Từ ngày 1/10 tới đây, Disney sẽ dừng phát sóng 18 kênh truyền hình, bao gồm các kênh về thể thao Fox Sports, kênh dành cho thiếu nhi Disney Channel… tại khu vực Đông Nam Á và Hong Kong (Trung Quốc). Như vậy, khách hàng của các dịch vụ Truyền hình trả tiền (THTT) tại Việt Nam sẽ không được xem 18 kênh này, mặc dù vẫn phải trả tiền cước hàng tháng như cũ.
Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với nhà biên kịch, chuyên gia truyền thông Châu Quang Phước để làm rõ, đây có phải cơ hội cho các kênh THTT tại Việt Nam bứt phá.
Trong cuộc cạnh tranh giữa OTT và THTT tại Việt Nam, đáng lý khách hàng phải là người hưởng lợi. Thế nhưng thực tế người dùng lại đang phải trả phí không đổi trong tình cảnh bị "cắt kênh". Anh có nhận định gì về vấn đề này?
- Ở góc độ là khách hàng - người dùng trả tiền, hẳn nhiên đó là chuyện không lấy gì làm vui trong quy luật cung cầu thị trường. Thậm chí, một trong những nền tảng THTT lớn nhất tại Việt Nam hiện nay còn cho rằng Disney chỉ là một trong những kênh mà đơn vị này đã và đang cung ứng với người dùng nội địa, trong tổng số hơn 200 kênh trong gói dịch vụ. Quan điểm ấy xem ra hơi thiếu tôn trọng quyền lợi của người dùng, cho dù mỗi người dùng trong thực tế chỉ có sức xem với một số kênh nhất định, trong loại hình dịch vụ THTT với từng bên cung ứng.
Bởi về phương diện tiếp nhận thông tin từ truyền thông đại chúng, vụ việc liên quan Disney thông báo sẽ chính thức chấm dứt phát sóng 18 kênh truyền hình (do Disney sản xuất) tại khu vực Đông Nam Á và Việt Nam. Đương nhiên, sẽ khiến người dùng Việt Nam cực kỳ lưu tâm, đồng thời cũng sẽ quan sát mọi động thái ứng xử của nhà cung cấp được ủy quyền nội địa trong gói dịch vụ này của người dùng.
Không coi trọng về quyền lợi cơ bản đó của bất kỳ người dùng nào, xem ra đấy cũng là một hình thái "cửa quyền" còn sót lại của một số doanh nghiệp Việt, nhất là với các đơn vị Nhà nước. Trong khi, câu "cửa miệng" vẫn luôn là đổi mới tư duy, phục vụ khách hàng trong thời kinh tế thị trường.
Đó chính là một "góc chết" mà người dùng hoặc các đối thủ cạnh tranh từ nước ngoài "sút vào", ắt hẳn doanh nghiệp Việt có lề lối hành xử như thế với khách hàng của mình sẽ phải thua đau, với một kết quả nhìn thấy trước.
Anh có cho rằng, nội dung độc quyền của các kênh truyền hình cáp ở Việt Nam đang quá "èo uột", giữ chân khách hàng chủ yếu vẫn là các kênh nước ngoài và tin tức?
Đó gần như là một thực tế hiển nhiên, khó thể phủ nhận. Thật ra, không riêng gì với truyền hình cáp trả tiền, có một thời truyền hình vô tuyến (truyền hình không dây) miễn phí ở một số vùng miền Việt Nam cũng từng có chủ trương dùng phim bộ nước ngoài để "lấp sóng" là chủ yếu, khi chưa có điều kiện sản xuất chương trình của chính mình.
Điều ấy cũng đáp ứng được trên diện rộng cho nhu cầu giải trí của một bộ phận người dùng trong nước, với loại hình truyền hình miễn phí. Nhưng ngày nay thì phương cách cung ứng dịch vụ như vậy đã qua, chưa kể là với dịch vụ THTT thì người dùng thời đương đại cũng có yêu cầu rất cao, với quyền đòi hỏi hiển nhiên về nội dung phong phú, đa dạng... nhất thiết phải có trong từng chọn lựa, nếu không họ sẽ sớm "chuyển kênh".
Doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị điều gì để đối phó với khả năng "thua toàn tập" trước các kênh OTT như Netflix, Disney?
