Dân Việt

Bình Dương: Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 sẽ như thế nào sau ngày 30/9?

Văn Dũng 28/09/2021 07:20 GMT+7
Sau khi toàn tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới từ ngày 30/9, Bình Dương sẽ sắp xếp lại hệ thống y tế, củng cố trên nguyên tắc giữ lại các bệnh viện dã chiến, các khu điều trị Covid-19.

Tinh gọn lại bệnh viện dã chiến

Theo lộ trình, ngày 30/9, tỉnh Bình Dương sẽ công bố đưa toàn tỉnh trở về trạng thái bình thường mới. Dự báo trong giai đoạn sau 30/9, Bình Dương vẫn tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc Covid-19 mới trong khoảng một thời gian.

Vì vậy, Bình Dương sẽ tiếp tục giữ lại các bệnh viện dã chiến, khu điều trị Covid-19 để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân có triệu chứng. Tuy nhiên, các bệnh viện dã chiến, khu điều trị sẽ được sắp xếp tinh gọn theo nguyên tắc: Đủ, tinh, hiệu quả nhằm đáp ứng tốt điều trị, giảm chi phí đầu tư.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Chương – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương phân tích, đủ là đủ số lượng quy mô, tương ứng với số bệnh nhân và thực hiện nhịp nhàng giữa tiếp nhận điều trị với xuất viện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc... đầy đủ để điều trị bệnh nhân. 

Tinh là lực lượng tinh nhuệ, được đào tạo đầy đủ, có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân Covid-19 để mang lại hiệu quả. Bình Dương phấn đấu khoảng 95% bệnh nhân tầng 1, 2 được cứu sống, quan tâm đầu tư vào các bệnh viện dã chiến, khu điều trị tầng 3 điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch. 

Bình Dương giữ lại bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 sau 30/9 - Ảnh 1.

Bình Dương sẽ sắp xếp tinh gọn theo nguyên tắc: Đủ, tinh, hiệu quả nhằm đáp ứng tốt điều trị, giảm chi phí đầu tư. Ảnh: V.D

Đặc biệt, để người dân tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất ngay từ tuyến cơ sở, ngành cũng tiếp tục mở rộng mạng lưới trạm y tế lưu động kết hợp trạm y tế truyền thống tại các địa phương.

Cũng theo bác sĩ Chương, sau ngày 30/9, một số bệnh viện dã chiến, khu điều trị Covid-19 sẽ được giải phóng, nhất là các cơ sở y tế công lập cần được trở lại hoạt động bình thường, thực hiện khám, cấp cứu các bệnh thông thường. 

Do đó, lực lượng y tế tại các đơn vị cần được bố trí song song, một bộ phận tiếp tục phục vụ bệnh viện dã chiến, khu điều trị Covid-19, một bộ phận khác phục vụ tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân thông thường. Tùy theo mức độ giảm về số lượng bệnh nhân Covid-19, ngành sẽ bố trí số lượng cơ sở điều trị thông thường và bệnh viện dã chiến, khu điều trị Covid-19 một cách phù hợp.

Trạm y tế lưu động giúp giảm tải cho tuyến trên

Trong thời gian qua, Bình Dương đã nỗ lực kéo giảm tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân Covid-19, nhiều bệnh nhân được khỏi bệnh, xuất viện về nhà ngày càng tăng.

Tuy nhiên, trong tình hình mới, ngành y tế tiếp tục củng cố hệ thống điều trị từ tuyến tỉnh đến các huyện, thị, thành phố và xuống tận các cơ sở để chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới.

Với việc sắp xếp lại hệ thống điều trị 3 tầng, các khu cách ly tập trung tuyến huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã chuyển đổi thành khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 1 với tổng số 112 cơ sở.

Bình Dương giữ lại bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 sau 30/9 - Ảnh 2.

Hệ thống trạm y tế lưu động đã giúp giảm tải cho các tuyến trên, hạn chế tỷ lệ bệnh nhân trở nặng và tử vong. Ảnh: V.D

Là một trong những địa phương thuộc "vùng đỏ" của Bình Dương, thời gian qua TX.Tân Uyên có tỷ lệ người nhiễm Covid-19 rất cao. Nhiều trường hợp biến chứng, trở nặng đã gây áp lực với hệ thống y tế của địa phương, nhất là tầng 1.

Đặc biệt, các khu cách ly cũng trong tình trạng quá tải. Vì vậy, TX.Tân Uyên đã mở rộng, nâng cấp khu cách ly thành khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 1 có đội ngũ y, bác sĩ và thiết bị y tế, thuốc, oxy. Điều này đã giúp giảm tải cho tuyến trên, hạn chế tỷ lệ bệnh nhân trở nặng và tử vong.

Bên cạnh đó, hàng loạt trạm y tế lưu động đã được thành lập tại các xã, phường, thị trấn và trong các nhà máy, xí nghiệp. Góp phần phát huy hiệu quả cùng với hệ thống điều trị ở tầng 2, 3 trong tháp điều trị, góp phần giảm tỷ lệ tử vong.

Bình Dương giữ lại bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 sau 30/9 - Ảnh 3.

Số lượng bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và xuất viện ngày càng tăng. Ảnh: V.D

Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, việc nới lỏng giãn cách sẽ dựa vào tình hình diễn biến dịch bệnh, đặc biệt là tình hình bao phủ vaccine ngừa Covid-19.

Toàn tỉnh đã bao phủ vaccine mũi 1 hơn 90% dân số và đang tiến hành lộ trình bao phủ mũi 2 sau khi được Bộ Y tế phân bổ vaccine. 

Khi đã có vaccine bao phủ thì chiến lược điều trị của tỉnh trong thời gian tới sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, như: Quản lý các trường hợp F0 xuất hiện tại cộng đồng; tăng cường hệ thống điều trị từ các tầng của các bệnh viện để bảo đảm kịp thời điều trị khi các bệnh nhân chuyển nặng và hạn chế tỷ lệ tử vong; giám sát dịch tễ học, triển khai công tác xét nghiệm để kịp thời phát hiện những đối tượng nguy cơ mắc Covid-19 để tiếp nhận, theo dõi và điều trị.