Chị Lê Thị Ngọc Trân (quận Phú Nhuận, TP.HCM) bắt đầu làm vườn sân thượng cách đây 10 năm. Nhớ lại thời gian đầu mới bắt tay vào làm vườn, chị Trân kể, công đoạn vận chuyển đất lên vườn là vất vả nhất
"Sân thượng ở trên tầng 4 , vợ chồng phân công nhau, mỗi người vác bao đất lên một lầu, người này khiêng người kia nghỉ. Mỗi bao đất nặng 30 kg. Lối lên cầu thang thì hẹp, vì vậy, phải rất khó khăn hai vợ chồng mới vận chuyển xong 50 bao đất lên sân thượng", chị Trân kể.
Trên sân thượng rộng 20m2, chị Trân bố trí khu vực hợp lý để trồng rau và cây ăn quả. Ai cũng phải trầm trồ, thán phục vì chị "mát tay" trồng được ranh xanh tươi tốt, cây ăn trái từ ổi, cóc, roi, nho, quýt đường, khế ngọt, mận, chuối, dưa ... loại nào cũng sai trĩu trịt cành.
Chị Trân vui vẻ kể: "Hai gốc táo của vợ chồng mình năm nay thu hoạch được hai vụ, mỗi vụ hơn 30 kg. Dưa chuột có vụ mình thu hoạch được 50 kg, nặng muốn sập cả giàn.
Không phải chỉ có đất rộng mới trồng các loại cây ăn quả, trồng trong chậu nếu biết cách thì cây cũng cho năng suất cao và cây có sức đề kháng tốt".
Chị Trân vui vẻ cho biết, hai vợ chồng chị cùng nhau làm vườn, vừa làm vừa chia sẻ với nhau những điều trong cuộc sống, về chuyện công việc, gia đình, con cái. Thậm chí, mảnh vườn còn là nơi kết nối tình cảm vợ chồng trong những lần "chiến tranh lạnh".
"Có lần mình giận ông xã không muốn nói chuyện. Anh ấy ở trên sân thượng gọi điện giục lên thu hoạch quả chín. Vì háo hức nên mình đi lên, hai người bàn luận một hồi thì hết giận lúc nào không hay".
Khu vườn càng trở nên có ý nghĩa với gia đình chị Trân hơn bao giờ hết trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khi không được đi ra ngoài.
Nhờ có khu vườn nhỏ trên cao mà gia đình chị cảm thấy bớt "cuồng chân", có không gian giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi, yên tâm về bữa ăn hằng ngày khi có rau trái đầy đủ trong vườn.
Về đất trồng: chị Trân dùng đất sạch Tribat khoảng 30kg trộn với xơ dừa, phân bò, phân trùn quế và trộn thật đều theo tỉ lệ 2 đất, 1 xơ, 1 phân bò đã xử lý, 1/2 phân trùn quế.
Ngoài ra. chị Trân bón thêm bã cà phê, trộn với đất hay rang lên lần nữa rồi rải quanh gốc vừa tốt cho cây vừa phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, đặc biệt là kiến, chị còn dùng than đập dập rải xung quanh gốc.
Bí quyết chăm sóc cây ăn quả của chị nằm ở công đoạn tỉa nhánh ngọn, giữ cho cây thấp vừa, phát tán cây theo hình nấm, không cho cây phát triển quá cao, đặt nơi ánh nắng trực tiếp nhiều.
Đối với cây ổi, khi đâm nhánh ra hoa, chị mạnh tay đếm từ bông lên 4 lá hai bên cắt ngang cho cây tập trung nuôi trái mà không phát triển lá thân nữa.
Với táo, chị rạch nhẹ thân và sau 2 vụ, chặt ngang thân chính chừa khoảng 30 - 40cm từ gốc lên để cây ra nhánh mới sai trái và to hơn.
Cây cóc, lựu thì thì phát tán lá, tỉa bớt và lưu ý tưới nhiều nhưng phải thoát nước tốt để tránh vàng lá, chết cây.
Với dưa lê, dưa hấu, chị ngắt đọt bẻ bớt nhánh cho cây dây leo tỉa nhánh. Khi leo được khoảng 40cm hạ dây xuống đất cho bám rễ phụ tiếp tục phát triển.
Chị Trân lưu ý thêm, khi cây đang ra hoa, tuyệt đối không bón phân và tưới nước nhiều, chỉ tưới vừa đủ ngày 1 lần.
Nắng nóng quá có thể tưới thêm lần nữa và chỉ tưới vào sáng sớm hoặc chiều tối, tránh tưới buổi trưa khiến cây có hiện tượng rụng bông. Chỉ bón phân và tưới nhiều vào thời điểm trước khi ra bông, khi cây đã đậu quả.
Cùng ngắm thêm "trang trại" trên không của gia đình chị Ngọc Trân:
( Ảnh trong bài do NVCC)