Người thân đội mưa lớn đến đón những công dân ở ổ dịch Thanh Xuân Trung đi cách ly trở về. Clip: Nguyễn Chương
Sáng 24/9, trời Hà Nội mưa như trút nước. Từng chiếc xe buýt chở công dân ổ dịch phường Thanh Xuân Trung hết cách ly tập trung (khu ký túc xá Đại học FPT, huyện Thạch Thất) về nơi ở đã đăng ký.
Xe buýt dừng lại bên trong Trung tâm Văn hoá, Thể thao quận Thanh Xuân. Từng người mặc đồ bảo hộ kín mít bước xuống xe. Được trở về sau 21 ngày cách ly, tâm trạng ai nấy đều hồ hởi. Họ không về khu vực ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi ngay mà sẽ đến khu khách sạn, nhà người thân để cách ly tại nhà thêm ít ngày. Khu ngõ trên hiện chưa hết thời gian phong toả.
Lon ton ôm chiếc máy tính xách tay theo cha mẹ và chị gái bước xuống xe, em Đặng Hồng Ngọc (6 tuổi, ở ngõ 328 Nguyễn Trãi) ngơ ngác nhìn xung quanh. Cả nhà bé Ngọc lỉnh kỉnh đồ đạc ra xe máy người thân đã đợi sẵn từ trước.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Đặng Thuỳ Linh (23 tuổi, chị gái Ngọc) cho biết, thời gian qua, gia đình có 4 người phải ở tại khu cách ly. Ở đó cuộc sống có chút xáo trộn vì mọi công việc phải gác lại do dịch bệnh. Thế nhưng may mắn đến nay không ai trong nhà chị bị nhiễm Covid-19.
"Mấy hôm trước gia đình tôi lo lắm vì toà bên cạnh ở khu cách ly liên tục có ca dương tính SARS-CoV-2. Cứ 3 ngày nhân viên y tế lại đến xét nghiệm một lần. Cũng may đến giờ phút này, sau hơn 21 ngày, cả nhà đều khoẻ mạnh", chị Linh cho hay.
Theo chị Linh, ở khu cách ly chị được bố mẹ giao nhiệm vụ kèm cặp em gái học online. Bé Ngọc năm nay bắt đầu chương trình học lớp 1. Khu cách ly mạng internet kém nên phải đăng ký mạng 3G, tốc độ đường truyền yếu.
"Hai chị em tôi dùng chung chiếc máy tính. Ngoài thời gian em học tập thì tôi sử dụng để làm việc. Giờ cả gia đình tôi sẽ về nhà ông bà ngoại ở huyện Thanh Trì tiếp tục cách ly tại nhà ít ngày. Khi nào khu ngõ hết thời gian phong toả gia đình tôi sẽ trở về. Được về nhà người thân sau chuỗi ngày trong khu cách ly cũng vui rồi", chị Linh chia sẻ thêm.
Cùng về với anh trai trên chuyến xe sáng nay, chị Nguyễn Hà My (25 tuổi, ở ngõ 330 Nguyễn Trãi) ngồi nán lại ở trung tâm chờ người thân tới đón. Chia sẻ với PV Dân Việt, chị My kể gia đình có 4 người ở toà nhà B, khu ký túc xá Đại học FPT.
"Những ngày ở khu cách ly, cuộc sống, chế độ ăn uống sinh hoạt của gia đình tôi đều rất ổn. Mọi người cũng nhận được sự quan tâm của cán bộ, nhân viên khu cách ly. Tuy nhiên, toà tôi ở có hơn 50 người trên tổng số 117 người nhiễm Covid-19. Điều này khiến tôi và mọi người trong gia đình vô cùng lo lắng, ở yên trong phòng. Mẹ tôi lo đến mất ăn mất ngủ", chị Hà My kể.
Theo chị Hà My, thời gian cách ly đã hết, tuy nhiên khu ngõ gia đình chị sinh sống vẫn chưa hết phong toả. Gia đình có chuyện buồn nên chị My cùng anh trai đăng ký nguyện vọng về trước. Bố mẹ chị ở lại khu cách ly đến ngày 29/9 mới về nhà.
"Nhà có người mất nên anh em tôi về trước nếu không ở trên khu cách ly là an toàn nhất. Giờ chúng tôi sẽ về nhà ông bà nội ở phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng ít ngày cho tới khi khu vực mình ở dỡ phong toả", chị Hà My nói thêm.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Hồng Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, trong sáng nay xe buýt sẽ đưa 65 người từ khu cách ly về tập kết tại Trung tâm Văn hoá, Thể thao quận Thanh Xuân sau đó người thân của họ đến đón.
"Trước đó, theo kế hoạch của của UBND quận Thanh Xuân từ ngày 1-4/9, chúng tôi đã đưa 1.165 công dân đến khu cách ly tập trung Trường đại học FPT và Học viện Quốc phòng An ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội), huyện Thạch Thất. Những người sức khoẻ yếu ở lại khu vực phong toả ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi. Theo dự kiến đến 0h ngày 29/9 khu vực ngõ trên mới hết thời gian phong toả.
Tuy nhiên, sau 21 ngày cách ly, nếu công dân nào có nguyện vọng đăng ký về trước chúng tôi sẽ sắp xếp xe đưa đón. Trong hai ngày qua chúng tôi đã đưa gần 100 người về. Còn khoảng hơn 800 người có nguyện vọng ở lại đến ngày 29/9 khi nhà họ ở hết lệnh phong toả", ông Thắng thông tin.
Ông Thắng cũng thông tin thêm, việc đưa người dân lên khu cách ly tập trung đã ngăn chặn được lây nhiễm chéo trong ngõ, từng bước giúp ngăn chặn dịch bệnh tốt hơn.