Dân Việt

Vì sao cùng trồng lá tía tô, nơi cho không, còn tía tô Bắc Ninh xuất Nhật đếm tiền tỷ?

Thu Hà 24/09/2021 18:24 GMT+7
Lá tía tô là loại rau gia vị quen thuộc của người Việt và được bán phổ biến khắp các chợ với giá rất rẻ, chỉ từ 1.000-2.000 đồng/mớ, thậm chí nhiều nơi còn cho không. Thế nhưng, một trang trại ở Lương Tài, Bắc Ninh trồng lá tía tô xuất khẩu sang Nhật lại bán tía tô 700 đồng một lá.

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến: "Chuyển đổi số nông nghiệp: Không thể chậm trễ" do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay tổ chức ngày 23/9, Thạc sỹ Dương Tôn Bảo - Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: Việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua các sàn thương mại điện tử là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thời, giúp hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã… trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường.

Vì sao cùng trồng lá tía tô, nơi cho không, còn tía tô Bắc Ninh xuất Nhật đếm tiền tỷ? - Ảnh 1.

Thạc sỹ Dương Tôn Bảo –Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại toạ đàm: Tại sao lá tía tô Bắc Ninh xuất Nhật lại có giá rất cao, 500 - 700 đồng/lá. Đó là do lá tía tô Bắc Ninh đã đáp ứng tiêu chí của người Nhật để xuất khẩu sang thị trường của họ. Ảnh: Trần Quang.

Ông Dương Tôn Bảo cho rằng: Người nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ phải đưa vào chuỗi sản xuất hàng hoá. Chúng ta không đơn thuần chỉ bán sản phẩm như trước đây mà cần phải bán cả giá trị sản phẩm.

"Tại sao nhiều mặt hàng nông sản có giá bán rất cao nhưng vẫn rất nhiều người mua. Tôi lấy ví dụ cụ thể: Ở bên Nhật có những quả dưa chúng ta đọc báo thấy có giá 2 triệu đồng/quả. Nhưng thực ra chúng ta phải hiểu được là khi họ minh bạch được quy trình sản xuất từ giống đến khi thành phẩm thì ai cũng thấy giá trị của họ rất xứng đáng.

Vì sao cùng trồng lá tía tô, nơi cho không, còn tía tô Bắc Ninh xuất Nhật đếm tiền tỷ? - Ảnh 2.

Mô hình trồng tía tô xuất Nhật trong nhà màng tại Lương Tài, Bắc Ninh. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Hiện tại, ở Việt Nam đã có những sản phẩm chất lượng như vậy. Tôi lấy ví dụ cụ thể: Một trang trại ở Lương Tài, Bắc Ninh trồng lá tía tô xuất khẩu sang bên Nhật để chế biến gỏi hải sản sashimi có giá trị kinh tế rất cao. Tại sao lá tía tô Bắc Ninh xuất Nhật lại có giá rất cao, 500 – 700 đồng/lá tía tô. Đó là do lá tía tô Bắc Ninh đã đáp ứng tiêu chí của người Nhật để xuất khẩu sang thị trường của họ.

Vì sao cùng trồng lá tía tô, nơi cho không, còn tía tô Bắc Ninh xuất Nhật đếm tiền tỷ? - Ảnh 3.

Một lá tía tô Bắc Ninh xuất sang Nhật có giá rất cao, 300 – 500 đồng/lá. Ảnh: T.L

Như vậy, chúng ta đã chủ động trong việc xác định thị trường, chủ động trong đáp ứng tiêu chí trong quá trình sản xuất. Kết quả, chúng ta đã bán được giá trị của sản phẩm với giá tương xứng"- ông Dương Tôn Bảo chia sẻ.

Tại toạ đàm, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: Khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, tất nhiên đích cuối cùng là sản phẩm đấy được tiêu thụ mạnh mẽ.

Nhưng ngành Thông tin và Truyền thông còn xác định một giá trị khác nữa là minh bạch sản phẩm và coi đây là kênh hiệu quả quảng bá sản phẩm.

