Lý do doanh nghiệp thủy sản phải hoạt động trở lại ngay từ bây giờ
Hiện nay, tại TP.Cần Thơ, nhiều doanh nghiệp thủy sản bắt đầu muốn hoạt động trở lại sau hơn 2 tháng tạm dừng hoạt động. Theo đó, các doanh nghiệp đều cho biết, hiện nay còn nhiều đơn hàng cần phải thực hiện, hơn nữa nhu cầu tiêu thụ ở nước ngoài rất nhiều vào dịp lễ giáng sinh và Tết dương lịch.
Để được hoạt động trở lại, các doanh nghiệp thủy sản phải đăng ký thực hiện phương án "vừa cách ly, vừa sản xuất" theo lộ trình gắn với đảm bảo các quy định về an toàn phòng chống dịch.
Theo Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (Khu công nghiệp Trà Nóc 2, quận Bình Thuỷ), thời gian qua, phía công ty đã dừng hoạt động do dịch bệnh nên còn nhiều đơn hàng cần phải thực hiện. Để hoạt động trở lại, công ty đã lên phương án "vừa cách ly, vừa sản xuất".
Hiện Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông có 2.000 lao động, trong đó huy động 1.000 lao động tham gia phương án "vừa cách ly, vừa sản xuất". Trong giai đoạn 1, dự kiến đưa 550 lao động sản xuất, giai đoạn 2 bổ sung thêm từ 100-225 công nhân và tiếp tục bổ sung sau đó.
Ông Ngô Quang Trường - Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông cho biết: "Công ty thực hiện nhiều giải pháp, quyết tâm vừa sản xuất, vừa phòng dịch, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của đối tác nước ngoài vào cuối năm".
Cũng như Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ cho hay, có nhiều đơn hàng cần phải thực hiện sớm.
Do đó, công ty đã đăng ký thực hiện phương án "vừa cách ly, vừa sản xuất" theo phương châm 3 tại chỗ với 180 lao động, tương ứng hơn 20% công suất hoạt động.
Ông Võ Đông Đức - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ cho biết: "Từ nay đến 3 tháng tới, công ty chuẩn bị chưa đủ đáp ứng hết các đơn hàng đã có trong tay, ngoài ra còn có các đơn hàng kế tiếp nữa. Cả chuỗi sản xuất sẽ còn khó khăn kéo dài nếu chúng tôi không bắt đầu từ bây giờ".
"Nếu chúng tôi không sản xuất được từ bây giờ thì con cá dưới ao quá size mà khách hàng cần, còn lượng hàng tiếp theo cũng bị gián đoạn" - ông Đức nói thêm.
Theo ông Phạm Duy Tín - Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, qua kiểm tra các công ty thủy sản xuất khẩu cho thấy, hiện nay nhiều công ty có đơn hàng cần xuất khẩu cấp bách để giữ thị trường.
Đối với những doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ sẽ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, thường xuyên nhắc nhở để các doanh nghiệp phòng chống dịch Covid-19 được an toàn và hiệu quả hơn.
Theo thống kê của Sở Công thương TP.Cần Thơ, số doanh nghiệp hoạt động trở lại đang tăng dần, kể từ khi thành phố áp dụng Chỉ thị 15 đến ngày 28/9, đã có 27 doanh nghiệp hoạt động trở lại, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố là 201/1.167 doanh nghiệp.
Một trong những khó khăn, vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là phải thực hiện các hợp đồng ký kết với các đối tác quốc tế, nếu không sẽ mất thị trường và bồi thường hợp đồng. Còn các doanh nghiệp cung ứng trong nước thì lo sợ mất thị trường trong thời gian tới.
Được biết, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa đề xuất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tăng khung giờ làm thêm đối với người lao động lên 400 giờ/năm thay vì 300 giờ/năm theo dự thảo Nghị quyết "Về việc cho phép không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng và được tổ chức làm thêm đến 300 giờ/năm" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo VASEP, sau khi nghiên cứu dự thảo Nghị quyết và trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp hội viên, VASEP cho rằng nên tăng thời gian làm thêm cho công nhân lên 400 giờ/năm (không phụ thuộc vào ngành nghề sản xuất) nhằm đáp ứng đơn hàng và ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động do dịch Covid-19 gây ra.
VASEP và các doanh nghiệp hội viên đều nhất trí bỏ quy định trần số giờ làm thêm trong 1 tháng để tạo điều kiện linh hoạt cho sản xuất.
Đồng thời, đề xuất bỏ tạm thời quy định thông báo về việc tổ chức làm thêm giờ theo điều 62 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Theo đó, khi doanh nghiệp có kế hoạch làm thêm giờ chỉ cần dựa trên thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Điều này, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc bố trí, sắp xếp kế hoạch làm thêm tùy thuộc theo tình hình thực tế của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thời gian làm thêm theo đúng quy định của Nghị quyết và chịu trách nhiệm hậu kiểm.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP cho biết, thời gian qua, khi các tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, có đến 70% nhà máy chế biến thủy sản phải ngừng sản xuất suốt 2 tháng qua, 30% còn lại hoạt động cầm chừng theo phương thức "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến".
Nguyên nhân được xác định do doanh nghiệp không sắp xếp được chỗ ở cho người lao động, doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động, bị thiếu hụt nguyên liệu trong chuỗi cung ứng sản xuất xuất khẩu do quá trình vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn khi di chuyển liên tỉnh.
Tình trạng trên khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, bị mất khách hàng do không cung cấp đủ đơn đặt hàng cho khách hàng.
Do đó, việc đề xuất như nêu trên nhằm giúp cho các doanh nghiệp có thể sản xuất kịp thời các đơn hàng, giúp người lao động có thêm thu nhập ổn định.