Dân Việt

Tại sao lâu nay không nghe nói đến định hướng phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm ở miền Tây?

Huỳnh Xây 02/10/2021 09:06 GMT+7
Theo Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lâu nay không nghe nói đến định hướng phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm ở miền Tây. Thay vào đó, người dân thường nghe về định hướng phát triển lúa, cây ăn trái và thủy sản.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ  (VCCI Cần Thơ) vừa tổ chức hội thảo trực tuyến "Bức tranh kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): Dự báo kinh tế quý 4 và triển vọng năm 2022".

Tại đây, VCCI Cần Thơ tổng hợp nhiều câu hỏi từ người dân, doanh nghiệp rồi truyền đạt đến Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan.

Trong đó, đặc biệt có câu hỏi "Tại sao khi nói về thế mạnh và định hướng phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL, lâu nay chỉ nghe nói đến lúa, cây ăn trái và thủy sản, không nghe nói đến chăn nuôi gia súc gia cầm. Do đó, hiện nay, rất ít địa phương ở ĐBSCL có quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc gia cầm, dẫn đến việc chưa phát triển tương xứng với tiềm năng".

Tại sao lâu nay không nghe nói đến định hướng phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm ở miền Tây? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, tới đây, ĐBSCL cũng phải phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm để tạo ra giá trị mới cho vùng nhưng cân đối ở mức độ vừa phải và phải chọn lựa địa phương thực hiện. (Ảnh: Huỳnh Xây)

"Ngoài ra, trong thời gian tới Bộ NNPTNT có định hướng phát triển gì đối với chăn nuôi gia súc gia cầm ở ĐBSCL hay không cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan" - câu hỏi tiếp tục được đưa ra đối với Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại hội thảo trực tuyến.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong quy hoạch, không phải mọi vùng miền đều phát triển tất cả các lĩnh vực. Đối với chăn nuôi gia súc gia cầm cần có lợi thế ở vùng cao, vùng xa khu dân cư, còn ở ĐBSCL đất thấp dễ ảnh hưởng đến môi trường và có mật độ dân cư cao.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, tới đây, ĐBSCL cũng phải phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm để tạo ra giá trị mới cho vùng nhưng cân đối ở mức độ vừa phải và phải chọn lựa địa phương thực hiện. Thời gian qua, Bộ NNPTNT cũng đã xây dựng dự án phát triển trung tâm giống chăn nuôi cho ĐBSCL đặt tại tỉnh Đồng Tháp.

"Từ trung tâm giống chăn nuôi này, cộng với các khu vực FDI đã đầu tư về thức ăn chăn nuôi cùng với nhiều dự án về lĩnh vực chăn nuôi của các tập đoàn lớn ở ĐBSCL sẽ giúp ngành chăn nuôi gia súc gia cầm phát triển" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Theo thông tin tại hội thảo, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, vùng ĐBSCL đã chịu tác động nặng nề. Hầu hết các nhà máy, xí nghiệp chế biến phải đóng cửa ngừng hoạt động. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng tháng 8/2021 chỉ đạt 1,97 tỷ USD, giảm 49,7% so với tháng 7/2021.

Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bức tranh kinh tế vẫn có những điểm sáng như GDP 9 tháng tăng trưởng dương (1,42%), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu tăng 18,8%, nhập khẩu tăng 30,5%, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: "Mặc dù GDP quý 3/2021 giảm mạnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng 1,04% trong khi các khu vực khác giảm. Sự đóng góp của ĐBSCL, trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm lớn của cả nước trong việc duy trì sự tăng trưởng là vô cùng lớn".