Dân Việt

Bình Thuận: Xuất khẩu thanh long đều đều nhờ thấm nhuần bài học từ thị trường Trung Quốc

Nguyễn Vy 06/12/2021 09:31 GMT+7
Trung Quốc siết chặt kiểm soát các cửa khẩu khiến thị trường thanh long điêu đứng. Thế nhưng ở Bình Thuận, nhiều đơn vị vẫn xuất khẩu thanh long đều nhờ thấm nhuần bài học từ thị trường Trung Quốc.

Thích ứng trong mùa dịch

Huyện Hàm Thuận Nam là vùng trọng điểm có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thanh long. Để chuỗi sản xuất và tiêu thụ thành long không bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp đã sắp xếp lại công việc cho phù hợp tình hình mới. 

Từ khi thực hiện giãn cách xã hội, Công ty xuất khẩu thanh long Bối Trác sử dụng hết công suất của dãy nhà trọ để làm nơi ăn chốn ở cho gần 40 công nhân.

Ông Hỏa Thịnh Thống - Giám đốc Công ty kể, công nhân được bố trí ăn ở tại chỗ nên an tâm làm việc. Công nhân nào từ vùng dịch trở về thì cho tạm ngưng công việc.

Thu mua thanh long xuất khẩu của một doanh nghiệp ở huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thu mua thanh long xuất khẩu của một doanh nghiệp ở huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Công ty chủ động giao dịch với đơn vị vận tải thông qua mạng zalo. Tài xế container đến nhận hàng theo khung giờ định sẵn. Xe ra, vào bốc dỡ hàng hóa đều phải được xịt khuẩn. Hàng hóa sau khi bốc dỡ sẽ thực hiện 1 cung đường 2 điểm đến.

Nhờ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, công ty vẫn duy trì với sản lượng thu mua từ 20-30 tấn thanh long mỗi ngày, cao điểm lên đến gần 100 tấn.

Dù còn khó khăn, công ty vẫn đang nỗ lực đảm bảo chuỗi sản xuất và tiêu thụ thanh long xuất khẩu. 

"Việc này không chỉ giúp khôi phục kinh tế mà còn sẽ chia bớt những nhọc nhằn với nông dân trong lúc dịch bệnh còn phức tạp", ông Thống nói. 

Ông Nguyễn Minh Thi - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hàm Thuận Nam cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 140 cơ sở xuất khẩu thanh long.

Hiện nay, toàn huyện chỉ còn 30% doanh nghiệp hoạt động do nhiều yếu tố từ dịch bệnh đến vấn đề thông quan xuất khẩu gặp khó.

"Huyện có nhiều văn bản yêu cầu các cơ sở thu mua thanh long bố trí lưu trú cho công nhân, đội ngũ tài xế. Các cơ sở phải đảm bảo an toàn mới được sản xuất", ông Thi cho biết.

Liên kết sản xuất thanh long sạch

Bà Nguyễn Ngọc Lệ, một nông dân huyện Bắc Bình cho biết thanh long đang ở giai đoạn cuối vụ mùa và chuẩn bị bước vào vụ chong đèn. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá thanh long thấp và hàng hóa lưu thông rất khó khăn.

Giá thanh long chỉ còn vài ngàn đồng/kg. Có trường hợp thương lái đồng ý với giá 10.000 đồng/kg, gia đình vui mừng cắt bán. Nhưng khi thương lái đến, họ chỉ lựa mua những trái to đẹp.

"Đây không phải là trường hợp duy nhất mà còn nhiều trường hợp trồng thanh long nhỏ lẻ khác cũng vậy", bà Lệ cho biết.

Clip HTX thanh long sạch Hòa Lệ chế biến và xuất khẩu thanh long. Nguyên Vỹ thực hiện

Ngược lại, ở thị trấn Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc), HTX thanh long sạch Hòa Lệ là một trong những đơn vị sản xuất thanh long khép kín từ canh tác, thu hoạch, đóng gói, bảo quản, chế biến và xuất khẩu trái thanh long.

HTX Hòa Lệ có tổng diện tích 35ha, trong đó 5ha đạt chuẩn GlobalGAP, phần còn lại đạt chuẩn VietGAP. Ông Đỗ Thanh Hiệp - Giám đốc HTX cho biết, dù khó khăn thế nào, HTX vẫn cố gắng thu mua hết thanh long của 12 xã viên.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc thông thương qua Trung Quốc gặp khó. Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng, câu chuyện với thị trường Trung Quốc để lại quá nhiều bài học chứ không riêng gì trong mùa dịch Covid-19 hiện nay.

