Hàng năm ngành gỗ Việt Nam sử dụng một lượng nguyên liệu gỗ rất lớn, chủ yếu từ nguồn gỗ rừng trồng nội địa, một ít gỗ nhập khẩu, trong lượng nguyên liệu gỗ từ rừng trồng nội địa thì gỗ keo là nhiều nhất.
Thống kê từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho thấy, diện tích keo năm 2020 đạt 2,35 triệu ha, tương đương trên 53% trong tổng diện tích rừng trồng của Việt Nam (diện tích rừng trồng năm 2020 đạt khoảng 4,4 triệu ha).
Đặc biệt, trồng keo theo chứng chỉ rừng bền vững (FSC), sản lượng bình quân đạt 120m3/ha, các diện tích có chu kỳ dài hơn (6-7 năm) năng suất có thể đạt 150-160m3/ha.
Tuyên Quang là một trong những tỉnh đi tiên phong trong việc trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC. Theo báo cáo của Sở NNPTNT Tuyên Quang, toàn tỉnh hiện có hơn 35.300ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, đứng thứ 2 toàn quốc.
Diện tích rừng keo năm 2020 đạt 2,35 triệu ha, tương đương trên 53% trong tổng diện tích rừng trồng của Việt Nam (diện tích rừng trồng năm 2020 đạt khoảng 4,4 triệu ha). Trong đó, diện tích rừng keo có chứng chỉ FCS chiếm 15%.
Theo nhiều nông dân tham gia trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC ở Tuyên Quang, những cánh rừng FSC không có rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật không vứt bừa bãi, người dân có ý thức trong việc bảo vệ môi trường.
Đáng chú ý, trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC, người dân Tuyên Quang không lo khâu tiêu thụ, thay vì chu kỳ khai thác ngắn, độ tuổi rừng khai thác kéo dài 7 - 10 năm nên giá trị thu nhập từ rừng tăng đáng kể, gấp 2 lần so với rừng cây gỗ nhỏ.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện các diện tích keo có chứng chỉ FSC mới chỉ đạt dưới 15% trong tổng diện keo hiện có. Mở rộng diện tích có chứng chỉ có tiềm năng đem lại giá trị cao hơn cho nguồn gỗ này.
Diện tích keo liên tục mở rộng do loài gỗ này được ưa chuộng trong các sản phẩm chế biến xuất khẩu.
Gỗ keo hiện được sử dụng làm dăm gỗ để sản xuất giấy, bột giấy, làm viên nén, gỗ dán, đồ mộc xây dựng và đặc biệt là để sản xuất các mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu.
Trong đó, các mô hình sản xuất đồ gỗ nội thất cao cấp được làm từ gỗ keo của Công ty Rochedale Việt Nam, Công ty Alexander Theodore với giá trị của mỗi mét khối gỗ keo tinh chế đạt hơn 3.000 USD.
Việt Nam hiện đã trở thành một trong những quốc gia chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ hàng đầu thế giới.
Trong số các tỉnh thành có rừng trồng, 7 tỉnh có diện tích rừng trồng lớn nhất là Lạng Sơn, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Yên Bái, Quảng Nam và Nghệ An. Diện tích rừng trồng của cả 7 tỉnh này chiếm khoảng 37% trong tổng diện tích rừng trồng cả nước.
Dự báo trong thời gian tới lượng cung gỗ keo rừng trồng tiếp tục tăng, chủ yếu là bởi cầu thị trường về loài gỗ này vẫn tiếp tục mở rộng.
Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách hiện nay của Chính phủ khuyến khích mở rộng các diện tích rừng trồng, tạo nguồn cung gỗ nguyên liệu có chất lượng cao, là gỗ lớn cho ngành chế biến.
Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, gỗ keo là nguồn gỗ nguyên liệu rủi ro thấp với lượng cung chủ yếu là từ các hộ gia đình được Nhà nước giao đất để phát triển nguồn gỗ rừng trồng.
Keo cũng là loài gỗ rừng trồng có mức tăng trưởng cao nhất so với các loài gỗ rừng trồng khác hiện có ở Việt Nam. Sản lượng khai thác loài gỗ này hàng năm rất lớn, đạt gần 50 triệu m3 gỗ tròn mỗi năm.
"Phát triển gỗ keo rừng trồng không chỉ có ý nghĩa đối với việc phát triển của ngành gỗ mà còn trực tiếp góp phần vào tạo nguồn sinh kế hộ gia đình, bao gồm nhiều hộ gia đình miền núi" - ông Lập nói.
Để tăng năng suất gỗ keo rừng trồng, ông Lập khuyến cáo các hộ trồng keo cần tiếp cận với các kiến thức mới về mặt khoa học kỹ thuật; kết hợp với các doanh nghiệp cải tạo giống, cải thiện kỹ thuật canh tác và chăm sóc vườn cây.