Dân Việt

Tăng nặng xử phạt với vi phạm giao thông đường bộ: "Đánh" vào túi tiền và trách nhiệm người tham gia giao thông

Nguyễn Đức - Bảo Yến 24/09/2021 08:22 GMT+7
Đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp.

Tăng nặng xử phạt là cần thiết?

Như Dân Việt thông tin, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.

Nhiều hành vi vi phạm được đề nghị điều chỉnh theo hướng tăng nặng mức xử phạt. 

Dự thảo tăng mạnh mức xử phạt hành vi chở quá tải vì gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Cụ thể, dự thảo nghị định quy định 3 mức vi phạm chở quá tải từ 10-20%, 20-50% và trên 50% thay vì 5 mức như hiện nay.

Theo đó, vi phạm chở quá tải từ trên 10% đến 20%, mức phạt 2-3 triệu đồng sẽ tăng lên 4-6 triệu đồng.

Chở quá tải từ trên 20% đến 50%, phạt 13-15 triệu đồng (hiện nay phạt 3-5 triệu đồng); chở quá tải trên 50% phạt 40-50 triệu đồng (hiện nay chở quá tải từ trên 100% đến 150% phạt 7-8 triệu đồng; trên 150% phạt 8-12 triệu đồng).

Trao đổi với Dân Việt, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, những hành vi vi phạm về nồng độ cồn, chạy ngược chiều trên cao tốc hiện nay đều bị lực lượng chức năng xử phạt rất mạnh tay, từ vài triệu tới vài chục triệu đồng.

Tuy nhiên, đối với hành vi chở quá tải dù bị lực lượng chức năng xử phạt nhưng nhiều lái xe vẫn tái phạm bởi vì mức phạt chưa đủ răn đe.

Ngoài ra, hành vi trực tiếp chở quá tải cũng có thể được hiểu là đồng nghĩa với hành vi phá hoại đường sá của Quốc gia.

z248686865665528313d2cbfcfd8a459b8507bd2b55107-1620837405854329440816.jpg

Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Bình ra quân triển khai chuyên đề về chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện đường bộ trên địa bàn tỉnh này. Ảnh: Trần Anh

"Các chủ doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện và cả tài xế khi cho xe ra đường đương nhiên họ biết rõ tải trọng xe của mình bao nhiêu. Điều đó có nghĩa họ biết rõ nhưng vẫn cố tình vi phạm. Đây có thể xem là tình tiết tăng nặng trong việc xử phạt. 

Vì vậy, tôi cho rằng việc các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất mức phạt tăng nặng đối với hành vi chở quá tải là cần thiết, có thể tạo được sự răn đe", ông Liên nói.

Tuy nhiên, ở góc độ là chủ doanh nghiệp vận tải nhỏ, anh Đào Viết Thành (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ sự không đồng tình trước đề xuất của Bộ GTVT và cho rằng việc xử phạt như vậy quá nặng đối với lỗi chở quá tải.

"Khi mức phạt tăng lên sẽ hạn chế được việc doanh nghiệp ép xe chở quá tải nhưng lúc đó giá thành vận tải sẽ cao lên đồng nghĩa giá cả hàng hóa cao lên. Cuối cùng thì người hứng chịu vẫn sẽ là người tiêu dùng" – anh Thành chia sẻ.

Ngoài ra, anh Thành cũng lo ngại việc mức xử phạt tăng lên dễ tạo nên những hiện tượng tiêu cực khi thực hiện xử lý vi phạm.

"Mức xử phạt tăng sẽ có rất nhiều tài xế, chủ doanh nghiệp vận tải sẽ "đi tắt" trong việc xử lý vi phạm hành chính giao thông đường bộ. Họ có thể bỏ số tiền nhỏ hơn gửi người xử lý vi phạm để được bỏ qua lỗi. So với mức phạt cao ngất trời thì họ vẫn "lời" hơn" – anh Thành cho biết.

1456986480-vi-pham-giao-thong-4.jpg

Bộ GTVT đề xuất nâng mức phạt từ 200.000-400.000 đồng lên 400.000-600.000 đồng với hành vi không đội mũ bảo hiểm. Ảnh tư liệu, Đàm Duy

Xử phạt nặng gắn liền với trách nhiệm

Ông Phạm Văn Hoà, nguyên Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi gây ra hậu quả, nguy hiểm cho xã hội là rất cần thiết. Bởi nếu không xử lý nghiêm, tạo sức răn đe trước thì nhiều người sẽ lặp lại việc vi phạm, gây bức xúc trong xã hội.

Bộ GTVT cũng đề xuất nâng mức phạt từ 200.000-400.000 đồng lên 400.000-600.000 đồng với hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội nhưng không cài quai đúng quy cách với người đi môtô, xe máy. Tương tự, mức phạt này với người đi xe đạp máy, xe đạp điện cũng đề xuất tăng từ 100.000-200.000 đồng lên 400.000-600.000 đồng.

Hành vi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định, quay đầu xe trên đường cao tốc mức phạt đề xuất nâng từ 6-8 triệu đồng lên 10-12 triệu đồng.

"Tôi lấy ví dụ như việc lái xe dùng biển số giả nhưng hiện nay đang bị phạt chỉ từ 1-2 triệu đồng. Nhưng nếu như dự thảo này đi vào cuộc sống, mức phạt tăng nặng lên 10 lần, tức là phạt khoảng 10-12 triệu đồng thì lại là câu chuyện khác. Khi đó, mức phạt đánh vào túi tiền của lái xe, doanh nghiệp họ phải sợ, phải đắn đo suy nghĩ chứ", ông Hoà nói.

Ông Hoà cho hay, ngoài ra, việc xử phạt tăng nặng lỗi vi phạm này cũng hạn chế được việc lái xe dùng biển số giả để chở khách quá tải, chạy quá tốc độ...

Theo ông Hoà, ngoài việc tăng chế tài xử phạt cho các hành vi vi phạm tải trọng, dự thảo nghị định cần phải quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ hạ tầng giao thông và kiểm tra, xử lý vi phạm tải trọng xe. Có như vậy, các cá nhân mới ý thức trong việc thực hiện quy định của pháp luật.

Cùng quan điểm đó, bạn Hà Liên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: "Với hành vi không đội mũ bảo hiểm, không cài quai mũ bảo hiểm đúng cách… thay vì tăng mức phạt nên áp dụng các hình thức giáo dục ý thức như tham gia các hoạt động công ích, chăm sóc những người bị tai nạn giao thông…".

Tương tự, bạn đọc Nguyễn Văn Thắng (Dĩ An, Bình Dương) nêu quan điểm: "Tôi cho rằng các lỗi nhẹ như cài quai không đúng quy định với xe đạp điện xe máy không nên tăng. Còn các lỗi quá tải, không bằng lái, lách luật phải phạt thật nặng. Cái này liên quan tới an toàn của người khác khi tham gia giao thông, an toàn kết cấu hệ thống đường bộ.

Về răn đe, mức phạt như hiện nay là hợp lí nhưng khi tăng nặng chắc chắn tiêu cực trong khâu thực hiện".