Tại thời điểm này, phải nhìn nhận là "thế khó" cho nhiều doanh nghiệp Việt trong nước khi muốn tiếp tục đeo bám kinh doanh và phát triển với mảng THTT. Câu chuyện Disney chấm dứt phát sóng 18 kênh truyền hình của họ tại thị trường Việt sắp tới đây, xét ra là một bất lợi hơn là cơ hội cho doanh nghiệp Việt kinh doanh THTT.
Bởi, trong mắt người dùng Việt thì quyền lợi trước mắt là sẽ bị thiệt thòi khi phí dịch vụ vẫn vậy mà số lượng sản phẩm lại bị cắt giảm đi, dù đó hoàn toàn không phải là ý muốn chủ quan hoặc là đường hướng chủ đích từ đơn vị cung ứng dịch vụ trong nước.
Trong nhất thời xem ra nhà cung ứng nội địa (các đơn vị từng có liên quan ủy quyền phát sóng với 18 kênh của Disney tại Việt Nam) cũng khó bù đắp đủ đầy cho người dùng của mình về kênh thay thế. Bên cạnh đó, Disney đã rất chủ động về chiến lược phát triển khi "rút lui chiến thuật" kiểu vậy, trong khi doanh nghiệp Việt lại đang ở thế bị động trong sự kiện liên quan.
Nếu muốn "lật kèo" để tìm kiếm vận hội mới trong "thế trận" cạnh tranh có phần bất tương xứng hiện có giữa THTT nội và OTT ngoại trên "sân nhà", có lẽ các doanh nghiệp Việt đừng cứ hở ra là giở bài cũ bằng cách kêu gọi Nhà nước hỗ trợ hành lang pháp lý để bảo hộ nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp trong nước.
Chẳng hạn, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (Pay TV) đã từng kiến nghị hồi giữa năm 2020, nếu cơ quan chức năng tại Việt Nam chưa có công cụ quản lý hữu hiệu thì tạm thời chưa cấp phép cung cấp dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới của các đơn vị nước ngoài tại Việt Nam, như: Netflix, Iflix, Amazon, Facebook, WeTV, Iqiyi...
Hoặc đại diện VNPT (sở hữu kênh truyền hình MyTV) từng đề xuất, cơ quan quản lý cần áp dụng biện pháp ngăn chặn truyền hình xuyên biên giới phát vào Việt Nam, bằng cách yêu cầu nhà mạng ngừng cung cấp dịch vụ CDN (máy chủ lưu trữ dữ liệu) cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài tại Việt Nam chẳng hạn.
Theo tôi thấy, tất nhiên đấy đều là những đề nghị có phần cực đoan của doanh nghiệp Việt, trong bối cảnh Việt Nam đã "mở cửa" thị trường từ rất lâu. Và quan trọng hơn, người dùng Việt thông thường cũng chỉ quan tâm đến lợi ích thiết thực của những mặt hàng mà họ chọn mua và dùng, ngay trong lĩnh vực giải trí trực tuyến này.
Như thế, "lối thoát hiểm" chứ không đơn thuần là "lối ra" của doanh nghiệp Việt mảng THTT phải là gì kể từ thời điểm có vẻ "bước ngoặt" này, để đủ sức cạnh tranh ngang ngửa ít nhiều với các đối thủ ngoại "nặng ký" tầm quốc tế đã và đang xâm nhập tiếp diễn ở thị trường Việt?
Dường như "đáp án" từ nhiều chuyên gia tư vấn chiến lược trong nước đều có điểm chung là doanh nghiệp Việt nên tập trung phát triển thế mạnh riêng của mình, nếu muốn chiếm thiện cảm về sản phẩm quốc dân với chính người dùng trong nước. Đó chính là việc đẩy mạnh sản xuất nội dung gốc, mang bản sắc văn hóa vùng miền ở nhiều địa phương nói riêng hoặc là bản sắc văn hóa dân tộc tính của người Việt nói chung.
Nhiều YouTuber hoặc Vlog cá nhân của người Việt đã được giới tư vấn dẫn chứng và minh chứng về đường hướng thành công "rực rỡ" như thế, với lượt view luôn tạo hiệu ứng rần rần trên mạng xã hội mỗi khi post nội dung mới.
Thế nhưng, về phương diện tổ chức sản xuất hoặc hoạch định chương trình, có vẻ như các đơn vị kinh doanh lớn khó thể sử dụng mô hình cùng phương cách sản xuất "du kích" như các YouTuber hoặc Vlog cá nhân Việt đang thực hiện (trong thực tế là số chương trình "du kích" thành công trên mạng cũng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, so với số rơi rụng ở sản xuất thực địa trước khi có đường "lên sóng").
