Mất 2 tháng vác đất từ dưới nhà lên sân thượng tầng 5
Với niềm đam mê cây cối, anh Nguyễn Văn Giàu ( 30 tuổi, TP HCM) đã biến khoảng sân thượng rộng 60m2 trên tầng 5 thành vườn cây ăn trái sai trĩu quả.
Thời gian đầu, khi mới bắt tay vào làm vườn trên sân thượng, anh Giàu mỗi ngày vác một vài bao đất lên sân thượng tầng 5, phải mất 2 tháng trời công việc vác đất mới hoàn thành, mua sắm các vật dụng như thùng nhựa, giàn,... tốn gần 20 triệu đồng.
Để giải bài toán về việc trồng cây sân thượng, anh Giàu chú ý khâu chống thấm nước từ khi xây dựng nhà. Anh cho biết, phải kê cao các chậu trồng cây để thoát nước tốt, quét dọn thường xuyên, khơi các đầu thoát nước để rác, nước không ứ đọng trên sân thượng.
Anh chia sẻ bí quyết để làm vườn sân thượng khoa học, không bị quá tải, đó là cần phân bổ trọng lượng cây đều khắp mặt sân, thấp hơn tải trọng thực tế tính theo mỗi m2, không dồn cục bộ một chỗ để tránh làm nứt kết cấu nhà ở.
Trên sân thượng anh Giàu trồng khoảng 50-60 gốc dưa, mỗi vụ kéo dài 3-4 tháng cho thu hoạch khoảng 1-1,5 tạ. Ngoài ra, nhờ được chăm sóc khoa học, tỉ mỉ mà các loại cây ăn trái khác trong vườn cũng mang lại năng suất cao, 2 cây táo cho 20kg trái/vụ, giàn nho trĩu trịt muốn gãy cong cả giàn, chanh, táo, ổi..,đều hái mỏi tay không hết.
Bí quyết trồng cây bội thu của anh "nông dân sân thượng"
Chia sẻ kinh nghiệm anh cho biết, đất trồng cây ăn trái phải tơi xốp, thoát nước tốt để tránh gây ngập úng cho rễ cây. Bên cạnh đó, phải bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của từng loại cây.
Dưới đây là gợi ý cụ thể của anh Giàu về cách trồng cây trên sân thượng:
Về giàn trồng: Mọi người tự đo đạc và thiết kế theo sở thích riêng của mình, sau đó mua vật tư về lắp ráp.
Thùng trồng: Có thể sử dụng hai loại thùng là thùng nhựa đặc 200l và thùng HS019 70l để trồng các loại cây ăn trái dài ngày, bên cạnh đó dùng các loại chậu nhựa dung tích khoảng 15l để trồng các loại dưa lưới, dưa lê và cà chua..
Mọi người không nên khoan lỗ ở dưới đáy mà nên khoan ở bên hông thùng, cách đáy khoảng 5cm để giữ lại môt lượng nước cho cây sử dụng khi trời nắng và hạn chế rửa trôi phân bón khi gặp trời mưa.
Đất trồng: Sử dụng đất sạch giàu dinh dưỡng, phối trộn với các loại tro trấu, xơ dừa và vỏ đậu phộng cho tơi xốp theo tỉ lệ 6-4 hoặc 7-3, sau đó trộn thêm một ít phân trùn quế, vôi bột và nấm đối kháng Tricodema rồi ủ tầm 7-10 ngày là có thể đem trồng.
Các loại phân bón: Dùng các loại phân có nguồn gốc từ hữu cơ như phân viên nén dạng tổng hợp, phân trùn quế, phân cá và một số loại phân tự ủ để giúp đất màu mỡ và cây trồng luôn đủ dinh dưỡng để phát triển khoẻ mạnh, cho năng suất cao..
Làm vườn trở thành môn giải trí trong mùa dịch
Khi nói về thành quả, anh Giàu chia sẻ: "Cảm giác trồng cây ra trái rất hạnh phúc, chắc không có môn giải trí nào rẻ tiền mà hiệu quả bằng trồng cây quanh nhà. Chính tay hái trái bí mình trồng để nấu canh, hái trái táo chùi chùi đưa miệng cắn thật không có gì bằng. Nếu nói về giá trị chắc là vô giá".
Đặc biệt, trong những ngày giãn cách xã hội, hôm nào anh Giàu đều lên sân thượng 3 lần để chăm sóc cho vườn cây. Thi thoảng, anh hái ít cà, sung, ổi, khi lại vài quả bí xuống phục vụ cho bữa ăn hằng ngày.
Bởi vậy, bạn bè anh thường đùa rằng, anh chính là đại gia, trong khi mọi người khá vất vả đi mua rau quả thì anh chỉ cần việc bước lên sân thượng mấy bước là có đủ rau trái ăn.
"Làm vườn trong những ngày dịch bệnh cũng giúp mọi người xả stress, vừa tập tính kiên nhẫn, vừa tập thể dục, vừa tạo môi trường xanh và đẹp cho gia đình vượt qua đại dịch", anh Giàu tâm sự.
Cùng ngắm thêm vườn cây trái trên sân thượng tầng 5 của gia đình anh Giàu:
Vui lòng nhập nội dung bình luận.