Chia sẻ tại cuộc họp ứng phó với mưa lũ sau bão số 6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, sáng 24/9, Đại tá Nguyễn Đình Hưng, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, lực lượng bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố trong vùng ảnh hưởng của bão từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi đã kêu gọi các tàu thuyền vào ven bờ tránh trú trước 20h tối 24/9. Trước đó, 149 tàu thuyền trong vùng nguy hiểm của bão đã di chuyển được vào bờ để tránh trú an toàn.
Tối 23/9, 1 Tàu cá BĐ 91549TS trên đường vào cảng Đề Ghi (Bình Định) bị tàu hàng Thái An đâm chìm vào lúc 19h15, cách bờ 2,7 hải lý (5km), trên tàu có 3 ngư dân, đã cứu được 1 ngư dân. Hiện đang huy động có 4 tàu cá và 3 tàu hàng tổ chức tìm kiếm 2 ngư dân còn lại.
Về thông tin tàu cá Bình Định bị đâm chìm trên đường di chuyển khỏi vùng nguy hiểm của bão số 6, đại tá Hưng cho hay: Sau khi tiếp nhận thông tin về sự cố, Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định đã huy động một phương tiện của đơn vị cùng 4 phương tiện của ngư dân tham gia tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, theo cập nhật đến 7h ngày 24/9, 2 ngư dân mất tích vẫn chưa được tìm thấy.
"Các lực lượng đang tập trung ở hiện trường để mở rộng phạm vi tìm kiếm 2 ngư dân mất tích", ông Hưng nói.
Đại tá Nguyễn Đình Hưng cho biết lúc 20h30 tối 23/9, Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định tiếp nhận thông tin về sự cố đâm va giữa 2 tàu. Tuy nhiên, thời điểm này, hiện trường có gió mạnh cấp 6-7, sóng lớn, trong khi đồn biên phòng chỉ có 1 xuồng nên không thể hoạt động trong điều kiện thời tiết như vậy.
Ngoài ra, từ chỗ ngư dân bị nạn đến bờ chỉ cách 5km, nhưng từ nơi bị nạn đến đồn biên phòng cách khoảng 16km. Do điều kiện thời tiết nguy hiểm, bộ đội biên phòng đã phải cơ động bằng đường bộ xuống khu vực neo đậu tàu thuyền để tuyên truyền, vận động ngư dân hỗ trợ phương tiện tìm kiếm cứu nạn.
"Công tác ứng cứu mất hơn 2 tiếng từ lúc nhận tin đến lúc xử lý là do điều kiện thời tiết và phương tiện không đảm bảo nên không thể nhanh hơn được", thượng tá Hưng nói.
Ngoài sự cố tàu chím, tính đến thời điểm này đã 15 nhà ở Quảng Ngãi bị tốc mái, hư hỏng. Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục rà soát, xác minh tổng hợp thiệt hại sau bão số 6.
Thông tin về diễn biến mưa lớn do hoàn lưu bão số 6 gây ra, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đêm 23/9, bão số 6 đi vào đất liền khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Nam và suy yếu nhanh thành vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 24/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào.
Sức gió mạnh nhất giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/h). Trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km.
Ngày 24/9, vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi còn có gió giật cấp 6-7, Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, phía Nam Vịnh Bắc Bộ có nơi cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao từ 2,0-3,0m; biển động.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 6, khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 80-150mm, có nơi trên 150mm. Từ ngày 24-25/9, ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm, có nơi trên 200mm.
Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam từ ngày 24-25/9, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 30-60mm/24h, có nơi trên 80mm/24h. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Ông Vũ Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết bão số 6 hình thành rất nhanh ngay ở thời điểm gần vào sát bờ, do đó gây khó khăn cho công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Ông Thành đề nghị các địa phương theo dõi sát diễn biến mưa lũ sau bão, thông báo kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Bộ Đội biên phòng của địa phương phối hợp với địa phương và ngư dân khẩn trương, tiếp tục tìm kiếm 2 ngư dân bị mất tích.
Các tỉnh gấp rút kiểm tra, đánh giá thiệt hại, tâp trung sửa chữa nhà ở bị hư hỏng, sớm ổn định sinh hoạt của người dân; san gạt, sửa chữa đảm bảo giao thông và khắc phục kịp thời hậu quả do bão, mưa lũ gây ra.
Theo dõi chặt chẽ lưu lượng đến các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước để chủ động vận hành điều tiết và triển khai cá biện pháp đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng.
Sẵn sàng triển khai phương án di dời dân đảm bảo an toàn về người và tài sản, đồng thời an toàn phòng dịch Covid-19. Triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực nguy cơ ngập sâu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông trên các trục chính. Duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu.