Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong thời gian qua, Bộ NNPTNT đã có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, sản xuất cho các doanh nghiệp, thưa Bộ trưởng?
- Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 26 về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có giao nhiệm vụ rất cấp thiết cho Bộ NNPTNT để làm sao thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là xuất khẩu.
Thực hiện Chỉ thị 26, Bộ NNPTNT đang xây dựng kết hoạch để làm sao trong mùa vụ sắp tới mà cụ thể là vụ lúa bà con không chịu những tác động do dịch, các loại vật tư đầu vào được cung cấp đầy đủ, không bị ngắt quãng mùa vụ.
Nhất là đối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vụ lúa trải dài từ thượng nguồn đến hạ nguồn thì cần có kế hoạch để khơi thông sản xuất.
Mục tiêu của Bộ NNPTNT là quyết không làm đứt gãy từ sản xuất tới lưu thông, từ thị trường trong nước tới thị trường xuất khẩu.
Chính vì vậy, Bộ NNPTNT sẽ cùng với Bộ Y tế xây dựng cẩm nang để làm sao vừa đảm bảo thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là khôi phục sản xuất, lưu thông linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh.
Cẩm nang này sẽ cụ thể hóa cho từng ngành hàng, lúa gạo như thế nào, thủy sản, cây ăn trái như thế nào.
Dự kiến, Bộ NNPTNT sẽ sẽ họp với các tỉnh ĐBSCL để thống nhất quy định làm sao không bị đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản do một số quan điểm, thông tin xử lý tình huống còn khác nhau, kể cả là giữa các địa phương trong một tỉnh và giữa các tỉnh trong vùng.
Vừa qua, nhiều doanh nghiệp ngành chế biến thủy sản nêu rất nhiều khó khăn trong duy trì chuỗi sản xuất, nhiều nhà máy buộc phải hoạt động cầm chừng. Theo Bộ trưởng cần hóa giải những khó khăn này như thế nào?
- Theo tôi, cần có kế hoạch phục hồi sản xuất không chỉ trong nhà máy mà cả trong chuỗi ngành hàng chế biến cá tra, tôm bởi chuỗi ngành hàng này phủ khắp các tỉnh ĐBSCL.
Như tôi đã nói, khi thống nhất được với Bộ Y tế thì sẽ họp với các tỉnh ĐBSCL để thống nhất cơ chế vận hành để không bị đứt gãy.
Bởi thực tế cho thấy, không chỉ đứt gãy trong nhà máy do quy định sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" khó áp dụng cho từng doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào vùng giống, vùng nuôi, cả hệ thống thu hoạch, vận chuyển đưa nguyên liệu đến nhà máy. Chính vì vậy, cần có những quy định cụ thể, mang tính liên vùng.
Bộ trưởng từng nhiều lần nêu quan điểm: ĐBSCL phải là một thực thể, có tính liên kết vùng. Theo Bộ trưởng, các địa phương trong khu vực ĐBSCL cần làm gì để tạo sự gắn kết?
- Nếu vẽ một ma trận lớn về sự phát triển của 3 ngành hàng lớn nhất ở ĐBSCL hiện nay là lúa gạo, thủy sản, trái cây sẽ thấy chằng chịt như mạch máu trong cơ thể, nếu đứt một mạch máu sẽ không thể vận hành.
Do vậy, bản thân mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp phải thay đổi tư duy phát triển là tạo không gian phát triển cho chuỗi ngành hàng đó chứ không cho một địa phương riêng lẻ.
Bởi nhà máy xây dựng mà không được cung cấp nguyên liệu thì làm sao vận hành, nếu cứ phân biệt vùng xanh, vùng đỏ thì vùng xanh trong chống dịch sẽ trở thành vùng đỏ trong xây dựng kinh tế.
Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau, Bộ NNPTNT điều phối cùng Bộ Y tế thống nhất cơ chế vận hành sau 1/10 để đảm bảo chuỗi ngành hàng phục hồi, còn trong dài hạn đây cũng là kiến tạo để từng chuỗi ngành hàng phát triển bền vững.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"