Doanh nghiệp lớn ví như thuyền lớn, buộc phải "đánh bắt xa bờ" trên biển rộng sóng lớn, chẳng thể len lỏi, luồn lách vào các ngạch sông lặng sóng để "bắt" thị trường ngách. Nghĩa là, "đừng thấy người ta ăn khoai thì cứ thế vác mai đi đào" mà được, trong chừng mực nào đó của mô hình sản xuất chương trình "local" mang danh nghĩa "thuần Việt" này.
Theo ông, điểm yếu nhất trong khâu sản xuất nội dung gốc của THTT trong nước hiện nay là gì?
Doanh nghiệp lớn trong nước hiện này phải tương đồng với mô hình sản xuất lớn nhằm tận dụng sự đồng bộ về hậu cần (logistics) liên quan, trong bối cảnh đại dịch hiện có tại Việt Nam, xem chừng cũng lại là "gót chân Achilles" mà tại thời điểm này hầu như doanh nghiệp Việt nào cũng phải thúc thủ.
Vốn dĩ lực lượng sản xuất chương trình (phim điện ảnh, phim truyền hình, các chương trình truyền hình...) tại Việt Nam thời gian qua đều là "dùng chung", đặc biệt là với khu vực TP.HCM, giữ vai trò, vị trí cung ứng đội ngũ làm nghề thuộc hàng chủ lực trên cả nước.
Khi đất và người Sài Gòn rơi vào tâm dịch Covid như đã thấy và hiện còn, xuyên suốt hơn 100 ngày qua, mọi sự phục hồi lại như trước dịch sẽ còn là đường dài phía trước. Do vậy, thật khó nói tới chuyện phát triển "thần tốc" để hy vọng chiếm lấy "tiên cơ" với các đại gia OTT ngoại khi liên quan "câu chuyện Disney".
Và đó cũng chính là "cửa hẹp" cho người dùng nội địa về giải trí trực tuyến và truyền hình trả tiền, khi chọn "kèo nội" trong giai đoạn này. Doanh nghiệp Việt nào của THTT trong thời điểm này cũng cứ mơ mộng về một cú hích "hậu Disney", nếu có, là thiếu thực tế. Bởi với những gì hiện có thì đây là một thực trạng buồn, phải chấp nhận và đón nhận theo thế "bình tĩnh sống", chuyện vượt qua là ở giai đoạn về sau, nếu được.
Xin cảm ơn chuyên gia Châu Quang Phước đã chia sẻ thông tin!
Đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền chưa chuyên nghiệp
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng:
"Xét dưới góc độ pháp lý, khách hàng đương nhiệt được hưởng bồi thường, vì ở đây có sự vi phạm thỏa thuận từ phía cung cấp dịch vụ THTT. Lấy ví dụ, khi khách hàng nhận được quảng cáo khi trả 100 nghìn đồng sẽ nhận được quyền xem 100 kênh trong nước và 50 kênh quốc tế, thì rõ ràng nhà cung cấp phải đảm bảo cho khách hàng có đủ số lượng các kênh đấy.
Tuy nhiên ở đây lại có sự "mập mờ", đối với người ít xem như tôi chẳng hạn thì thực tế không nắm rõ được có bao nhiêu kênh đâu mà chỉ xem gói gọn một số kênh mình quan tâm. Khi ký kết, các nhà cung cấp phải có danh sách cụ thể cam kết số lượng kênh và nếu không có khả năng cung cấp đủ, khách hàng sẽ có cơ sở để phạt hợp đồng. Bản thân khách hàng cũng chưa biết tự bảo vệ mình bằng cách yêu cầu thêm điều khoản đó. Khi chưa có điều khoản này, rõ ràng khách hàng không thể nào phạt hợp đồng nhà cung cấp", luật sư Trần Tuấn Anh nói.
Vị luật sư này cũng khẳng định đối với việc đòi bồi thường thiệt hại, khách hàng phải chứng minh rằng bản thân bị thiệt hại khi không được xem số lượng kênh bị nhà cung cấp cắt. Điều này có thể nói là bất khả thi. "Như vậy, có thể khẳng định rằng các nhà cung cấp THTT ở Việt Nam chưa chuyên nghiệp", luật sư này nhận định.
Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự quy định về Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì: "Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác."
Cũng theo quy định tại Điều 608 quy định về Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng: "Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường".