Chuỗi tập huấn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021 do Trung tâm Phát triển Nông thôn Saemaul Undong (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) phối hợp cùng Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương và Tổ chức Đại học Pháp Ngữ (AUF) vừa được khai mạc sáng nay (28/9).
Trà xanh (hộp bà cụ 100 gram) - sản phẩm OCOP 5 sao của HTX chế biến chè Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.
Phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Phan Thanh Định, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KH-XH&NV (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho biết, thời gian qua, sự tăng trưởng về doanh thu và giá bán là minh chứng về tiềm năng, hiệu quả của Chương trình OCOP nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhưng các sản phẩm OCOP vẫn cung ứng rất tốt cho thị trường.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KH-XH&NV chia sẻ: Đây là chuỗi tập huấn cung cấp các kiến thức, kĩ năng cơ bản, tổng hợp và chuyên sâu khi triển khai thực hiện chương trình OCOP ở các cấp và hướng dẫn chuẩn hóa hồ sơ cho các chủ thể, các bên liên quan tham dự vào Chương trình OCOP.
Chương trình tập huấn đã nhận được hơn 3.000 lượt đăng ký đến từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, HTX, chủ thể tiềm năng tham gia vào chương trình OCOP hoặc đang hoạt động trong lĩnh vực OCOP.
Ngay tại chuyên đề 1 với chủ đề "Chương trình OCOP: Những điều cần biết khi tham gia chương trình", TS Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Saemaul Undong đã cung cấp những thông tin hữu ích đến độc giả tham gia tập huấn. Đó là kinh nghiệm đến từ những mô hình "Mỗi làng/cộng đồng một sản phẩm" trên thế giới và nguyên tắc để thực hiện.
Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, sau hơn 3 năm triển khai chương trình, đến nay cả nước đã có 4.957 sản phẩm OCOP 3 sao đến tiềm năng 5 sao; 2.711 chủ thể có sản phẩm OCOP, trong đó có 37,6% là HTX, 27,7% là doanh nghiệp. Đặc biệt, năm 2020 đã có 20 sản phẩm OCOP 5 sao được công nhận.
Chương trình OCOP sẽ chuyển đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp
Các sản phẩm OCOP được phát triển theo 6 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy trí tuệ sáng tạo, lao động, văn hóa địa phương…
"Phát triển sản phẩm OCOP không chỉ là vì lợi ích kinh tế mà còn vì trách nhiệm và miền tự hào với quê hương xứ sở"
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp PTNT Lê Minh Hoan
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết: Ngay từ khi triển khai Chương trình OCOP đã đặt ra nhiệm vụ là xây dựng lên những sản phẩm có tính chất "Đa giá trị tích hợp" đó là kinh tế, văn hóa, xã hội.
Qua đó từ những sản phẩm nông nghiệp đơn thuần, chủ thể OCOP sẽ phát triển thành sản phẩm các giá trị văn hóa truyền thống, tạo dựng nên niềm tự hào của những vùng quê Việt Nam. Chương trình OCOP sẽ khơi dậy những chủ thể, chuyển đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đồng thời phát huy sự gắn kết của chủ thể với cộng đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Cục trưởng Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đã chỉ ra một số khó khăn, thách thức mà Chương trình OCOP đã gặp phải trong thời gian qua.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhưng các sản phẩm OCOP vẫn cung ứng rất tốt cho thị trường
Đó là các địa phương mới chỉ tập trung vào những sản phẩm sẵn có, chưa chú trọng phát triển sản phẩm mới; vấn đề về chất lượng sản phẩm, những quy trình tiên tiến, sở hữu trí tuệ còn nhiều tồn tại. Các hoạt động khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ rất được mong đợi nhưng các sản phẩm OCOP vẫn còn hạn chế về tiêu chuẩn.
"Đặc biệt, trong 3 năm qua công tác hỗ trợ Chương trình OCOP đã bỏ quên khâu xúc tiến thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử còn rất hạn chế. Trong khi đó nhu cầu về giao dịch trực tuyến càng ngày trở thành nhu cầu tất yếu và xu thế của xã hội" - ông Tiến cho biết thêm.
Tại buổi tập huấn đầu tiên, TS. Ngô Thị Thu Trang, cũng đưa thêm một số hạn chế trong quá trình triển khai chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020.
Việc lồng ghép các nguồn vốn chưa hiệu quả; chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm chưa đồng bộ. Nhất là ở một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích, chưa đi vào thực chất.
Chương trình cũng chưa phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cũng như kiểm soát và truy xuất nguồn liệu; chưa tuân thủ và áp dụng các quy định về quản lý chất lượng, bao bì nhãn mác… cũng như chưa chuyền tải giá trị văn hóa, thế mạnh địa phương vào câu chuyện OCOP.
Vì vậy, để khắc khắc phục những bất cập trên cũng như tiếp tục nâng cao vai trò, ý nghĩa của chương trình OCOP trong thời gian tới. Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đã đưa ra một số định hướng Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025 cần chú trọng.
Một là hỗ trợ cơ chế chính sách theo chuỗi khép kín, từ đầu vào vùng nguyên liệu đến đầu ra xúc tiến thương mại, hướng đến xuất khẩu.
Hai là hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản phẩm mới. Trong thời gian tới Chương trình OCOP cần phát triển 30-35% sản phẩm mới tại mỗi tỉnh.
Ba là hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm từ những yếu tố như truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ, an toàn vệ sinh thực phẩm, chỉ dẫn địa lý…
Bốn là công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến thương mại điện tử, chuyển đổi số cần được hỗ trợ đặc biệt để mỗi người nông dân là 1 chủ thể số.
"Khi các định hướng được triển khai Chương trình OCOP 2021 – 2025 sẽ tiếp tục khẳng định ý nghĩa: Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nâng nghiệp; nâng cao tính chủ động của các chủ thể với cộng động; Từng bước hình thành các sản phẩm OCOP gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường", TS. Ngô Thị Thu Trang nhận định.