Trong những ngày qua, từ khóa "Thảo Cầm Viên" gây chú ý vì hình ảnh các nghệ sĩ kêu gọi đóng góp cho các con thú ốm o, đói kém trong mùa dịch. Là bởi suốt 5 tháng tạm ngưng hoạt động, các nhân viên phải túc trực "3 tại chỗ" để chăm sóc các con thú và thảm thực vật, thậm chí còn bớt ngày lương để có tiền mua thức ăn cho chúng. Mới đây, đại diện Thảo Cầm Viên xin UBND TP.HCM hỗ trợ kinh phí để vượt qua giai đoạn này.
Sở Thú hay Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã trải qua 157 năm tọa lạc tại trung tâm quận 1, TP.HCM, gắn liền với rất nhiều thế hệ sinh viên, học sinh. Nơi đây hiện đang chăm sóc hơn 1.500 cá thể động vật thuộc 125 loài và 900 loài thực vật, là vườn thú lớn nhất nước thu hút nhiều du khách.
Ở đây còn có các loài thú hiếm như trĩ sao, chà vá, vượn má vàng, hươu vàng, báo lửa, báo gấm, hổ trắng Bengal, hà mã châu Phi, khỉ râu bạc…
Những ai sống ở thành phố này từ bé cho đến khi lớn lên, trong ký ức luôn lưu trữ hình ảnh đến khám phá Sở Thú, thăm hươu cao cổ, ngựa vằn, hổ, báo gấm, sư tử, rồi cho voi ăn mía… Đặc biệt là những chú khỉ nghịch ngợm thích làm trò, bẻ chuối rất "sành điệu", hay những chú hà mã phun nước khì khì, những con hổ tư lự nằm ườn ra sưởi nắng hay những con trăn cuộn mình trông rất hiền lành nhưng cũng đủ làm bọn trẻ giật thót vì sợ.
Rồi những chuyến xe điện chở mọi người đi một vòng công viên, thăm các loài kỳ hoa dị thảo, đến khu vui chơi cho trẻ em, check-in chụp ảnh trong các vườn lan và đặc biệt, cả gia đình trải chiếu hóng mát, bày thức ăn dưới bóng cây cổ thụ.
Và với những người già sống lâu ở Sài Gòn, Thảo Cầm Viên là một trong các mảng xanh cổ thụ được thiết kế từ thời Pháp, giờ còn giữ lại được với bóng cây Sala nở hoa yên bình.
Ấy vậy mà nhiều người còn nhớ, có một đêm ngủ dậy, cả thành phố náo loạn vì hổ báo... sổng chuồng. Vào năm 2006, cơn mưa giông lớn làm cây đổ, đè lên mái nhà, 2 chú báo gấm mỗi chú nặng chừng 30kg… đi lạc. Cả vườn thú nháo nhác trong đêm, may mà chú báo gấm chưa vượt qua tường rào sát bên để ra ngoài đường, liền được đội ngũ y tế "tặng" ngay liều thuốc mê để... về chuồng.
Còn trước đó, vào năm 1986, cũng tại nơi này, một chú hổ Đông Dương tên Long đã nhảy ra ngoài do nhân viên quên sập cửa. May mà chú đi loanh quanh rồi lại quay trở lại chuồng của mình.
Cũng còn có chuyện vui là 20 năm trước, có người từng ôm guitar vào chuồng sư tử vì muốn... gẩy đàn cho chúa sơn lâm nghe. Lúc đó, có lẽ do bất ngờ mà chú sư tử kia lim dim cặp mắt không kịp nhìn thấy kẻ đột nhập. May là một nhân viên nhanh trí kéo cửa chuồng ép và dụ chú sư tử vào trong rồi đóng lại. Ở ngoài kia, nghệ sĩ bất đắc dĩ cũng kịp… ngất xỉu vì quá sợ khi nhìn rõ cặp mắt dữ tợn của chú sư tử.
Nhìn các con thú thong dong đi lại ở mảnh vườn 25.000 m2 kia, có ai ngờ một thời gian dài chúng từng bồn chồn, lo lắng khi một phần con đường Lê Thánh Tôn nối dài được mở, âm thanh ồn ào của dòng xe cộ lưu thông lẫn tiếng còi xe nhốn nháo dội lại làm nhiều con thú mất ngủ.
Rồi thành phố từng có quy hoạch đưa Thảo Cầm Viên ra khu đất 140ha ở phường Long Trường, quận 9, và sau này là ra khu đất rộng 500ha ở Củ Chi. Nghe rộng cũng ham, nhưng những con thú đã gắn bó với mảng rừng thực vật nhiều cây xanh ở đây, liệu khi ra vùng đất lạ chúng có trụ nổi?
Hơn nữa, Thảo Cầm Viên đã trở thành địa chỉ thân thuộc của người Sài Gòn nhiều thế hệ, là biểu tượng bảo vệ thảm thực vật, động vật khá tốt.
