Dân Việt

Con số giật mình: Một loại bệnh truyền nhiễm gây tỷ lệ tử vong cao, chỉ đứng sau dịch Covid-19

Bình Minh 28/09/2021 14:08 GMT+7
Giai đoạn 2017 - tháng 8/2021, cả nước ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh Dại tại 52/63 tỉnh, thành phố, trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 – 2016. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, người tử vong do bệnh Dại chỉ đứng sau dịch Covid-19.

Đây là con số được công bố tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết Chương trình Quốc gia khống chế, tiến tới loại trừ bệnh Dại, giai đoạn 2017 - 2021 và và góp ý Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2022 - 2030, ngày 28/9.

378 người tử vong vì bệnh Dại - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến (thứ 2 bên trái) và Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (thứ 2 bên phải) chủ trì Hội nghị trực tuyến Tổng kết Chương trình Quốc gia khống chế, tiến tới loại trừ bệnh Dại, giai đoạn 2017 - 2021 và và góp ý Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2022 - 2030 ngày 28/9.

378 người tử vong do bệnh Dại

Trong giai đoạn từ năm 2017 - 8/2021, có 41 tỉnh, thành phố báo cáo phát hiện và xử lý tổng cộng 15.082 con chó (chiếm khoảng 0,04% tổng đàn) và 06 con bò, bê, nghi mắc bệnh Dại; trung bình mỗi năm xử lý 3.016 con vật, dao động từ 1.294 con (năm 2021) đến 3.979 con (năm 2019).

Có 04 tỉnh (Lạng Sơn, Quảng Bình, Quảng Nam và Bình Định) báo cáo xử lý trên 1.000 con chó mắc bệnh Dại, nghi mắc bệnh Dại tại mỗi tỉnh; 05 tỉnh (Sơn La, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Kon Tum và Tây Ninh) không báo cáo số liệu xử lý động vật, nhưng mỗi năm có từ 4 - 7 người tử vong vì bệnh Dại, nhất là tỉnh Sơn La có tổng cộng 17 người chết vì Dại trong các năm 2017 - 2019.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý đàn chó, theo dõi, giám sát, phát hiện và xử lý động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh Dại của các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn tại nhiều địa phương (41 tỉnh, thành phố) thì tại một số địa phương còn chưa thực sự quan tâm đến nội dung này.

378 người tử vong vì bệnh Dại - Ảnh 2.

Giai đoạn 2017 - tháng 8/2021, cả nước ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh Dại. Trong ảnh là cán bộ thú y huyện Vũ Thư (Thái Bình) tiêm vaccine phòng, chống bệnh Dại trên chó. Ảnh: Tiên Dung

Đáng chú ý, tại khu vực các tỉnh miền Tây Nam bộ, giai đoạn trước năm 2018 không ghi nhận ca bệnh Dại trên chó. 

Tuy nhiên, từ năm 2018 có ghi nhận ca bệnh đầu tiên tại tỉnh Cà Mau (tại thị trấn U Minh, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) và liên tục phát hiện tại tỉnh này hàng năm cho đến nay. Đồng thời có chiều hướng xuất hiện lan rộng ra các tỉnh khác trong khu vực như: Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và Đồng Tháp từ năm 2018 đến nay.

Nghiêm trọng hơn, đó là tình hình bệnh Dại ở người, con số được công bố tại Hội nghị, giai đoạn 2017 - tháng 8/2021, cả nước ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh Dại tại 52/63 tỉnh, thành phố, trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 – 2016.

Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao, chỉ đứng sau dịch Covid-19

Đó là thông tin Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tại Hội nghị. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, giai đoạn 2017 - 2021, cả nước ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh dại tại 52/63 tỉnh, thành phố.

 Trong đó, miền Bắc là khu vực ghi nhận số người tử vong vì bệnh dại cao nhất (146/371, chiếm hơn 39% của cả nước); tiếp đến là miền Trung (133/371, chiếm gần 36% của cả nước, trong đó các tỉnh Tây Nguyên chiếm gần 47%, với 62/133 ca); thấp nhất là ở các tỉnh miền Nam (92/371, chiếm gần 25%). 

Tuy nhiên, trong 2 năm 2020 - 2021, bệnh dại có xu hướng gia tăng rõ rệt tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam, giảm ở miền Bắc và miền Trung.

Con số giật mình: Người tử vong do bệnh Dại chỉ đứng sau dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Hội nghị sáng 28/9. Ảnh: TTXVN

Cũng theo thống kê trong 5 năm qua, cả nước đã có trên 2,5 triệu người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, tăng 561.840 (28%) trường hợp so với giai đoạn 2012 - 2016 (có gần 2 triệu người người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng).

Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, trung bình mỗi năm hiện nay vẫn có hơn nửa triệu người bị chó, mèo cắn phải đi điều trị dự phòng, chỉ riêng tiền huyết thanh điều trị đã tiêu tốn trực tiếp trên 800 tỉ đồng, chưa tính rất nhiều tổn thất của người dân về chi phí điều trị khác hay những tổn thương về sức khoẻ, tinh thần…

“Tỉ lệ tử vong bệnh dại trên là rất cao, cứ mắc bệnh là 100% tử vong. Tại Việt Nam hiện nay, bệnh dại vẫn là bệnh truyền nhiễm gây chết nhiều người nhất, chỉ đứng sau dịch Covid-19 đang diễn ra hiện nay”, ông Tuyên nói.

Địa phương khó khăn trong kiểm soát đàn vật nuôi

Hà Nội là địa phương có tổng đàn chó luôn đứng đầu cả nước, giai đoạn 2017 - 2021 trên 400.000 con. Năm 2021, tổng đàn vật nuôi 450.000 (chó, mèo), mỗi năm tăng 6.000 con.

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, 100% các xã, phường, thị trấn có sổ theo dõi; tỷ lệ tiêm phòng luôn đạt 92% tổng đàn, riêng năm 2021 chỉ đạt 83% do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong 3 năm 2018 - 2020, Hà Nội đã xây dựng 4 vùng cơ sở an toàn dịch bệnh Dại tại các quận: Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ. Tuy nhiên, theo ông Đăng khó khăn nhất hiện nay vẫn là công tác thống kê đàn vật nuôi, tổng đàn vẫn chưa sát thực tế.

Tại tỉnh Sơn La, theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong giai đoạn 2017 - 2021 đã có 21 người tử vong do bệnh Dại.

Cũng trong giai đoạn này tỉnh Sơn La đã bố trí nguồn lực trên 13 tỷ đồng để tiêm phòng vaccine phòng bệnh Dại.

Theo ông Công, trong giai đoạn 2022 - 2030, tỉnh sẽ bố trí nguồn lực 26 tỷ đồng cho công tác phòng, chống bệnh Dại, trong đó tập trung cao vào việc tiêm vaccine.

"Hiện nay công tác quản lý đàn chó gặp rất nhiều khó khăn do tập quán của người dân thường xuyên thả rông. Tỉnh kiến nghị, Bộ NNPTNT, giai đoạn 2022 - 2030, hỗ trợ địa phương xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra ở các tỉnh, từ đó đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh Dại. Địa phương nào làm tốt sẽ nhân rộng", ông Công nói.

Còn tại Ninh Bình, công tác phòng chống bệnh dại đã được các cấp chính quyền, cơ quan, ban, ngành quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, bố trí hỗ trợ kinh phí từ ngân sách để hoạt động. Do đó, nhận thức của người dân được tăng lên, tỷ lệ tiêm phòng vaccine năm sau cao hơn năm trước. 

Cả giai đoạn Ninh Bình chỉ ghi nhận 3 ổ dịch với 10 con chó mắc bệnh, nghi mắc bệnh dại, làm 2 người tử vong. Tất cả đều được tập trung xử lý, khống chế và dập tắt, không phát sinh và lây lan.

Theo nhận định của Bộ NNPTNT, bệnh Dại tồn tại ở Việt Nam nhiều năm nhưng chưa loại trừ được. Từ năm 2010 đến tháng 8/2021, cả nước có 1.014 người tử vong do bệnh Dại tại 53 tỉnh, thành phố (trung bình mỗi năm có trên 84 người bị tử vong, tăng gần gấp 3 lần so với hàng chục năm trước đó).

Bên cạnh thiệt hại về người, bệnh Dại còn làm tổn thất về kinh tế, ảnh hưởng đến an sinh và các vấn đề xã hội. Theo phân tích về kinh tế dịch tễ của các chuyên gia quốc tế phối hợp với Văn phòng Đối tác Một sức khỏe của Bộ NNPTNT, trong giai đoạn 2005 - 2014 (10 năm), tổn thất về kinh tế khoảng 15.000 tỷ đồng.

Từ năm 2015 - 8/2021, tổng cộng có trên 3,3 triệu người phơi nhiễm, buộc phải điều trị dự phòng, với chi phí khoảng 1,2 triệu đồng/người, tổng thiệt hại về kinh tế chi trả riêng cho vaccine vượt hơn 4.000 tỷ đồng.