Ông Bảo cho biết thêm: Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông với thế mạnh về công nghệ đã liên kết với Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương xây dựng sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn, nhằm nâng tầm giá trị và thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Kết quả tỷ lệ tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử thu về khá ấn tượng.

Chỉ trong vòng 1 tháng với việc đẩy mạnh truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng, đặc biệt là trên mạng xã hội và hệ thống thông tin cơ sở ở 63 tỉnh thành có hơn 9 triệu lượt truy cập quan tâm đến sản phẩm vải thiều Bắc Giang.

Đáng chú ý, năm nay cũng là lần đầu tiên ghi nhận nông sản Việt được xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng thương mại điện tử do Việt Nam phát triển và vận hành.

Vì sao cùng trồng lá tía tô, nơi cho không, còn tía tô Bắc Ninh xuất Nhật đếm tiền tỷ? - Ảnh 5.

Các khách mời tham gia toạ đàm trực tuyến: "Chuyển đổi số nông nghiệp: Không thể chậm trễ"

Ngày 22/6/2021, hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn xuất khẩu GlobalGAP đã được sàn thương mại điện tử voso.vn xuất khẩu và thông quan thuận lợi tại cảng sân bay Frankfurt (Cộng hòa Liên bang Đức), đáp ứng đầy đủ tiêu chí về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nước sở tại và được giao tận tay bà con kiều bào tại Đức, Cộng hòa Czech.

"Vừa qua, Bộ Thông tin Truyền thông đã ban hành 1 kế hoạch truyền thông tổng thể, hướng dẫn cho 63 tỉnh, thành, trong đó giao cho Sở Thông tin truyền thông địa phương là đơn vị đầu mối hỗ trợ bà con nông dân, Sở NNPTNT, Sở Công thương trong việc truyền thông chủ động các sản phẩm đặc sản ở địa phương mình. Chúng ta không bị động mà chủ động truyền thông để tạo ra giá trị sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng" - ông Dương Tôn Bảo cho biết.

Lá tía tô xuất Nhật được trồng tại một trang trại nhà kính hiện đại rộng hơn 11ha của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm Bắc Ninh ở Lương Tài, Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Xuân Bằng - Giám đốc dự án trồng lá tía tô xanh xuất khẩu sang Nhật Bản, cho hay: Tía tô là mặt hàng nông sản nhỏ nhưng với thị trường Nhật lại cực kỳ tiềm năng. Theo tính toán, nếu áp dụng đúng theo quy trình này thì một hécta trồng tía tô sẽ cho thu hoạch khoảng 17-18 triệu lá, doanh thu tầm 2,5 tỷ đồng.

Tất nhiên, theo ông Bằng, không phải lá tía tô nào cũng có thể xuất khẩu sang Nhật, bởi thị trường này cực kỳ khó tính. Trang trại của ông phải đạt chuẩn theo đúng quy trình phía Nhật yêu cầu mới có thể xuất khẩu.

Ví như, giống tía tô phải nhập khẩu hoàn toàn từ Nhật Bản, đất trồng được xới bằng tay, tưới nước bằng hệ thống phun sương, dùng đèn chiếu sáng để đảm bảo nhiệt độ lúc nào cũng duy trì ở ngưỡng 33-35 độ C cùng hệ thống quạt thông gió trong nhà kính,...

Tía tô sẽ cho thu hoạch sau một tháng trồng. Song, không phải lá nào cũng có thể xuất khẩu được. Chỉ những lá tía tô thứ 7 của cây, với kích thước 6-8cm, không rách, mới được phía đối tác chấp nhận.

Sau khi thu hoạch, lá được đưa vào phòng lạnh phân loại, xếp thùng theo đúng số lượng khách hàng yêu cầu. Sau đó, lá được đưa vào nhà lạnh ở 10 độ C để lá cứng, giữ được độ tươi và chuyển đến Nhật qua đường hàng không. Thông thường, từ khi rời cây ở Việt Nam đến bàn ăn của người Nhật, quy trình thu hái, vận chuyển lá tía tô chỉ tầm 24 tiếng.