Ông Hồ Quang Cua muốn bán "con cưng" giống lúa ST25, Bộ NNPTNT nói gì?
Ông Hồ Quang Cua muốn bán "con cưng" giống lúa ST25, Bộ NNPTNT nói gì?
Anh Thơ (thực hiện)
Thứ sáu, ngày 07/05/2021 19:27 PM (GMT+7)
Trước thông tin kỹ sư, anh hùng lao động Hồ Quang Cua, "cha đẻ" giống lúa ST24, ST25 muốn nhượng quyền lại cho Nhà nước, trao đổi với Dân Việt chiều 7/5, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nếu ông Cua có nguyện vọng đó, Bộ NNPTNT sẽ nghiên cứu phương án, giải trình với Chính phủ về vấn đề này.
Video: Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nói về khả năng ông Hồ Quang Cua chuyển nhượng giống lúa ST25 cho Nhà nước.
Trong nhiều cuộc trao đổi với báo chí, ông Hồ Quang Cua, "cha đẻ" giống lúa ST24, ST25 đã được công nhận là "ngon nhất thế giới" muốn nhượng bản quyền giống lúa ST25 cho Nhà nước. Quan điểm của Thứ trưởng về ý tưởng mà ông Hồ Quang Cua đề xuất như thế nào?
- Hiện, phía Bộ NNPTNT chưa nhận được văn bản nào từ phía nhóm tác giả nghiên cứu, lai tạo ra giống lúa ST24, ST25 mà cụ thể là ông Hồ Quang Cua và Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí.
Về bảo hộ quyền sở hữu hai giống lúa này thì Bộ NNPTNT đã có quyết định vào năm 2018 và năm 2020 cho nhóm tác giả, giá trị bảo hộ trong vòng 20 năm.
Tôi có nghe ông Hồ Quang Cua có nguyện vọng muốn bán lại bản quyền giống lúa ST25 cho Nhà nước. Đây là việc chưa có tiền lệ, nhưng nếu thực sự có việc đó thì Bộ sẽ giải trình với Chính phủ về việc này để tìm ra giải pháp bảo vệ cũng như nâng cao giá trị của loại nông sản đã được thế giới công nhận.
Tôi nghĩ khi ông Hồ Quang Cua nghĩ đến việc bán bản quyền lúa giống ST25 cho nhà nước là ông ấy muốn ngày càng có nhiều doanh nghiệp, cá nhân được sử dụng bản quyền giống lúa này.
Và khi là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước thì việc áp dụng các thủ tục hành chính với giống lúa cũng dễ dàng hơn, giống lúa ST 25 được trồng với diện tích lớn hơn, sản lượng nhiều hơn để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Thưa Thứ trưởng, trong trường hợp việc chuyển nhượng bản quyền giống lúa ST25 của ông Hồ Quang Cua cho Nhà nước thành công thì nguồn kinh phí để mua bản quyền sẽ lấy ở đâu và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý giống lúa này?
- Như tôi đã nói, đó mới chỉ là nguyện vọng của ông Hồ Quang Cua mà chúng tôi ghi nhận được, hiện Bộ NNPTNT chưa nhận được văn bản nào liên quan đến vấn đề này.
Nhưng nếu có việc ông Cua muốn bán lại, giải trình và được Chính phủ cho phép, Bộ NNPTNT có thể sử dụng kinh phí trong chương trình giống giai đoạn 2021 - 2025 để mua bản quyền. Nếu việc chuyển nhượng hoàn tất có thể giao về cho Cục Trồng trọt quản lý.
Theo Thứ trưởng trong trường hợp bản quyền giống lúa ST25 được chuyển về cho Nhà nước thì việc bảo hộ thương hiệu sẽ được thực hiện hiệu quả hơn không?
- Từ trước đến nay đã có nhiều vụ chuyển nhượng bản quyền giống lúa, giống cây trồng giữa các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp nhưng chuyển nhượng cho Nhà nước thì chưa có tiền lệ.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, khi sản phẩm là sở hữu Nhà nước thì việc khai thác, sử dụng sẽ thuận lợi hơn, vấn đề quản lý năng suất, chất lượng được duy trì trong nhiều năm.
Nếu bản quyền giống lúa ST25 được chuyển nhượng cho Nhà nước, theo Thứ trưởng đây có phải là một bước để chúng ta đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho gạo Việt. Thực tế, đã có nhiều bài học về thương hiệu nông sản Việt rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài nhưng dường như nhiều doanh nghiệp Việt chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Theo Thứ trưởng đâu là giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Việt?
- Phải khẳng định, những năm qua, ngành chế biến và xuất khẩu gạo đã thực hiện tái cơ cấu rất thành công theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, thương hiệu sản phẩm.
Với việc dấu hiệu gạo ST25 có nguy cơ bị đăng ký bảo hộ ở Mỹ, Úc, chúng ta phải căn cứ vào luật pháp quốc tế và trong nước. Khi có dấu hiệu gạo ST25 bị đăng ký ở Mỹ, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã bàn bạc việc sở hữu trí tuệ và bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở Mỹ.
Cụ thể, các ngành chức năng đã hỗ trợ tập thể nhóm tác giả và Doanh nghiệp Hồ Quang Trí phối hợp với Tập đoàn PAN gửi hồ sơ sang Mỹ đăng ký quyền sở hữu gạo ST25.
Tuy nhiên, qua sự việc gạo ST25 bị đăng ký thương hiệu ở Mỹ, Úc cũng cho thấy việc đăng ký bảo hộ thương hiệu phải được các doanh nghiệp quan tâm hơn.
Chúng ta đã hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới nhưng vấn đề hiểu biết, vận dụng luật quốc tế, đặc biệt trong vấn đề sở hữu trí tuệ có hạn. Tới đây, quyền bảo hộ, sở hữu trí tuệ với mặt hàng gạo và nhiều nông sản khác chắc chắn phải có sự hỗ trợ của Nhà nước để bảo vệ nông sản Việt ở thị trường nước ngoài.
Năm 2020, giá trị xuất khẩu nông sản đạt tới 41,54 tỷ USD, nếu không coi trọng vấn đề bản quyền, doanh nghiệp có thể bị mất mát rất lớn.
Đã có nhiều doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, tiền bạc theo đuổi các vụ kiện về bản quyền, do vậy, cần thông tin, tuyên truyền cho các doanh nghiệp hiểu hơn về vấn đề bản quyền, đăng ký bảo hộ sản phẩm ở những thị trường trọng điểm để đi vào thị trường quốc tế một cách chắc chắn.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Cuối tháng 4/2021, dư luận xôn xao bởi thông tin có 4 doanh nghiệp ở Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại thị trường Mỹ.
Ngày 3/5 vừa qua, Bộ Công Thương tiếp tục cung cấp tới báo chí thông tin Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD (Australia) nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ST 24, ST 25 kèm nội dung là "Gạo, Gạo ngon nhất thế giới".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.