Dân Việt

Áp thấp nhiệt đới nguy cơ mạnh lên thành bão, Hà Tĩnh - Bình Định đối diện mưa lớn dồn dập

P.V 23/09/2021 12:14 GMT+7
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới gần bờ có nguy cơ mạnh lên thành bão, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định nguy cơ đối diện mưa lớn, với tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm.

Áp thấp nhiệt đới nguy cơ mạnh lên thành bão trong vài giờ tới

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 23/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,9 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển Phú Yên khoảng 230km, cách bờ biển Bình Định khoảng 210km, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 400km.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão. 

Đến 22 giờ ngày 23/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão nên ở vùng biển phía Tây khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2,0-4,0m; biển động mạnh. 

Vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm các huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn và Cù Lao Chàm) gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2,0-4,0m; biển động rất mạnh. 

Ở vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động.

Từ tối và đêm nay (23/9), trên đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có gió giật mạnh cấp 6-8.

Áp thấp nhiệt đới nguy cơ mạnh lên thành bão,  Hà Tĩnh - Bình Định lại sắp mưa to - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động thoát ra hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm. Ảnh" TCPCTT.

Áp thấp nhiệt đới sẽ gây ra một đợt mưa lớn

Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão sẽ gây ra một đợt mưa lớn.

Theo đó, từ nay đến ngày 24/9, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa to đến rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm; các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm. 

Từ ngày 24-25/9 ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm. 

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Sẵn sàng phương án sơ tán dân tại nơi có nguy cơ sạt lở, ngập úng

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, tại cuộc họp sáng nay 23/9, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động thoát ra hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm.

Áp thấp nhiệt đới nguy cơ mạnh lên thành bão,  Hà Tĩnh - Bình Định lại sắp mưa to - Ảnh 2.

Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: nchmf.

Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu xả lũ, đảm bảo an toàn hạ lưu;  bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.