Nhiều cơ sở thích xuất khẩu qua đường tiểu ngạch vì thanh toán nhanh, thủ tục đơn giản hơn xuất chính ngạch. Nhưng xuất tiểu ngạch gặp nhiều rủi ro vì giá cả biến động.   

HTX Hòa Lệ chế biến kem thanh long từ nguyên vùng trồng thanh long sạch. Ảnh: Nguyên Vỹ

HTX Hòa Lệ chế biến kem thanh long từ nguyên vùng trồng thanh long sạch. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tiêu chuẩn chất lượng để được Trung Quốc nhập khẩu cũng không còn dễ dàng. Vùng trồng thanh long của Trung Quốc lại đang tăng nhanh về diện tích. Và thời điểm thu hoạch tương đồng mùa vụ Việt Nam.

Nhờ sản xuất sạch và đa dạng hóa thị trường, thanh long của HTX Hòa Lệ vẫn xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga cho tới Canada, Trung Đông và các nước Đông Nam Á... Thị trường Trung Quốc chỉ là lựa chọn thứ yếu. 

Năm 2020, HTX Hòa Lệ tiêu thụ được gần 6.000 tấn thanh long. "Từ đầu năm 2021 tới nay, dù đầu ra khó khăn, HTX vẫn tiêu thụ được 4.400 tấn", ông Hiệp nói.

Không chỉ xuất khẩu trái tươi, HTX còn đầu tư vào chế biến sâu, giúp đẩy mạnh tiêu thụ thanh long cho xã viên.

Trước đó, HTX Hòa Lệ đã có nhiều loại sản phẩm chế biến như tinh dầu thanh long, thanh long sấy, nước ép thanh long, kẹo dẻo thanh long. Và mới đây, HTX này còn cho ra mắt sản phẩm độc đáo khác là kem tươi thanh long.

HTX Hòa Lệ đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh Bình Thuận. HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho 50-70 lao động với thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng. Ảnh: Nguyên Vỹ

HTX Hòa Lệ đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh Bình Thuận. HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho 50-70 lao động với thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trang trại thanh long Hùng Linh ở xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam) cũng đang trồng 20ha thanh long theo chuẩn GlobalGAP.

Trang trại Hùng Linh còn liên kết với 150ha khác của nông dân khác để xuất khẩu chính ngạch. Các nhà vườn phải tuân thủ theo phương thức canh tác mà trang trại đưa ra.

Trái phải đạt chất lượng GlobalGAP, tuyệt đối không bị dư lượng thuốc BVTV. Nếu sai phạm, doanh nghiệp phải hủy đơn hàng, nông dân phải đền tiền cước vận chuyển.

Ông Trần Quốc Thắng, chủ trang trại Hùng Linh cho biết, đây là điều kiện ràng buộc khi liên kết. Tuy nhiên, với giá thu mua ổn định từ 16.000-20.000 đồng/kg thanh long các loại, nông dân không lo đầu ra.

Hiện thanh long vụ mùa đang gặp khó thì trang trại Hùng Linh vẫn đều đặn thực hiện các đơn hàng xuất chính ngạch. Trung bình mỗi tháng, trang trại xuất khẩu 80 tấn thanh long sang thị trường Úc; 30 tấn sang thị trường Mỹ...

Ông Thắng giải thích, các nước EU và Mỹ, Úc đang mở cửa trở lại, thị trường tiêu thụ tốt hơn. "Và quan trọng là khách chấp nhận giá cao, tăng phí vận chuyển để mua thanh long sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP", ông Thắng nói.

Cuối tháng 8/2021, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thanh long trong và ngoài nước, giai đoạn 2021 - 2025.

Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch đạt từ 50-60 triệu USD/năm trong những năm tới, nâng dần tỷ lệ tiêu thụ nội địa lên mức 22-25% vào năm 2025...

Ông Nguyễn Tám - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận cho biết, bên cạnh việc mở rộng tìm kiếm thị trường chính ngạch, thanh long cần phát triển hiệu quả và bền vững theo tiêu chuẩn an toàn, để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

"Đồng thời, các doanh nghiệp, HTX chủ động sản xuất, mua bán theo chuỗi giá trị. Việc này nhằm ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, giữ uy tín đầu ra và thương hiệu của thanh long Bình Thuận", ông Tám chia sẻ.