Người dân Hữu Bằng mong được mua điện trực tiếp từ EVN. Clip: Hồng Nhân
Phóng viên Báo điện tử Dân Việt tìm về xã Chàng Sơn - cách Hữu Bằng vài km, nơi vào năm 2019 đã bàn giao lưới điện từ HTX về cho Công ty Điện lực Thạch Thất quản lý.
Đại diện UBND xã Chàng Sơn cho biết, hai năm qua người dân không có ý kiến gì khi dùng điện trực tiếp từ EVN. Việc bàn giao thuận lợi, đúng quy định cũng như mong muốn và nguyện vọng của người dân.
Chúng tôi tìm gặp ông Chu Quang Hồng (51 tuổi, từng là Giám đốc HTX dịch vụ điện năng Trường Sơn) để rõ hơn câu chuyện bàn giao lưới điện cho Công ty điện lực Thạch Thất.
Ông Hồng nêu 2 lý do khiến ông bàn giao lưới điện (dù HTX dịch vụ điện năng Trường Sơn đang tham gia và có khoản vay RE2 như xã Hữu Bằng - PV).
“Một là, trong quá trình bán điện, người dân có ý kiến về tiền điện cũng như cách vận hành. Họ mong muốn dùng điện trực tiếp từ EVN nên tôi bàn giao. Tôi cũng là người sinh ra ở Chàng Sơn, để tình cảm làng xóm sứt mẻ vì tiền điện tôi không muốn. Ở đất Thạch Thất này làm gì mà chả sống được, có phải mỗi buôn bán điện đâu.
Hai là, khi đó hạ tầng điện tại Chàng Sơn bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, để hoạt động thời gian dài cần phải đầu tư số tiền lớn để bảo trì và nâng cấp.
Bởi hai lý do trên mà tôi bàn giao lại cho chính quyền và ngành điện trực tiếp quản lý”.
Theo ông Hồng, nguyện vọng mua điện trực tiếp từ EVN của người dân là chính đáng, nhưng đơn vị nào quản lý cũng có ưu điểm và khuyết điểm riêng.
Để rõ hơn vấn đề quản lý, tiếp nhận lưới điện và bán điện cho người dân trên địa bàn huyện Thạch Thất (Hà Nội), phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với đại diện Công ty Điện lực Thạch Thất.
Người tiếp chúng tôi là ông Phùng Văn Hưng - Phó Giám đốc Kinh doanh và ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Kinh doanh.
Theo ông Hưng, hiện, trong 23 xã của huyện, Công ty điện lực Thạch Thất tiếp nhận và bán điện trực tiếp cho 15 xã, 8 xã còn lại mua điện từ Công ty và Hợp tác xã khác.
“Người dân Hữu Bằng phản ánh về giá điện chúng tôi có nắm, việc này đã có từ những năm 2016. Lượng điện tại Hữu Bằng tiêu thụ rất lớn, đặc biệt là điện dân sinh, sản xuất, có thể nói là đứng đầu huyện Thạch Thất. Mùa nóng, mức tiêu thụ điện tại đây có thể tăng gần 20% so với bình thường.
Hiện tại, chúng tôi chưa nhận được đơn hay mong muốn gì từ người dân Hữu Bằng về việc mua điện trực tiếp. Công ty Điện lực Thạch Thất và Công ty CP Tây Phương là đối tác với nhau, chúng tôi không có quyền yêu cầu họ bàn giao lưới điện”, ông Hưng nói.
Theo vị Phó Giám đốc, trong 8 xã chưa mua điện trực tiếp từ EVN chỉ có Hữu Bằng là người dân hay phản ánh, còn các xã khác thì không.
Ông Hưng cũng thông tin, năm 2019, Công ty điện lực Thạch Thất đã tiếp nhận lưới điện của xã Chàng Sơn.
“Mất khoảng 1 năm hoàn thành thủ tục chúng tôi mới chính thức bán điện cho người dân Chàng Sơn. Làm được điều đó là bởi HTX dịch vụ điện năng Trường Sơn họ đồng ý bàn giao, chính quyền địa phương có ý kiến.
Đồng thời chúng tôi nhận được chỉ đạo, yêu cầu trực tiếp từ cơ quan cấp trên, nên nhanh chóng hoàn thành việc tiếp nhận và bán điện trực tiếp đến người dân”, vị Phó Giám đốc thông tin.
Phóng viên Dân Việt đặt câu hỏi cho ông Phùng Văn Hưng về việc người dân Hữu Bằng mong muốn được mua điện trực tiếp từ EVN mà không qua trung gian, vị Phó Giám đốc Kinh doanh khẳng định: “Nếu người dân có ý kiến, phía Công ty Tây Phương bàn giao, chính quyền xã có kiến nghị với cơ quan chức năng, chính quyền cấp trên yêu cầu tiếp nhận thì Công ty điện lực Thạch Thất làm ngay”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty điện lực Thạch Thất nêu ra cho chúng tôi một số ưu điểm khi người dân được dùng điện của EVN như: Dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn; số liệu, thống kê rõ ràng, người dân có thể theo dõi tiền điện mình dùng từng ngày, từng giờ; khi có sự cố, người dân sẽ được hỗ trợ ngay lập tức; mọi việc minh bạch, rõ ràng; đội ngũ nhân viên vận hành có trình độ cao.
Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) đã vận hành hệ sinh thái chăm sóc khách hàng EVNHANOI. Hệ sinh thái bao gồm các kênh kết nối giữa khách hàng và ngành điện, gồm website, App EVNHANOI, email, fanpage.
Đặc biệt, các kênh chăm sóc khách hàng sẽ được đồng nhất về nhận diện thương hiệu, trải nghiệm người dùng, cơ sở dữ liệu giúp cho khách hàng dễ dàng lựa chọn, truy cập để tìm kiếm và sử dụng dịch vụ điện ở bất cứ nơi đâu. Khách hàng có thể chủ động theo dõi chỉ số điện năng tiêu thụ hằng ngày, đặt ngưỡng cảnh báo sử dụng điện, tự tính hóa đơn tiền điện…
Tuy nhiên, các dịch vụ này chỉ hướng tới những khách hàng đang mua điện trực tiếp từ EVN HANOI, còn mua qua các HTX bán lẻ thì chắc chắn không được hưởng thụ.
PV Báo điện tử Dân Việt cũng đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Thạch Thất để tìm hiểu đến bao giờ, người dân Hữu Bằng được mua điện trực tiếp từ EVN? Với những thông tin người dân bức xúc về Công ty Tây Phương, chính quyền huyện Thạch Thất xử lý thế nào?
Tuy nhiên, đến nay chưa nhận được phản hồi.