Với con cua thì khác, đây là đối tượng khỏe, có sức sống lâu bền, khi vận chuyển không cần có nước đi kèm nên cua là một trong những đối tượng hiếm hiếm hoi vẫn tiêu thụ tốt vào thời điểm dịch bệnh này.
"Mỗi ngày tôi vẫn xuất bán vài tạ cua đi các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, thậm chí gửi sang cả Trung Quốc"- chị Hân nói.
Ông Đinh Xuân Hùng, nông dân xóm 4, xã Kim Trung chia sẻ: Ngoài nuôi tôm, làm ngao giống năm nay tôi còn đầu tư đi sâu vào con cua biển. Đây thực sự là điều may mắn, bởi nếu đổ hết vốn liếng vào con tôm thì vụ này tôi lỗ chắc vì giá tôm hiện đã giảm tới 25-30%.
Riêng con cua mặc dù giá bán thấp hơn năm ngoái nhưng vẫn trên mức giá thành. Mặt khác đây là đối tượng nuôi ít chịu tác động của môi trường, rủi ro dịch bệnh thấp.
"Như gia đình tôi, năm nay dự kiến sẽ thu hoạch 2 tấn cua, với giá bán 150-230 nghìn đồng/1kg cua thịt, 370-450 nghìn đồng/kg cua gạch, gia đình tôi thu lãi trên dưới 200 triệu đồng...", ông Hùng cho hay.
Trao đổi với ông Phạm Văn Kiệm, Giám đốc HTX thủy sản Kim Trung được biết: HTX Kim Trung hiện có khoảng 500 hộ nuôi cua, với tổng diện tích nuôi là trên 200 ha, bao gồm các hình thức nuôi quảng canh, nuôi thâm canh, nuôi xen ghép với các đối tượng thủy sản khác.
Thời gian vừa qua, nhờ hiểu rõ được đặc tính của con cua cũng như tuân thủ các quy trình về kỹ thuật nuôi như kiểm soát lượng nước, PH, phèn, kiềm... nên quá trình nuôi đem lại giá trị kinh tế khá ổn định.
Theo ngành chuyên môn, con cua biển rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn. Đây là một đối tượng nuôi khá dễ tính, khả năng thích ứng tốt, ít bệnh.
Phổ thức ăn của cua tương đối rộng và có thể tận dụng được các nguồn thức ăn sẵn có ngoài tự nhiên như con ốc, con don, con dắt…, có thể nuôi ghép với các đối tượng nuôi khác. Hơn nữa, nuôi cua biển không cần đầu tư lớn, những hộ không có điều kiện cũng có thể nuôi được.
Vì thế, thời gian qua, các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là ngành chuyên môn đã có nhiều hỗ trợ về giống, vốn, khoa học kỹ thuật để khuyến khích người dân huyện Kim Sơn phát triển nuôi cua biển.
Cụ thể: thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cua cho bà con; hướng dẫn bà con chuyển từ hình thức nuôi quảng canh, mật độ thấp sang nuôi thâm canh, ứng dụng các quy trình nuôi cua cải tiến để nâng sản lượng cua thương phẩm.
Huyện Kim Sơn đang xây dựng các mô hình điểm để người dân tham quan, học tập. Địa phương khuyến khích các hộ cung ứng giống.
Sau khi lấy giống cua về thì các hộ ương dèo cua lên cỡ lớn hơn rồi mới cung cấp cho các hộ nuôi để tăng khả năng thích ứng của con cua với điều kiện tự nhiên trong vùng, tăng tỷ lệ sống cũng như khả năng sinh trưởng của cua.