Chuyện "dời nhà" của 600 con thú gây xôn xao dư luận một thời, tốn giấy mực báo chí. Rất nhiều cuộc họp bàn thảo, các nhà khoa học lên tiếng, cuối cùng, số phận của những con thú được quyết định: Ở lại, không phải di dời ra ngoài ngoại ô.
Rồi có một dạo, báo chí lên tiếng về những con thú ốm o, gầy trơ xương, đi không nổi ở Thảo Cầm Viên, các chuồng bốc mùi vì ít được dọn dẹp vệ sinh, sau đó có đoàn kiểm tra khẩu phần thức ăn và cuộc sống của bọn thú mới cải thiện hơn chút.
Trở lại lịch sử của Sở Thú cách đây 157 năm, tức vào năm 1864, viên đề đốc người Pháp De La Grandière ký nghị định cho phép xây dựng Thảo Cầm viên Sài Gòn (xưa gọi là Vườn Bách thảo) trên vùng đất hoang rộng 12ha ở phía Đông Bắc kênh L'Avanche (hướng cầu Thị Nghè bây giờ).
Một sĩ quan thú y của quân đội Pháp được giao nhiệm vụ thiết kế quy hoạch nơi đây thành một vườn thú, 1 năm sau, công trình hoàn thành. Nhận thấy tầm quan trọng của vườn thú quy mô này, Toàn quyền Đông Dương lúc đó đã mời ông JB.Loius Pierre, người phụ trách chăm sóc thực vật của Vườn bách thảo Calcutta (Ấn Độ) sang làm giám đốc.
Cuối năm 1865, Thảo Cầm viên Sài Gòn mở rộng thêm 20ha, tổ chức nhập khẩu nhiều loài cây nhiệt đới từ châu Mỹ, châu Phi, Đông Nam Á.
Năm 1924, Thảo Cầm viên Sài Gòn tiếp tục mở rộng thêm 13ha qua khu vực phía bên kia kênh Thị Nghè với tên gọi là Vườn Cognag.
Năm 1926, người Pháp cho xây dựng hai công trình độc đáo theo lối kiến trúc cổ phương Tây kết hợp nét hoa văn phương Đông, nay là Đền thờ Vua Hùng và Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.
Điều này cho đến này vẫn khiến nhiều người thắc mắc: Tại sao trong Thảo Cầm Viên lại có Đền thờ, có nên tách ra khỏi khuôn viên nơi này hay không?
Trong thời gian này, Thảo Cầm Viên Sài Gòn được nâng cấp, nuôi dưỡng 509 con thú quý hiếm trong nước và ngoại nhập và được đổi tên thành Sở Thú. Không phải ngẫu nhiên mà Thảo Cầm Viên được xem là một công viên khoa học về tự nhiên lớn nhất Đông Dương và nổi tiếng ở Đông Nam Á thời bấy giờ.
Trong thời gian bị quân Nhật và Pháp chiếm đóng (từ năm 1942-1954), Sở Thú bị lấy làm nơi đồn trú nên nhiều công trình bị hư hỏng nặng. Năm 1956, chính quyền Sài Gòn cũ đã cho tu sửa lại, từ đó Sở Thú đổi tên là Thảo Cầm Viên Sài Gòn.
Đặc biệt, từ năm 1990 đến nay, diện tích nuôi thú tăng lên, Thảo Cầm Viên Sài Gòn liên tục hợp tác với nhiều tổ chức khoa học quốc tế và nhiều vườn thú lớn của các quốc gia như Đức, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan để mở rộng bộ sưu tập động thực vật.
Tại đây có gần 1.100 cá thể động vật thuộc 125 loài khác nhau, và 2.400 cây gỗ thuộc hơn 360 loài… Trong đó có những loài động vật quý hiếm như hổ Đông Dương, hổ Bengal, báo hoa mai, tê giác trắng, hà mã, hồng hạc…
Không chỉ là điểm đến giải trí, tham quan du lịch, học hỏi về thế giới động thực vật, Thảo Cầm Viên Sài Gòn còn là nơi nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý...
Nhiều chuồng thú được cải tạo và mở rộng vào năm 1990 cho phù hợp với đời sống của từng loài thú, đã nâng tổng diện tích chuồng thú sau năm 1975 từ 8.500 m2 lên đến năm 2.000 là 25.000 m2.
Ở chính giữa lối vào cổng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, có đặt 1 tấm bia đá và bức tượng bán thân của ông Jean Baptiste Louis Pierre – Giám đốc đầu tiên của Vườn Bách Thảo năm xưa. Thảo Cầm Viên cũng là nơi đặt tượng voi đồng lớn nhất Việt Nam.
Thảo Cầm Viên trở thành điểm tham quan thu hút khoảng 2 triệu lượt khách mỗi năm. Đây là điểm đến cuối tuần thư giãn của các gia đình và các bạn trẻ.