cũng phải hết sức thận trọng vì dịch bệnh một số tỉnh vẫn phức tạp", ông Phu cho hay.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, việc ở nhà suốt 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội khiến tâm lý người dân "muốn ra ngoài giải toả". Đặc biệt khi ngày 21/9 là Tết trung thu thì việc người dân đổ ra đường, nơi công cộng đông là điều có thể xảy ra.
"Hơn lúc nào hết, người dân hết sức chú ý. Tình hình dịch vẫn phức tạp, chưa thể khẳng định hết các ca trong cộng đồng. Đơn cử như ổ dịch phường Việt Hưng, quận Long Biên, mới đây ghi nhận 13 ca dương tính chưa rõ nguồn lây… Hay chùm 4 ca bệnh trong cùng gia đình ở chung cư Park View Tower - Đồng Phát, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai...
Người đi từ vùng dịch về khó quản được hết nên nguy cơ vẫn còn. Chính vì vậy, chúng ta không nên chủ quan. Càng lúc này, người dân càng phải nâng cao cảnh giác. Mỗi người chủ quan lơ là thì dịch bệnh lại bùng lên. Lúc đó mọi nỗ lực lại phải làm từ đầu, lại giãn cách, phong toả…", ông Phu nhấn mạnh.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đưa ra lời khuyên mọi người phải nghiêm chỉnh thực hiện tốt quy định, Chỉ thị của thành phố, bán hàng nghiêm chỉnh. Những ổ dịch còn lại phải phong toả chặt, nhỏ, hẹp nhất có thể để không ảnh hưởng đến cuộc sống, an sinh của người dân.
Trước đó, tối ngày 20/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành văn bản thành phố áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế cho đến khi hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 trên địa bàn.
Từ ngày 21/9, các cơ quan, công sở, công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (trừ cơ quan trung ương; các lực lượng vũ trang; lực lượng chống dịch và cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế) bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc theo nguyên tắc 50/50 (50% tại trụ sở và 50% sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà).
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức trực tiếp của các cơ quan, đơn vị hoạt động bình thường, đảm bảo kịp thời.
Các cơ sở được mở lại gồm: Cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn; cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông; dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa; cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội; cửa hàng cắt tóc, gội đầu; dịch vụ kinh doanh, sửa chữa, rửa xe ô tô, xe máy, phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng...
Cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; vật tư, vật liệu xây dựng; kinh doanh trên các sàn điện tử thương mại, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến, cũng trong diện được hoạt động. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống chỉ bán hàng mang về và đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Thành phố cho phép xe môtô, xe hai bánh tham gia ứng dụng công nghệ chạy trở lại. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này chỉ bố trí không quá 50% số lượng phương tiện hoạt động. Người giao hàng phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, khai báo y tế hàng ngày.
Thời gian hoạt động của xe môtô, xe hai bánh vận chuyển bưu gửi, hàng hóa và xe tham gia ứng dụng công nghệ từ 9h đến 22h hàng ngày…