Dân Việt

Giả mạo “Gạo ông Cua” có thể bị phạt tù tới 3 năm

Quốc Hải 24/09/2021 07:30 GMT+7
Dù mới ra mắt hơn một tháng, nhưng sản phẩm "Gạo ông Cua" của cha đẻ gạo ST25 - ông Hồ Quang Cua - đã bị nhiều đơn vị làm giả. Theo luật sư, hành vi làm giả này nếu bị phát hiện sẽ bị phạt tiền rất nặng và có thể bị tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Làm mới bao bì, 5 ngày sau là có hàng giả

Mới đây, doanh nghiệp Hồ Quang Trí đã ra mắt nhãn hàng "Gạo ông Cua" có in hình của ông Cua và tem chống hàng giả, như một cách làm mới sản phẩm gạo thơm ST25. 

Tuy nhiên, sau khi có mặt trên thị trường chưa lâu, đại diện doanh nghiệp đã than phiền về chuyện làm giả nhãn hiệu, bao bì được phát hiện nhan nhản ở một số địa phương.

Giả mạo “Gạo ông Cua” có thể bị phạt tù tới 3 năm - Ảnh 1.

Ông Hồ Quang Cua bên sản phẩm gạo ST25 lúc mới đạt giải gạo ngon nhất thế giới. Ảnh: Quốc Hải

"Cứ sau mỗi đợt bao bì mới vừa chào hàng trên thị trường, chỉ sau 5 ngày các đại lý bán gạo báo về đã có hàng giả, nhái giống y chang", đại diện Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí -  đơn vị sở hữu thương hiệu gạo ST25, than thở.

Ngoài tem chống hàng giả, trên các bao bì sản phẩm của công ty này cũng đều có mã QR code được scan dễ dàng qua camera của điện thoại có kết nối internet. Hoặc có thể scan bằng App Zalo và App iCheck được đảm bảo bằng mã số độc nhất cho từng sản phẩm.

Ngày nay, với nền kinh tế phát triển theo công nghệ 4.0 nên các cá nhân, tổ chức kinh doanh đừng tiếc chi phí bỏ ra ban đầu để đăng ký sở hữu trí tuệ cho thành quả của mình tạo ra, việc này sẽ tốt hơn và đỡ tốn kém hơn chi phí kiện tụng trong quá trình tranh chấp sau này.

Vì vậy các cá nhân và tổ chức nếu không thể tự mình làm được thì nên nhờ luật sư hỗ trợ đăng ký sở hữu nhãn hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và thương hiệu của cá nhân, doanh nghiệp với cơ quan Cục Sở hữu trí tuệ trong nước và cả một số nước trên thế giới...

Luật sư Lê Bá Thường – thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM.

Để tránh mua phải hàng nhái "Gạo ông Cua", đại diện doanh nghiệp Hồ Quang Trí khuyến cáo, người mua hàng có thể check mã QR code. Nếu scan thành công thì toàn bộ thông tin sản phẩm sẽ hiện ra. Ngược lại, nếu không thể hiện được thông tin thì đó là hàng giả.

Công ty này cũng cho biết, ngoài làm tem giả, hình giả, các đơn vị làm hàng nhái còn tạo cả website giả mạo nên người tiêu dùng tốt nhất nên kiểm tra nguồn gốc hàng hóa qua mã QR code trên mỗi sản phẩm.

Ngoài ra, trước mắt, để chống hàng giả, doanh nghiệp khuyến cáo nông dân và người tiêu dùng nên tìm các đại lý bán hàng uy tín trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp khi mua lúa giống hay gạo đóng túi có nhãn hàng nhận diện trên bao bì được công bố.

Có thể bị phạt tù đến 3 năm

Liên quan đến hành vi làm giả "Gạo ông Cua", luật sư Lê Bá Thường, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định: Đây là hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT) đã quy định rõ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó, mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu, hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý (Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ, sửa đổi bổ sung 2019).

Giả mạo “Gạo ông Cua” có thể bị phạt tù tới 3 năm - Ảnh 3.

Gạo ST25 thật mang thương hiệu "Gạo ông Cua" - Ảnh: DNCC

"Hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo như trường hợp của sản phẩm gạo bị làm giả thương hiệu "Gạo ông Cua" sẽ bị xử phạt hành chính là phạt cảnh cáo hay phạt tiền và đồng thời tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm làm giả thương hiệu Gạo ông Cua", luật sư Lê Bá Thường nói.

Giả mạo “Gạo ông Cua” có thể bị phạt tù tới 3 năm - Ảnh 4.

Và gạo giả... - Ảnh: DNCC

Bên cạnh đó, theo luật sư này, hành vi làm giả thương hiệu "Gạo ông Cua" còn bị hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu hàng hoá giả mạo vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như nguyên liệu, vật liệu, phương tiện, máy móc thiết bị để sử dụng sản xuất, kinh doanh làm giả hàng hoá (Điều 214 Luật SHTT, sửa đổi bổ sung 2019).

Về mức xử phạt, theo LS Lê Bá Thường, các cá nhân hay tổ chức có hành vi làm giả thương hiệu, sản xuất, nhập khẩu, buôn bán hàng hóa, sản phẩm vi phạm luật sở hữu trí tuệ sẽ bị phạt hành chính tùy theo giá trị hàng hóa làm giả và tính chất hậu quả sẽ bị phạt, với số tiền tối đa 250 triệu đồng đối với cá nhân.

Và, 500 triệu đồng đối với tổ chức. Hình thức xử phạt bổ sung là bị đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 1 tháng đến 3 tháng. 

Ngoài ra còn bị thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là loại bỏ và tiêu hủy yếu tố vi phạm, thay đổi tên doanh nghiệp, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp. Cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là Quản lý thị trường (Điều 11, 12 và 15 Nghị định 99/2013/NĐ-CP).

Giả mạo “Gạo ông Cua” có thể bị phạt tù tới 3 năm - Ảnh 6.

LS Lê Bá Thường - Ảnh: NVCC

Thậm chí, các cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị xử phạt tội hình sự, nếu cố ý thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp...

Tùy theo số tiền thu lợi bất chính và mức độ vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì đối với cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng và bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội, thì bị phạt tiền từ 2 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm và còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm (Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015).